ClockThứ Tư, 07/11/2018 05:30

Tinh thần Bạch Mã

TTH - Trong những “người anh em” được người Pháp khám phá, xây dựng thành điểm du lịch nghỉ dưỡng độc đáo đầu thế kỷ XX thì đến nay, Bạch Mã “ngủ quên” lâu nhất so với Đà Lạt, Bà Nà, Sapa... Điều đó càng cho thấy tính cấp thiết, kỳ vọng của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế trong hội nghị góp ý quy hoạch phân khu xây dựng Khu du lịch sinh thái Bạch Mã vừa qua.

Phòng lửa tại Vườn Quốc gia Bạch MãTừ Bạch Mã đến Kon Ka Kinh

Giáo dục thực nghiệm ở Bạch Mã

Có thể nói bản quy hoạch này được Công ty Inros Lackner Việt Nam thực hiện bài bản, quy mô, với sự tham gia của chuyên gia nước ngoài, có tham khảo nhiều kinh nghiệm quốc tế.

Cũng chính bởi tính bài bản và quy mô đó lại càng dễ làm cho khán phòng lo lắng đến sự náo nhiệt, đông đúc và “quá hiện đại”, làm mất đi hệ sinh thái và giá trị vốn dĩ của Bạch Mã. Cho nên, vấn đề then chốt chính là một tinh thần Bạch Mã cốt lõi cần được nhận chân, tôn trọng và thực thi xuyên suốt, từ tư tưởng quy hoạch ban đầu cho tới quá trình thực hiện. Tinh thần Bạch Mã gắn liền những câu chuyện Bạch Mã, đi đến phương thức thực hiện đặc thù Bạch Mã.

Trước hết, tinh thần Bạch Mã được xây dựng nên bởi trục du lịch nghỉ dưỡng. Vấn đề nghỉ dưỡng càng có ý nghĩa với những giá trị sinh thái tự nhiên và sinh thái nhân văn, theo hướng tâm linh. Nó được kiến tạo từ truyền thống, nhất là một vùng thiên nhiên hoang dã được cộng đồng tộc người thiểu số và triều Nguyễn tôn trọng giữ gìn trong chính sách ki mi, rồi người Pháp - Mỹ phát huy xây dựng thành khu nghỉ dưỡng. Điều đó càng phù hợp với xu hướng sống chậm lại, nhu cầu trở về tự nhiên gắn liền nghỉ dưỡng - sinh thái - tâm linh.

Bà Nà đã từ bỏ tinh thần người Pháp đã xác lập đầu thế kỷ XX để trở thành khu vui chơi giải trí hiện đại, ồn ào, náo nhiệt. Bạch Mã cần duy trì tinh thần của mình để đảm bảo tính liên tục của lịch sử và linh hồn cốt lõi xuyên suốt của một khu nghỉ dưỡng độc đáo tựa núi, sát biển, tạo nên sự khác biệt đặc trưng - lợi thế so sánh nổi rõ tính chất dị biệt hóa trong sản phẩm du lịch. Chính tầng lớp thượng lưu, trung lưu từ công chức, thương gia... trong xã hội hiện đại càng có nhu cầu nghỉ dưỡng, sống chậm lại để an lành mà chiêm nghiệm, tĩnh tâm soi rọi chính mình và thế cuộc, nhằm tái tạo tâm hồn và sức khỏe. Thiền, yoga, dưỡng sinh, y học cổ truyền... sẽ bổ trợ tích cực, hữu hiệu, mà không thuần túy chỉ là chiêm bái, hành hương hay trai đàn chẩn tế. Con người và thiên nhiên, nhờ vậy mới “cảm ứng”, “giao hòa” để đạt tới cảnh giới thái hòa. Bạch Mã trong bối cảnh phát triển vùng hiện nay, còn được kết nối với thiền viện Trúc Lâm, Thúy Vân - Linh Thái - Tư Hiền - Laguna, với Cố đô Huế, ải Hải Vân, Đà Nẵng...

 Tổng thể Bạch Mã - Bà Nà

Thứ nữa, cần viết nên những câu chuyện Bạch Mã, gắn liền dấu ấn thiên nhiên và lịch sử văn hóa độc đáo xưa nay, trên nguyên tắc thiêng hóa và huyền thoại hóa, dưới dạng chuyện kể, bảng chỉ dẫn, bảo tàng lịch sử văn hóa, bảo tàng thiên nhiên (động vật, thực vật, tài nguyên đất đá...). Khởi nguồn từ dấu ấn lịch sử văn hóa bản địa Cơ Tu và đặc biệt là những nét riêng thời thuộc địa là điểm nhấn quan trọng. Nghị định số 698 ngày 2/7/1897, Toàn quyền Đông Dương đã cử Trung úy Debay khảo sát, đo vẽ địa đồ làm đường sắt tuyến Huế - Đà Nẵng.

Đến Nghị định số 96 ngày 24/1/1901, Toàn quyền P. Doumer đã cử Đại úy Debay cùng 3 trung úy, 1 phụ tá, 1 lính Âu châu khảo sát, kiếm tìm địa điểm xây dựng khu nghỉ dưỡng (sanatorium) ở miền Trung. Từ đây, ông đã có nhiều đợt thám sát khắp vùng rìa Bạch Mã, từ sông Cu Đê đến Khe Tre, về sông Hương. Đó là những tiền đề quan trọng cho việc khám phá và xây dựng Bạch Mã thành một trung tâm nghỉ dưỡng của vị kỹ sư trưởng ngành cầu đường Girard những năm 1932-1933. Đến năm 1934, người ta đã cho làm con đường đi bộ và cáng, chuẩn bị cho việc xây dựng nên một khu nghỉ dưỡng (une station d'altitude), tới năm 1937 mới có đường ô tô. Nhờ đó mà Bạch Mã đã có sự phát triển vượt bậc, từ năm 1936, đã xây dựng một bệnh xá và nhiều ngôi nhà gỗ ở đỉnh núi, nhà nghỉ dừng chân. Đạo dụ ngày 7/2/1936 của vua Bảo Đại đồng ý công nhận quyền sở hữu bất động sản của chế độ bảo hộ Pháp tại Bạch Mã và Nghị định ngày 27/4/1936 của Khâm sứ Trung kỳ đã cho thực hiện hai phương thức bán và cho thuê đất ở Bạch Mã mà cụ thể là đến ngày 22/6/1936, đã có 60 lô được bán đấu giá.

Nghị định số 01397 ngày 13/5/1939, người Pháp đã thiết lập khu nghỉ dưỡng Bạch Mã theo quy chế đô thị. Thậm chí, tính chất đô thị còn được thể hiện rõ nét ở quy chế an ninh của trung tâm đô thị Bạch Mã (Quyết định số 42 ngày 30/5/1939 của Khâm sứ Trung kỳ). Tính tới năm 1943, nơi đây đã có 130 ngôi nhà, trong đó có ngôi nhà của vua Bảo Đại... Sự đa dạng, độc đáo đặc trưng của khí hậu, thiên nhiên, của hệ động thực vật... cần được cụ thể hóa trên những cung đường diễn giải hay bảo tàng thiên nhiên, những trạm sản xuất - nhân giống, kể cả những công viên động thực vật hoạt động như một bảo tàng sống hoặc mô hình thật, mô hình ảo 3D. Đó cũng là thực cảnh, môi trường học tập, thực tập và nghiên cứu sống động cho các nhà động vật học, thực vật học, dân tộc học thực vật, học sinh sinh viên...

Sau cùng là phương thức Bạch Mã để thực hiện tinh thần và câu chuyện đó. Là khu nghỉ dưỡng trong môi trường sinh thái độc đáo, Bạch Mã cần duy trì tinh thần cốt lõi xuyên suốt này để làm nên sức sống đặc trưng, tạo sự khác biệt. Bà Nà đã từ bỏ tinh thần và tính chất là khu nghỉ dưỡng ôn đới ở xứ nhiệt đới vốn có để biến thành khu vui chơi giải trí thuần túy nên sự dễ dãi, giá cả bình dân và khả năng hiện đại hóa cao là điều dễ hiểu. Tính chất nghỉ dưỡng cần tôn trọng con người và thiên nhiên nên cần thận trọng khi đưa vào những yếu tố hiện đại để đảm bảo hài hòa, phù hợp, như cáp treo, dù chỉ vài cây số bởi nó phá vỡ tính tổng thể, làm mất đi tinh thần Bạch Mã. Quy mô 83 cabin cáp treo với công suất lên đến 1.750 người/giờ là quá kinh khủng đối với không gian và tính chất Bạch Mã mà với xu thế nghỉ dưỡng, sống chậm lại, thì đi bộ, xe đạp hay ô tô điện có dáng vẻ riêng của Bạch Mã vẫn cần được ưu tiên chọn lựa. Những tuyến đường, cũng là hành trình trải nghiệm, khám phá với những câu chuyện kể độc đáo, đặc trưng từ thiên nhiên cây cỏ, muông thú lẫn lịch sử, văn hóa... sẽ càng hấp dẫn du khách.

Hình thức và nội dung du lịch dịch vụ chất lượng cao theo hướng “thượng phẩm”, với quy mô vừa phải cũng là cách quảng bá độc đáo để thu hút, chọn lựa khách, tránh xu hướng “thường phẩm” đông khách dịch vụ giá rẻ, sẽ giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm, tác động xấu đến hệ sinh thái đặc hữu. Đẳng cấp và sự khác biệt, sự gắn kết núi - biển của khu nghỉ dưỡng ôn đới ở xứ nhiệt đới thực sự là bảo tàng sống độc đáo, hiếm có, làm nên tinh thần - câu chuyện và phương thức Bạch Mã một cách hợp lý, hiệu quả.

Trần Đình Hằng

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

75 năm ấy biết bao nhiêu tình

Sau 75 năm, tinh thần sẻ chia giữa hai đất nước Việt Nam - Lào “hạt muối cắn đôi, cọng rau bẻ nửa, giúp bạn là tự giúp mình” vẫn được Ban Liên lạc Quân tình nguyện Việt Nam - Lào tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục trao truyền, nhằm phát huy truyền thống vẻ vang và những thành quả mà các thế hệ cha anh đã đạt được.

75 năm ấy biết bao nhiêu tình
Truyền cảm hứng tinh thần hiếu học

Chiến thắng của Võ Quang Phú Đức, học sinh lớp 12 chuyên Toán 1, Trường THPT chuyên Quốc Học - Huế tại chung kết Đường lên đỉnh Olympia 2024 không chỉ tiếp tục khẳng định vị thế của Quốc Học - Huế, mà còn là nguồn cảm hứng mạnh mẽ, khích lệ tinh thần hiếu học của các bạn trẻ trên hành trình chinh phục tri thức.

Truyền cảm hứng tinh thần hiếu học
Thất vọng & để hy vọng…

Trong một tương lai gần, đi dưới tán rừng Bạch Mã, du khách sẽ được chiêm ngắm, được hít căng lồng ngực mùi hương nồng nàn tỏa ra từ những nhánh lan rừng đang bung nở, đang đong đưa đùa vui với nắng, với gió. Hy vọng sẽ là vậy…

Thất vọng  để hy vọng…
Lan tỏa tinh thần sống xanh, sống sạch

Từ những hoạt động, phong trào phụ nữ sống xanh do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TP. Huế triển khai, đã góp phần nâng cao nhận thức và hình thành thói quen phân loại rác thải trong sinh hoạt của các hộ gia đình, tiểu thương kinh doanh ở các chợ...

Lan tỏa tinh thần sống xanh, sống sạch
Chủ nhật xanh lan tỏa tinh thần thiện nguyện

Phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”, “Chủ nhật vì cộng đồng” được TP. Huế phát động và duy trì tổ chức trên địa bàn thời gian qua đã phát huy hiệu quả, góp phần tạo nên môi trường sạch đẹp, văn minh, đồng thời lan tỏa tinh thần thiện nguyện thông qua những mô hình, hành động ý nghĩa.

Chủ nhật xanh lan tỏa tinh thần thiện nguyện
Return to top