ClockChủ Nhật, 03/04/2022 08:42

Tín hiệu tốt về phục hồi & tăng trưởng

TTH - Báo cáo kinh tế - xã hội quý I/2022 của Tổng cục Thống kê Việt Nam cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa có sự tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể là tăng gần 13%, ước đạt hơn 88,5 tỷ USD. Có 15 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD trong quý I, chiếm 80% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó có 5 mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch trên 5 tỷ USD, chiếm 58%, bao gồm điện thoại và linh kiện; điện tử, máy tính và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ khác; dệt, may; giày dép.

Kinh tế dần trở lại quỹ đạo tăng trưởngNền kinh tế duy trì đà hồi phục, GDP trong quý 1 tăng trưởng 5,03%

Trong nhóm những mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu tốt có dệt, may là một trong những thế mạnh của tỉnh. Theo đó, chỉ riêng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 2/2022 của Thừa Thiên Huế đạt hơn 95,3 triệu USD, tăng 2,2% so với tháng trước. Lũy kế kim ngạch xuất khẩu 2 tháng đầu năm đạt hơn 188,5 triệu USD, tăng hơn 20,8% so với cùng kỳ và đạt 16,7% kế hoạch. Các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của tỉnh như xơ, sợi dệt các loại đạt 58,4 triệu USD, tăng 80,5%; hàng may mặc đạt 71,7 triệu USD, tăng 8,3%; nhóm hàng nông, thủy sản đạt 12,6 triệu USD, tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ.

Ngoài lĩnh vực xuất khẩu, cũng theo báo cáo của Tổng cục Thống kê Việt Nam, một số lĩnh vực khác cũng có sự phục hồi tốt trong quý I/2022, như sản xuất công nghiệp tăng hơn 7%, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động tăng hơn 36%, tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội ước đạt 562,2 nghìn tỷ đồng, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, vốn khu vực Nhà nước ước đạt 136,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 24,3% tổng vốn đầu tư và tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước; khu vực ngoài Nhà nước đạt hơn 323 nghìn tỷ đồng, chiếm 57,5%, tăng 9,1%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt hơn 102 nghìn tỷ đồng, chiếm 18,2% và tăng 7,9%.

Kết quả này cho thấy, nền kinh tế cả nước nói chung đang trên đà phục hồi tốt hơn sau hai năm chịu những tổn thất, ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19. Cũng theo số liệu từ báo cáo của Tổng cục Thống kê Việt Nam, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I năm 2022 ước tính tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,45%, đóng góp 5,76% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,38%, đóng góp 51,08%; khu vực dịch vụ tăng 4,58%, đóng góp 43,16%.

Cũng nằm trong đà tăng trưởng này, Thừa Thiên Huế ngoài xuất khẩu, một số lĩnh vực khác cũng đạt được những kết quả khả quan, như du lịch với doanh thu trong tháng 2 ước đạt hơn 75,6 tỷ đồng, tăng 2,35% so với cùng kỳ tháng trước. Hoạt động vận tải hành khách đạt hơn 1.110 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ tháng trước…

Trong các lĩnh vực có sự phục hồi và tăng trưởng tốt tại Thừa Thiên Huế, có thể thấy, lĩnh vực du lịch dịch vụ sẽ còn có những bứt phá trong thời gian tới, khi mà, tỉnh đã chủ trương cho mở cửa tất cả các loại hình kinh doanh, dịch vụ, với công suất phục vụ 100%, các chuyến bay đã nối tuyến trở lại. Mới đây, hãng hàng không Thai VietJet còn đến khảo sát để mở chuyến bay thẳng Huế - Bangkok (Thái Lan), nhằm kết nối đưa khách Thái Lan đến Huế - miền Trung một cách thuận lợi nhất và ngược lại. Tôi từng đi rất nhiều địa phương khu vực miền Trung trước khi xảy ra dịch và chứng kiến, dòng khách Thái, Hàn đến Việt Nam du lịch rất đông, nhất là ở Đà Nẵng, Nha Trang, Hội An. Nếu đón được dòng khách này, du lịch Huế sẽ có thêm cơ hội để phục hồi tốt hơn trong thời gian tới.

Dù vậy, để đạt được mức tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh từ 6,5-7,5%/năm sẽ còn nhiều việc phải làm để có sự tăng trưởng tốt ở tất cả các ngành, lĩnh vực. Song, sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế - xã hội dù chưa đạt như kỳ vọng ở quý I cũng cho thấy những tín hiệu tốt về sự phục hồi kinh tế - xã hội năm 2022 và những năm tiếp theo.

TÂM HUỆ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

PMI:
Ngành sản xuất ASEAN duy trì tăng trưởng

Tổ chức S&P Global ngày hôm nay (4/11) công bố Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) toàn phần ngành sản xuất Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Trong đó, ngành sản xuất ASEAN vào tháng 10/2024 đã ghi nhận sự cải thiện bền vững, mặc dù một lần nữa chỉ là mức cải thiện nhẹ.

Ngành sản xuất ASEAN duy trì tăng trưởng
Kinh tế thế giới đi lên từ suy thoái đến phục hồi

Suy thoái kinh tế được nhận định là một thách thức to lớn và thường xuyên xảy ra trong suốt chiều dài lịch sử. Từ cuộc đại suy thoái đến đại dịch COVID-19 gần đây, các quốc gia đã phải đối mặt với những giai đoạn khó khăn khi định hình lại các cấu trúc và đòi hỏi phải can thiệp chính sách chiến lược.

Kinh tế thế giới đi lên từ suy thoái đến phục hồi
Return to top