ClockChủ Nhật, 21/07/2024 06:58
KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY KÝ HIỆP ĐỊNH GENÈVE

Tình trong lá thiếp

TTH - Hiệp định Genève được ký kết, sông Bến Hải tưởng chỉ là giới tuyến tạm thời, không ngờ lại trở thành ranh giới chia cắt lâu dài đất nước Việt Nam. Nỗi đau chia cắt và biết bao câu chuyện thương tâm, cảm động đã diễn ra ở đôi bờ Hiền Lương kể từ ngày ấy. Có những đôi vợ chồng chỉ ở với nhau đúng một đêm. Có người chồng Bắc, vợ Nam, khi vợ được ra Bắc, thì chồng lại đã vào Nam chiến đấu...

70 năm Hiệp định Geneva: Hiệp định mở đầu cho sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân trên toàn thế giới

 Bộ đội ta trên phố Hàng Gai ngày tiếp quản Thủ đô. Ảnh: Thân Trọng Ninh

Chép lại ngày tiếp quản Thủ đô bằng ảnh

Ngày 10/10/1954 là ngày chính quyền cách mạng tiếp quản Thủ đô, ngày quân Pháp bàn giao chính quyền theo nội dung Hiệp định Genève (ký ngày 21/7/1954). Cùng với đoàn quân tiến về Hà Nội mùa thu năm ấy, ngoài các phóng viên từ Việt Bắc trở về, có các nhà báo quốc tế và có không ít những tay máy nghiệp dư đã ghi lại những khoảnh khắc lịch sử cực kỳ sinh động diễn ra trên từng con đường, trên từng góc phố... Trong số đó có một sinh viên người Huế là ông Thân Trọng Ninh. Hồi đó ông đang theo học đại học ở Hà Nội. Ông mua 2 cuốn phim kodak lắp vào chiếc máy ảnh Rétina 2A chụp quang cảnh Hà Nội trong bầu không khí chuẩn bị cho ngày tiếp quản.

Sáng sớm ngày 10/10, ông chạy bộ ra phố Hàng Bông, Hàng Gai, Bờ Hồ, ra bờ đê sông Hồng... Những nơi đi qua, ông chụp những người lính Pháp cuối cùng trên đường phố; những người lính đi bộ về các điểm tập kết; những người lính đang đứng gác ở các chốt giao thông trước giờ bàn giao chính quyền; những đoàn xe nhà binh nối đuôi nhau theo đường Trần Quang Khải để qua cầu Long Biên về Hải Phòng; chụp quang cảnh đường phố tràn đầy người dân ra đón chào, bắt tay bộ đội tiếp quản... Những chiếc xe chiến lợi phẩm Điện Biên Phủ, xe chở các nhà báo nước ngoài, các phóng viên mặt trận trở về cũng được ông ghi lại bằng hình ảnh. Ông là một trong số ít tay máy chụp được những góc phố với hai, ba thời điểm khác nhau - những góc phố hôm trước còn lính Pháp; buổi sáng hôm đó vắng bóng người dân, chỉ có những người lính Pháp cuối cùng ở Hà Nội; gần trưa thì cả biển người với cờ hoa chào đón đoàn quân chiến thắng trở về...

Tình trong lá thiếp

Sau ngày ký kết Hiệp định Genève, những người thân thiết trong gia đình ông Ninh ở Hà Nội hòa trong làn sóng di cư vào Nam, riêng ông tự tin ở lại. Ông quyết định ở lại Hà Nội vì đang học dở đại học, vì sự hiếu kỳ, và có cả sự thơ ngây. Ông cứ tưởng rằng chỉ hai năm là mình sẽ được đoàn tụ gia đình sau Hiệp thương Tổng Tuyển cử, thống nhất hai miền Nam - Bắc (1956). Nhiều chuyện may mắn, rủi ro của cuộc đời ông cũng từ đó mà ra. Ông không thể ngờ rằng mình phải hơn mất 20 năm trời chờ đợi mới được trở về quê hương, bản quán gặp lại mẹ già, người thân. Nhưng cũng nhờ vậy mà ông mới trở thành một nhân chứng, một người chép lại ngày tiếp quản Thủ đô Hà Nội bằng hình ảnh.

 Bưu thiếp. Ảnh: Thân Trọng Ninh

Trong số kỷ vật của ông Thân Trọng Ninh, tôi còn chú ý đến mấy tờ bưu thiếp. Kẻ Bắc người Nam, lúc bấy giờ giữ liên lạc với nhau qua thư từ. Về sau thì chỉ có những thông tin ít ỏi trên mặt sau của những tấm bưu thiếp. Ông Ninh cho phép tôi được chụp lại và sử dụng nội dung thông tin trên nhiều tờ bưu thiếp. Đây là những tấm bưu thiếp bay qua hai miền của mẹ con ông Ninh, và thư của bà Lê Thị Lợi Trinh, từ Huế, gửi ông Thân Trọng Ninh, ở Hà Nội.

“Em đã học xong và sắp sửa lập gia đình. Mạ (thân mẫu ông Ninh – NV) cũng vui lòng cho phép như vậy. Và anh cũng phải lo bề gia thất để cho mạ yên tâm lúc tuổi về già. Anh đã từng gặp gỡ rồi lại chia ly nên đừng xem chuyện lần này là hệ trọng lắm mà canh cánh, đắn đo, do dự... Anh gắng làm vui lòng mạ nhé. Cả nhà và em mong chóng nhận được tin mừng của anh”. Bưu thiếp gửi từ Huế ngày 25/5, dấu bưu điện Sài Gòn 27/5/1960, ở Hà Nội ông Ninh nhận được ngày 23/6.

Sau ngày giải phóng miền Nam, khi ông Ninh hồi hương thì bà Trinh đã rời Sài Gòn theo gia đình qua Pháp, rồi qua Mỹ. Có lần ông Ninh nói với tôi: Bà vợ nhà thơ Thanh Tịnh cũng tình cảnh như bà Trinh. Khi nghe tin (thất thiệt) ông mất, bà đã đi bước nữa. Năm 1975 gặp lại bà ở Nha Trang, Thanh Tịnh có bài thơ thật cảm động: Người cũ đây rồi người cũ đây/ Cầm tay mà nói chuyện chia tay... Những năm ở miền Bắc tôi cũng “ăn cơm tập thể, ngủ giường cá nhân” giống như ông Thanh Tịnh. Nhưng khi đã về Nam thì khác, tôi chưa một lần được gặp lại người mình thương yêu nhất.

“Cả miền Nam ai nghĩ như rứa!”

Thực ra hồi đó không chỉ có mỗi một mình ông Thân Trọng Ninh ngây thơ về thời hiệu hai năm tập kết của Hiệp định Genève. Nhà thơ Giang Nam có tên trong danh sách cán bộ tập kết ra miền Bắc qua đường cảng Quy Nhơn. Anh đã có một mối tình sâu nặng với chị Phạm Thị Chiều ở chiến khu Hòn Dù. Anh làm cán bộ tuyên huấn. Chị làm văn thư của cơ quan Tỉnh ủy Khánh Hòa. 6 năm sau chị là nguyên mẫu của “cô bé nhà bên” trong bài thơ “Quê hương” nổi tiếng. Sau Hiệp định Genève, anh Giang Nam trong diện tập kết ra miền Bắc, chị Chiều về Nha Trang hoạt động nội thành. Họ hẹn nhau sau hai năm trở về sẽ tổ chức đám cưới. Ông Bảy Hữu, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa lúc đó, biết chuyện cười nói với nhà thơ Giang Nam: “Làm đám cưới ngay đi. Nói đi hai năm là nói vậy chứ chắc chi đã...”. Thế là cơ quan tổ chức đám cưới cho anh Giang Nam và chị Chiều. Anh chị ở với nhau được đúng một ngày đêm thì chia tay. Ra Quy Nhơn tập trung, trong thời gian chờ đợi xuống tàu, anh đề xuất và được tổ chức đồng ý cho quay trở lại Khánh Hòa bám trụ. Sau này chính nhà thơ Giang Nam cũng thừa nhận với tôi: “Đúng là lúc đó mình còn thơ ngây về chính trị”.

Còn nhớ, tháng 4/1975, trên đường hành quân vào Nam, đơn vị tôi dừng lại ở Phú Bài bốn ngày để chờ xe đi tiếp. Theo địa chỉ ghi trong lý lịch, tôi tìm về từ đường ở phố Gia Hội (đường Chi Lăng). Bấy giờ, chú tôi dẫn tôi lên Ngự Bình thăm mộ ông nội, rồi qua Cầu Lim thăm mộ ông ngoại. Khi đó thắp hương bái lạy trước mộ phần thì tôi cứ lóng ngóng mãi. Ông chú phải “làm mẫu” để tôi làm theo. Nhưng xem bia mộ thì tôi đọc rất kỹ. Ông ngoại tôi mất tháng 6 (AL) năm 1956. Ông nội tôi mất tháng 3 (AL) năm 1960. Nếu chấp hành nghiêm chỉnh Hiệp định Genève thì ông cháu tôi đã được gặp nhau. Chú tôi thở dài bảo: Cả miền Nam lúc đó ai cũng tưởng như rứa. Tưởng đi hai năm, không ngờ thành hai mươi năm...

Nhà thơ Việt Phương, Thư ký của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng kể: Ngày 21/7, Hội nghị Genève họp phiên toàn thể để đọc bản Tuyên bố cuối cùng gồm 13 điểm nội dung là tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Các đại biểu đọc diễn văn bế mạc cam kết tôn trọng Hiệp định Genève. Đến cuối cuộc đời, ông vẫn hằn sâu hơn trong tâm trí hình ảnh người thủ trưởng của mình trong phiên họp cuối cùng. Trong lúc các trưởng đoàn phát biểu về kết quả Hội nghị, nhiều vị tỏ vẻ hài lòng về Hiệp định đã đạt được, thì Trưởng đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Phạm Văn Đồng vẻ mặt ưu tư ngoảnh về hướng Nam, nơi có Tổ quốc Việt Nam với những lời xúc động: “Đoàn ta đã cố gắng hết sức mình nhưng mới chỉ giành lại một nửa đất nước phía bắc sông Bến Hải. Cuộc chiến đấu của dân tộc ta sẽ còn phải tiếp tục lâu dài…”.

Hòa bình chỉ mới lập lại ở miền Bắc mà chưa phải toàn vẹn lãnh thổ. Chắc là nhiều người còn nhớ đến hồi ức của một cán bộ cao cấp gần gũi với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau thời điểm kết thúc Hội nghị Genève trong một buổi tối Bác Hồ tiếp đoàn đại biểu miền Nam do luật sư Phạm Văn Bạch, nguyên Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính Nam bộ dẫn đầu, đến phần văn nghệ tự biên tự diễn, Bộ trưởng Phan Anh - nguyên là thành viên phái đoàn đàm phán Genève đứng lên ứng khẩu: “Tiệc vui Nam Bắc một nhà/ Quân dân, lương giáo bên Cha sum vầy/ Chén mừng nhớ bữa hôm nay/ Chén vui thống nhất ngày này hai năm…”.

Mọi người vỗ tay nhiệt liệt. Bác cũng vỗ tay, nhưng đợi lúc ra về, Người vỗ vai ông Phan Anh nói nhỏ: Thơ “thầy cãi” tứ hay nhưng có một ý mình chưa tiện bình. Lạc quan tếu đấy. Lúc này nói ra rộng rãi chưa có lợi. Với riêng tác giả, mình bình thế này: “Đấu tranh thống nhất ắt dài/ Hy sinh gian khổ chẳng vài năm đâu!/ Hai mươi năm nữa là mau”.

Những ý tưởng lớn thường gặp nhau. Lê Duẩn, người đứng đầu Trung ương Cục miền Nam thời kỳ đầu, khi nhìn thấy hình ảnh những người cán bộ tập kết hân hoan giơ hai ngón tay, hàm nghĩa hai năm nữa sẽ Tổng Tuyển cử thống nhất đất nước, thì ông đã bật khóc! Và chiều hôm ấy, cụ Lê Duẩn đã lên tàu (tàu há mồm của Ba Lan) chở người tập kết. Nhưng về khuya, ông đã lặng lẽ bí mật xuống một chiếc ca nô trở lại bưng biền, lãnh đạo kháng chiến. Ông ôm hôn ông Lê Đức Thọ và nói: “Anh ra nói với Bác hai mươi năm nữa mới gặp nhau…”.

Thanh Tùng
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

KỶ NIỆM 70 NĂM KÝ KẾT HIỆP ĐỊNH GENÈVE (21/7/1954 - 21/7/2024)
Phân định giới tuyến tạm thời và cuộc đấu trí căng thẳng

Nhìn suốt quá trình đấu tranh từ sau Cách mạng tháng Tám 1945, Hiệp định Genève là một thành công lớn của cuộc kháng chiến chống Pháp, đánh dấu nấc thang mới trong tiến trình giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.

Phân định giới tuyến tạm thời và cuộc đấu trí căng thẳng
Return to top