ClockThứ Hai, 05/06/2023 16:06

Vươn lên phát triển kinh tế từ nguồn vốn chính sách

TTH - Ở xã Vinh Hà, huyện Phú Vang, có những hội viên phụ nữ từ tay trắng, bằng nghị lực đã vươn lên khá giả, bắt đầu với nguồn vốn từ các chương trình tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH); từ đó tạo việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn.

Nông nghiệp hữu cơ - kinh tế tuần hoàn, hướng phát triển bền vữngLàm rõ hơn những thách thức và triển vọng để định hướng điều hànhTỷ lệ giải ngân kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững đạt thấp

leftcenterrightdel
 Chủ tịch Hội LHPN xã Vinh Hà (đứng) thăm hỏi, động viên hội viên phụ nữ tại cơ sở sản xuất hàng gia công may mặc của chị Trình

Bên ngoài, chiều muộn theo ánh nắng nhạt dần, nhưng trong nhà chị Bùi Thị Phương Trình (thôn Phường 4), tiếng hoạt động của những chiếc máy may vẫn không hề giảm tốc độ. Chị Trình cùng 5 chị, là hội viên phụ nữ trong thôn vẫn đang cặm cụi với công việc may, ráp áo quần, vắt sổ... Trước hiên, những chồng vải bộn bề, chứng tỏ công việc sản xuất của cơ sở sản xuất gia công hàng may mặc do chị Trình làm chủ đang tiến triển tốt.

Trên gương mặt chị Lê Thị Lành, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Vinh Hà, nụ cười thật phấn khởi, khi kể về nghị lực vươn lên của chị Trình. Lúc kết hôn, vợ chồng chị Trình chỉ có hai bàn tay trắng. Công việc của cả hai vợ chồng đều không ổn định; 3 đứa con lần lượt ra đời khiến cuộc sống gia đình càng khó khăn. Được sự hỗ trợ của Chi hội trưởng - tổ trưởng Tổ Tiết kiệm vay vốn phụ nữ thôn Phường 4, chị Trình được vay vốn chương trình sản xuất, kinh doanh (SXKD) tại vùng khó khăn; sau đó tiếp tục được vay vốn chương trình hỗ trợ giải quyết việc làm từ NHCSXH huyện Phú Vang, với tổng số tiền 100 triệu đồng. Sử dụng số vốn này lập nghiệp, chị Trình mua máy vắt sổ, máy may; nhận các đơn hàng từ TP. Hồ Chí Minh, lắp ráp, gia công quần áo.

Ban đầu với quy mô nhỏ, do làm tốt, có uy tín nên đơn hàng ngày càng nhiều, chị Trình mở rộng quy mô, tuyển thêm nhân công, tạo việc làm cho hội viên phụ nữ trong thôn. Ban đầu là 1-2 chị; tiếp đến là 3- 4 chị. Hiện, 6 nhân công đang có việc làm ổn định tại cơ sở sản xuất gia công hàng may mặc của chị Trình. Không những đã trả hết vốn vay, đầu tư thêm máy may, máy vắt sổ, nuôi con ăn học tử tế, vợ chồng chị Trình còn sửa chữa được nhà cửa khang trang.

“Đối với các nhân công, tôi trả lương theo sản phẩm. Hàng có nhiều, các chị làm nhiều thì trả nhiều, dao động từ 5- 7 triệu, cao nhất là 10 triệu đồng/tháng/người. Các chị cũng rất cần cù chịu khó. Khi hàng cần “đi” gấp, các chị sẵn sàng làm đến 9 giờ đêm” - chị Trình chia sẻ.

“Xuất phát điểm” là hộ khó khăn, thông qua “kênh” phụ nữ, chị Nguyễn Thị Huệ, hội viên phụ nữ thôn Phường 4 cũng được quan tâm, hỗ trợ vay vốn từ NHCSXH Phú Vang. “Nghị lực, chịu thương chịu khó, khéo tính toán, sử dụng vốn vay đúng mục đích, chị Huệ đã gầy dựng và phát triển cơ sở sản xuất hàng gia công may mặc. Sau khi trả hết số tiền 50 triệu đồng vốn vay chương trình SXKD tại vùng khó khăn, chị Huệ được tạo điều kiện vay thêm 20 triệu đồng chương trình nước sạch, để bắt hệ thống nước sạch, phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Cơ sở của chị Huệ làm ăn phát đạt, tạo việc làm cho từ 17-20 nhân công, là hội viên phụ nữ trên địa bàn. Chúng tôi đang hỗ trợ chị Huệ được vay vốn nguồn giải quyết việc làm, để chị mở rộng sản xuất, tạo nhiều việc làm nhiều hơn cho hội viên” - Chủ tịch Hội LHPN xã Vinh Hà cho biết.

Theo chân chị Lê Thị Lành đến thôn Phường 2, ai nấy không khỏi trầm trồ bởi ngôi nhà cùng xưởng sản xuất hàng gia công may mặc bề thế của chị Nguyễn Thị Kính. Trong khuôn viên nhà, xưởng là chiếc ô tô “mới coóng”. Hình ảnh đó là động lực cho mỗi hội viên phụ nữ nói riêng, cho người dân ở Vinh Hà vươn lên. Bởi tất cả thành quả đó, vợ chồng chị Kính xây dựng và phát triển được từ hai bàn tay, từ sự quan tâm hỗ trợ của chi hội phụ nữ thôn và Hội LHPN xã, để những đồng vốn quý giá của NHCSXH “đến” được đúng đối tượng vay, phát huy hiệu quả. Bây giờ, xưởng sản xuất của chị Kính có 17 máy may, máy vắt sổ và tạo công việc ổn định cho 14 nhân công. Sau khi trả lương cho nhân công, trừ mọi chi phí, vợ chồng chị Kính thu lãi ròng 30- 40 triệu đồng mỗi tháng.

“Chúng tôi yên tâm và phấn khởi khi Hội LHPN huyện Phú Vang nói chung và xã Vinh Hà nói riêng phối hợp với NHCSXH đưa các chương trình tín dụng đến đúng đối tượng được thụ hưởng, đảm bảo vốn vay được sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả của đồng vốn tín dụng ưu đãi và đảm bảo hoàn trả nợ vay gốc, lãi đúng thời hạn”- ông Trần Quyết Thắng, Phó Giám đốc NHCSXH huyện Phú Vang nói.

Bài, ảnh: QUỲNH ANH
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Những cựu chiến binh vươn lên làm giàu

Hồ Văn Phúc, trú tại thôn A Đâng, xã Hồng Thái (A Lưới) và Nguyễn Hùng, trú tại thôn Vân Trạch Hòa, xã Phong Thu (Phong Điền) là hai trong nhiều gương điển hình cựu chiến binh (CCB) làm kinh tế giỏi tại địa phương.

Những cựu chiến binh vươn lên làm giàu
Ổn định cuộc sống nhờ nguồn vốn vay chính sách

Nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo bền vững; đối tượng chính sách ổn định cuộc sống hơn nhờ vào nguồn vốn vay tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Quảng Điền.

Ổn định cuộc sống nhờ nguồn vốn vay chính sách
Hội thi văn nghệ tuyên truyền chính sách, pháp luật về người khuyết tật

Ngày 15/11, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các sở, ngành, hội, địa phương tổ chức "Hội thi Văn nghệ tuyên truyền chính sách, pháp luật về người khuyết tật (NKT) tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024" với chủ đề "Kết nối yêu thương". Hội thi với sự góp mặt của các đội văn nghệ đến từ Hội NKT của 6 địa phương đăng ký tham gia.

Hội thi văn nghệ tuyên truyền chính sách, pháp luật về người khuyết tật
Return to top