ClockThứ Bảy, 20/07/2024 06:38
KỶ NIỆM 70 NĂM KÝ KẾT HIỆP ĐỊNH GENÈVE (21/7/1954 - 21/7/2024)

Phân định giới tuyến tạm thời và cuộc đấu trí căng thẳng

TTH - Nhìn suốt quá trình đấu tranh từ sau Cách mạng tháng Tám 1945, Hiệp định Genève là một thành công lớn của cuộc kháng chiến chống Pháp, đánh dấu nấc thang mới trong tiến trình giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.

70 năm Hiệp định Geneva: Hiệp định mở đầu cho sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân trên toàn thế giớiHiệp định Geneva - Đỉnh cao thắng lợi của nền ngoại giao Việt NamKhẳng định khát vọng hòa bình và độc lập

 Ngày 4/5/1954, Phái đoàn ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn, đến Genève (Thụy Sĩ) tham dự Hội nghị Genève về Đông Dương. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Hội nghị Genève về Đông Dương diễn ra cách đây đúng 70 năm. Đây là Hội nghị quốc tế đa biên lớn mà Việt Nam lần đầu tiên tham dự. Hội nghị có 9 bên tham dự, trong đó có 5 cường quốc thế giới (Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc). Hội nghị đã diễn ra từ 8/5/1954 - 21/7/1954, trải qua 75 ngày thương lượng với 31 phiên họp, trong đó có 7 phiên toàn thể và 24 phiên họp hẹp cấp trưởng đoàn. Đặc biệt, Hội nghị khai mạc đúng một ngày sau Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954). Hội nghị đã ra Tuyên bố chung và 3 Hiệp định đình chỉ chiến sự ở ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia, chính thức kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược của Nhân dân các nước Đông Dương (1946 - 1954).

Có được kết quả như trên chính là nhờ thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, mà đòn quyết định là chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Hội nghị đã để lại nhiều bài học đắt giá cho ngoại giao Việt Nam. Trong đó, phải kể đến là cuộc đấu trí đầy căng thẳng trên bàn đàm phán về việc phân định giới tuyến quân sự tạm thời để rút quân và định ngày Tổng tuyển cử giữa hai miền. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: “Cái khó là ở chỗ Mỹ muốn nhảy vào thay thế Pháp và muốn ta nhận vĩ tuyến 17. Tình hình lúc đó chỉ có hòa hay đánh. Nếu ta không chịu hòa, thì sẽ phải đánh. Ta tranh đấu mãi từ vĩ tuyến 13, đến vĩ tuyến 16, rồi đến 17. Đến đây ta không nhượng nữa, nó phải chịu...”.

Tham gia Hội nghị Genève, đoàn của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Văn Đồng dẫn đầu. Lập trường của đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đem đến Hội nghị là chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương, khôi phục nền hòa bình trên cơ sở công nhận các quyền dân tộc.

Đặc biệt về phân định giới tuyến, ngay từ đầu, lập trường của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là kiên quyết dồn lực lượng địch xuống vĩ tuyến 13 (cực Nam Trung Bộ) như lời của Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu nêu: “Chúng tôi cần một khu vực hoàn chỉnh có Thủ đô, nhiều hải cảng, trung tâm kinh tế - văn hóa từ vĩ tuyến 13 trở ra”, nhưng phía Pháp không chấp nhận. Sau đó trước áp lực của các nước lớn, buộc chúng ta nhân nhượng lùi ra vĩ tuyến 14 và đưa thời hạn Tổng tuyển cử sau 6 tháng, một lần nữa phía Pháp vẫn không chịu, họ đòi lấy vĩ tuyến 18 (sông Gianh) làm giới tuyến, vì họ cần con đường Quốc lộ 9 để tiện liên lạc với Lào và thời hạn Tổng tuyển cử phải đến cuối năm 1956. Từ đó, không khí trên bàn đàm phán càng thêm căng thẳng, dẫn đến nhiều cuộc họp công khai, cũng như họp hẹp giữa các đoàn, nhưng cũng không đem lại kết quả.

Đầu tháng 7/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp sang Liễu Châu (Trung Quốc) để bàn bạc với Thủ tướng Chu Ân Lai xung quanh vấn đề phân định giới tuyến tạm thời và thời hạn Tổng tuyển cử. Sau hai ngày bàn bạc, cuối cùng Chu Ân Lai đề nghị lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến và Tổng tuyển cử sau 2 năm (1956).

Tại Genève, ngày 13/7/1954, Trưởng đoàn Phạm Văn Đồng gặp Thủ tướng Pháp Mendès France (lên làm Thủ tướng thay Lanien vừa bị lật đổ), đề nghị lấy vĩ tuyến 16, nhưng Mendès France vẫn cương quyết đòi vĩ tuyến 18. Tiếp đó, ngày 15/7, Ngoại trưởng Liên Xô Molotov gặp Mendès France đề nghị chấp nhận vĩ tuyến 16 và ấn định thời gian Tổng tuyển cử vào cuối năm 1955, nhưng Mendès France một mực chối từ.

Những ngày này đối với đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Genève như một mặt trận, không có đổ máu, hy sinh, nhưng rất căng thẳng và ác liệt trong việc chống lại âm mưu của kẻ thù diễn ra trên bàn đàm phán, nhất là chọn giải pháp phân chia ranh giới tạm thời. Ta muốn lấy vĩ tuyển 13 trở ra, nhưng các nước đế quốc không nhượng bộ, đã ngầm thống nhất “Về vĩ tuyến, Mendès France lùi một ít về dưới vĩ tuyến 18. Về thời hạn Tổng tuyển cử họ không chịu định ngày, chỉ đề nghị lập cơ quan thương lượng để định ngày tuyển cử”. Trước tình hình đó, Trưởng đoàn Phạm Văn Đồng tuyên bố Việt Nam vẫn cương quyết giữ vĩ tuyến 16.

Từ ngày 19/7/1954, Hội nghị đẩy lên khẩn trương hơn, hai bên gặp nhau nhiều lần để bàn bạc vấn đề về giới tuyến và Tổng tuyển cử ở Việt Nam, cũng như tìm giải pháp về Lào và Campuchia, nhưng vẫn chưa đi đến thỏa thuận.

Sau khi cân nhắc về quyền lợi và sự thỏa hiệp của các nước lớn tham gia Hội nghị, ngày 20/7/1954, hai đồng Chủ tịch Hội nghị là Anh và Liên Xô đã gặp đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa để thảo luận và đi đến giải pháp khả dĩ nhất. Do đó, Ngoại trưởng Liên Xô Molotov đưa ra đề nghị lấy vĩ tuyến 17 (sông Bến Hải) làm ranh giới tạm thời và thời hạn Tổng tuyển cử thống nhất hai miền là 2 năm, hai bên sẽ hiệp thương sau 1 năm. Cuối cùng, buộc các bên phải đi đến thỏa thuận như đề nghị của Molotov.

Đến đây, sau hơn 2 tháng đấu tranh căng thẳng trên bàn đàm phán, mọi gay cấn trong tranh chấp về giới tuyến tạm thời đã được giải tỏa (mặc dù chưa đạt như ý muốn), bởi sự thỏa hiệp từ các nước lớn (trong đó có Trung Quốc và Liên Xô). Đúng 2 giờ 45 phút sáng ngày 21/7/1954, Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, chấm dứt sự hiện diện của quân đội Pháp ở Đông Dương chính thức được ký kết giữa Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Tạ Quang Bửu và đại diện Chính phủ Pháp - Thiếu tướng Delteil.

Mặc dù chúng ta chưa thể đạt được trọn vẹn những điều mong muốn, như­ng trong bối cảnh lúc đó, có thể thấy Hiệp định Genève là một thắng lợi về chính trị và ngoại giao, tương ứng với những thắng lợi quân sự. Đồng thời, Hội nghị cũng để lại nhiều kinh nghiệm đấu tranh ngoại giao mà sau này được vận dụng thành công trong cuộc đàm phán ở Hiệp định Paris (1/1973).

NGUYỄN ĐÌNH DŨNG
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY KÝ HIỆP ĐỊNH GENÈVE
Tình trong lá thiếp

Hiệp định Genève được ký kết, sông Bến Hải tưởng chỉ là giới tuyến tạm thời, không ngờ lại trở thành ranh giới chia cắt lâu dài đất nước Việt Nam. Nỗi đau chia cắt và biết bao câu chuyện thương tâm, cảm động đã diễn ra ở đôi bờ Hiền Lương kể từ ngày ấy. Có những đôi vợ chồng chỉ ở với nhau đúng một đêm. Có người chồng Bắc, vợ Nam, khi vợ được ra Bắc, thì chồng lại đã vào Nam chiến đấu...

Tình trong lá thiếp
Phân định không gian du lịch

Sông Hương chia TP. Huế ra hai không gian (bờ Bắc và bờ Nam), là cơ sở để xây dựng những sản phẩm du lịch đậm chất truyền thống ở phía Bắc và đô thị du lịch hiện đại ở phía Nam.

Phân định không gian du lịch

TIN MỚI

Return to top