|
|
Ngoài di cư, người lao động vẫn còn nhiều phương án việc làm khác |
Nguy cơ tiềm ẩn
Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Thừa Thiên Huế có trên 600 nghìn người trong độ tuổi lao động. Trong năm 2022, có gần 1.200 lao động đã xuất cảnh sang nước ngoài làm việc theo hợp đồng lao động. Tuy nhiên, nhiều trường hợp người lao động là đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa và nhiều thanh niên đối mặt với nguy cơ bị lừa đảo, buôn bán lao động trái phép.
Còn nhớ khoảng thời gian tháng 7/2022, Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS), Công an tỉnh tiếp nhận hơn 10 đơn trình báo của người dân ở địa bàn tỉnh liên quan đến việc người thân bị lừa sang Campuchia lao động trái phép. “Do tin vào lời quảng cáo từ các trang mạng xã hội hứa hẹn về công việc ổn định, lương cao nên các bị hại đã bị sập bẫy lừa, bị dẫn sang Campuchia lao động bất hợp pháp. Tại đây, các nạn nhân bị đưa vào những tòa nhà biệt lập nằm giữa rừng sâu hoặc sát biển, bị canh gác, bị ép làm việc. Nếu làm việc không đạt hiệu quả hoặc không đúng theo yêu cầu của các đối tượng, nạn nhân sẽ bị đánh đập, bị nhốt và bỏ đói. Nếu muốn về lại Việt Nam, gia đình nạn nhân phải bỏ tiền chuộc từ 60 đến 200 triệu đồng, tùy theo trường hợp”, đại diện Phòng CSHS, Công an tỉnh thông tin.
Những nạn nhân được giải cứu trở về cho biết, ngoài bị bóc lột sức lao động, nạn nhân còn có thể bị bóc lột tình dục, kết hôn ngoài ý muốn, bị ép buộc đi lừa đảo người khác.
Những số liệu thống kê cũng chỉ ra mức độ nghiêm trọng của vấn nạn lừa đảo này. Thống kê từ Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines vào đầu năm nay cho biết, các lực lượng chức năng của Philippines đã giải cứu 1.048 người, trong đó có 389 người Việt Nam là nạn nhân của nạn buôn bán người và cưỡng ép lao động tại quốc gia này.
Theo Đại tá Khổng Ngọc Oanh (Cục CSHS, Bộ Công an), các đối tượng lừa đảo thường nhắm đến những thanh niên có nhu cầu tìm việc làm, những người đang có thu nhập thấp, hoặc những thanh niên muốn có nhiều tiền nhưng lười biếng, hay cả những người đang nợ nần, túng thiếu.
“Những thanh niên này thường bị mê hoặc bởi mức thù lao được hứa hẹn hậu hĩnh nên dễ dàng mắc bẫy của những đối tượng lừa đảo. Với sự phổ biến của mạng xã hội, nếu không tỉnh táo, không có kỹ năng sử dụng mạng an toàn thì rất dễ bị lừa”, Đại tá Khổng Ngọc Oanh chia sẻ.
Phòng, chống di cư bất hợp pháp
Trước tình hình đó, ngày 19/5 vừa qua, Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Hội LHPN tỉnh tổ chức diễn đàn “Thúc đẩy di cư lao động an toàn” với mong muốn nâng cao nhận thức, kỹ năng về di cư, lao động cho hội viên, phụ nữ, đoàn viên, thanh niên trên địa bàn tỉnh.
“Di cư không phải là việc làm xấu, lao động ở nước ngoài cũng không phải hành vi phạm pháp nếu công dân thực hiện theo đúng quy định của pháp luật”, bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam chia sẻ tại diễn đàn “Thúc đẩy di cư lao động an toàn” tổ chức tại TP. Huế. Bà đồng thời khuyến cáo hội viên, phụ nữ, thanh niên và người dân trên địa bàn tỉnh cần cảnh giác với các lời mời chào, như việc nhẹ lương cao, không cần bằng cấp... vì có khả năng sẽ bị bóc lột sức lao động trong các cơ sở cờ bạc trực tuyến, cư trú bất hợp pháp, hoặc trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người.
Theo đại diện Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh, bên cạnh con đường xuất khẩu lao động để phát triển kinh tế, người dân cũng có thể học nghề, vay vốn để tự tạo cơ hội khởi nghiệp.