Đồng đội đưa các anh về yên nghỉ trên quê hương đất mẹ Ảnh: Anh Phong
Giám định hàng loạt ngôi mộ vô danh
Là lính đặc công trong kháng chiến chống Mỹ, trở về quê nhà sau chiến tranh, ông Cao Việt Đức (quê ở Yên Thế, Bắc Giang) luôn đau đáu về những đồng đội còn nằm lại ở chiến trường. 20 năm nay, ông Đức dành nhiều tâm sức đi tìm mộ liệt sĩ khắp cả nước. Từng chiến đấu ở mặt trận Bình Trị Thiên, ông Đức có nhiều đồng đội ngã xuống trên chiến trường A Lưới và được quy tập vào Nghĩa trang Liệt sĩ (NTLS) huyện. Nhưng, trong số 1.200 mộ ở nghĩa trang này, có đến 1.160 mộ chưa xác định được danh tính. Sư đoàn 324, Trung đoàn 6 Phú Xuân, Trung đoàn 9, một số đơn vị đặc công... là những đơn vị có nhiều liệt sĩ hy sinh và an táng ở A Lưới.
Từ khi có đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin (Đề án 150) của Chính phủ và Công văn 600 của Cục Người có công về việc lấy mẫu sinh phẩm giám định AND xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin ra đời, mấy năm nay, mỗi năm vài lần, ông Đức khăn gói vào A Lưới để xác minh việc quy tập, an táng, giải mã những đơn vị có liệt sĩ hy sinh được quy tập về NTLS huyện A Lưới. Ông cũng là người đã đề nghị Cục Người có công, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Thừa Thiên Huế lập kế hoạch, triển khai việc giám định ADN toàn bộ mộ vô danh ở NTLS huyện A Lưới. Năm 2017, ông Đức cùng với Phòng LĐ - TB & XH huyện A Lưới rà soát, xác minh danh sách các liệt sĩ hy sinh ở khu vực A Lưới, thông báo đến các thân nhân liệt sĩ, hướng dẫn làm các hồ sơ cần thiết cho việc giám định ADN. Quá trình lấy mẫu ADN, ông cũng tham gia.
Ông Đức tâm sự: “Bao nhiêu thân nhân, những người mẹ, người cha, anh chị em ruột thịt vẫn đang đau đáu mong chờ ngày trở về của liệt sĩ, mong biết được phần mộ người thân ở đâu để thăm viếng hoặc đưa về quê nhà. Mong ước ấy dường như vô vọng sau mấy mươi năm tìm kiếm. Giám định ADN là việc làm nhân văn để tìm lại tên cho các anh đã ngã xuống vì đất nước...”.
Ông Hồ Dần, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho hay: “Việc áp dụng phương pháp giám định gen xác định danh tính hài cốt liệt sĩ đảm bảo khoa học, chính xác, góp phần giúp thân nhân liệt sĩ yên tâm, tin tưởng trong việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Trong thời gian tới, sở nỗ lực đẩy mạnh công tác này, tiến tới giám định gen tất cả các hài cốt liệt sĩ vô danh”.
Chạy đua với thời gian
Năm 2013, ông Cao Việt Đức đã trực tiếp lấy mẫu ADN 13 mộ liệt sĩ của Sư đoàn 324 tại NTLS A Lưới và đã tìm được danh tính cho 7 liệt sĩ. Một câu chuyện cổ tích khiến nhiều người xúc động là đã tìm được mộ liệt sĩ Nguyễn Văn Ký quê ở Hải Hậu, Nam Định, bố của ông Nguyễn Văn Thông (công tác ở Hạt Kiểm lâm A Lưới). Nhiều năm đau đáu tìm kiếm, ông Thông không biết rằng bố ông đang yên nghỉ ở NTLS A Lưới, chỉ cách nhà ông 100m.
Không phải ai cũng may mắn tìm được người thân như gia đình ông Thông. Ông Nguyễn Hữu Thiết (quê ở Hà Tĩnh, hiện ở Đồng Nai) là thân nhân liệt sĩ Nguyễn Hữu Bảo, sinh năm 1953, hy sinh năm 1975 tại Truồi, Phú Lộc đề nghị giám định ADN để tìm người thân của mình nhưng qua 2 lần lấy mẫu (lần đầu tiên lấy mẫu nhưng chất lượng không đảm bảo, phải lấy lại lần 2) và ông vẫn đang thấp thỏm chờ đợi trong hy vọng.
Bà Khúc Thị Ngọc Hà, Phó Trưởng phòng Người có công, Sở LĐ-TB&XH cho hay: “Qua thời gian, chất lượng mẫu giám định xấu, hồ sơ quy tập ở các xã không còn lưu, thiếu nguồn thông tin để xác định vị trí mộ. Có những liệt sĩ không còn thân nhân cận huyết để lấy mẫu giám định đối chứng. Khi lấy mẫu hàng loạt, phải mất rất nhiều thời gian đối chứng nên thời gian chờ đợi của thân nhân quá lâu. Bản thân chúng tôi làm công tác này cũng đồng cảm, chia sẻ với nỗi đau của các thân nhân, tích cực giúp họ giải quyết những vướng mắc khi làm hồ sơ”.
Dù đã làm được nhiều việc cho đồng đội nhưng ông Đức vẫn đau đáu: “Công việc tìm kiếm danh tính liệt sĩ còn nhiều, các nhân chứng là cựu chiến binh đã lớn tuổi, có người đã mất, nên tôi phải chạy đua với thời gian. Tôi cũng đề nghị với Cục Người có công đã lấy mẫu ADN ở nghĩa trang nào thì phải làm hóa nghiệm cùng với mẫu thân nhân đối chứng để sớm có kết quả. Việc lấy mẫu gen phải làm nhanh vì thân nhân của liệt sĩ đã già yếu hoặc đã mất, vài năm nữa, việc lấy mẫu của thân nhân càng khó hơn”.
Từ năm 2012 đến nay, Sở LĐ-TB&XH đã gửi 327 mẫu sinh phẩm hài cốt liệt sĩ theo hồ sơ đề nghị của thân nhân liệt sĩ đủ điều kiện theo quy định đề nghị Cục Người có công giám định ADN. Đến nay, có 69 trường hợp có kết quả trùng huyết thống; 63 trường hợp không cùng huyết thống; 173 kết quả lưu ngân hàng gene; 10 trường hợp mẫu không đạt chất lượng để giám định ADN và 12 trường hợp chưa có kết quả.
Năm 2017, tiến hành lấy mẫu sinh phẩm hài cốt liệt sĩ chưa có thông tin ở NTLS huyện A Lưới (tổng số mộ lấy mẫu: 1.160 mộ, trong đó có 306 mộ còn mẫu sinh phẩm có khả năng giám định gen) và NTLS thị xã Hương Thủy (tổng số mộ lấy mẫu: 843 mộ, trong đó có 474 mộ còn mẫu sinh phẩm có khả năng giám định gen) để giám định gen xác định danh tính các liệt sĩ. Sở LĐ-TB&XH cũng đã xây dựng kế hoạch đề nghị Cục Người có công đồng ý cho lấy mẫu tại NTLS Hương Điền, thuộc huyện Phong Điền (đợt 1 với 1.260 mộ và đợt 2 với 1.261 mộ) và NTLS xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc với 429 mộ.
|
Minh Hiền