ClockThứ Năm, 21/07/2022 06:45

Toàn xã hội chung tay chăm lo, phụng dưỡng người có công

TTH - Nhân kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Báo Thừa Thiên Huế có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về những chương trình, hoạt động hướng về những thương, bệnh binh, người có công (NCC) và gia đình chính sách trên địa bàn.

Ấm lòng những người ở lạiTri ân thiết thực

Ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Thưa ông, công tác chăm sóc NCC, gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh thời gian qua được thực hiện như thế nào?

Công tác chăm sóc đời sống NCC, gia đình chính sách luôn là nhiệm vụ chính trị hàng đầu được các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo, thực hiện. Hàng năm, công tác thực hiện chế độ trợ cấp ưu đãi hàng tháng đối với NCC và thân nhân NCC luôn được thực hiện đúng, đủ, kịp thời đối với hơn 17.000 người và các trợ cấp một lần khác.

Năm 2021, từ nguồn Quỹ Đền ơn đáp nghĩa và các nguồn hỗ trợ khác từ các cơ quan, DN hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 60 nhà tình nghĩa. Bên cạnh đó, từ nguồn Quỹ Đền ơn đáp nghĩa và ngân sách Trung ương và địa phương, công tác xây dựng, sửa chữa các nghĩa trang liệt sĩ, công trình ghi công luôn được quan tâm tổ chức, thực hiện. Năm qua, toàn tỉnh có 19 công trình ghi công, nghĩa trang liệt sĩ được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa, tu bổ với tổng kinh phí là 21,5 tỷ đồng.

Trong các dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, Tết Nguyên đán, ngành LĐTB&XH tham mưu, phối hợp tổ chức trao, tặng quà đối với NCC hết sức chu đáo, trọng tình. Riêng dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, đã có 42.589 suất quà được trao tặng đến NCC và gia đình NCC với tổng kinh phí hơn 12,9 tỷ đồng. Dịp kỷ niệm Ngày Thương binh – Liệt sĩ hàng năm, hơn 32.000 suất quà được trao tặng đến NCC và gia đình NCC với tổng kinh phí hơn 8,5 tỷ đồng. Hơn 7.400 NCC được điều dưỡng mỗi năm. Ngoài chăm sóc, phụng dưỡng đến suốt đời, hàng tháng, quý và nhân dịp lễ, tết hoặc những lúc ốm đau, các đơn vị nhận phụng dưỡng, chính quyền, đoàn thể kịp thời thăm hỏi, chăm lo sức khỏe, động viên tinh thần các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH).

Tỉnh đã có những chương trình, kế hoạch nào để huy động thêm từ các nguồn lực khác trong xã hội để làm tốt hơn công tác chăm lo cho NCC, đền ơn đáp nghĩa, thưa ông?

Hàng năm, ngoài ngân sách Nhà nước, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã đều thực hiện việc huy động các nguồn lực khác trong xã hội để thực hiện tốt các chủ trương về chính sách đối với NCC, phong trào đền ơn đáp nghĩa thông qua công tác vận động ủng hộ quỹ đền ơn đáp nghĩa.

Nhiều đơn vị, DN, tổ chức đoàn thể rất tích cực, chủ động trong các hoạt động xây dựng nhà tình nghĩa, trao tặng quà, tặng sổ tiết kiệm, phụng dưỡng, thăm khám sức khỏe và tư vấn chăm sóc sức khỏe đối với Bà mẹ VNAH, NCC; sửa chữa, dọn dẹp nhà, chăm sóc làm sạch đẹp các phần mộ liệt sĩ, công trình ghi công… trong các dịp lễ tết.

Ông có thể điểm qua những địa phương, đơn vị, tổ chức đã có những đóng góp tích cực, nổi bật trong hoạt động chăm sóc NCC, phong trào đền ơn đáp nghĩa?

Phần lớn các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh đến cấp xã trực tiếp thực hiện công tác chính sách ưu đãi NCC đã thực hiện đúng, đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách. Bên cạnh đó, vẫn có một số đơn vị, tổ chức, DN đã có nhiều đóng góp đáng kể. Điển hình, Phòng LĐTB&XH TP. Huế là đơn vị luôn chủ động, tích cực và nổi bật trong công tác thương binh liệt sĩ, là đơn vị duy nhất trong toàn tỉnh tham mưu hàng năm trích Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của thành phố để hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở đối với NCC, thân nhân liệt sĩ còn khó khăn về nhà ở. Hàng năm, hỗ trợ từ 30 đến 35 nhà với mức hỗ trợ xây mới 30 triệu đồng/nhà và sửa chữa 15 triệu đồng/nhà. Đơn vị luôn chủ động nắm bắt, đề xuất, giải quyết kịp thời các vướng mắc, khó khăn về đời sống NCC; chủ động trong công tác vận động các đơn vị, DN tham gia vào phong trào đền ơn đáp nghĩa trên địa bàn.

Về phía DN phải kể đến Quỹ Thiện Tâm thuộc Tập đoàn Vingroup. Hàng năm, nhân dịp lễ tết, Quỹ Thiện Tâm đều có các chương trình lớn về xây dựng nhà tình nghĩa, tặng quà đối với NCC. Năm 2022, nhân hướng tới kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, vào tháng 3/2022, Quỹ Thiện Tâm đã phối hợp với Sở LĐTB&XH tặng quà đối với 376 thương binh, bệnh binh nặng có tỷ lệ tổn thương cơ thể 81% trở lên, với mức quà 15 triệu đồng/suất. Vào dịp kỷ niệm 27/7/2022, quỹ dành tặng quà cho 37 mẹ VNAH còn sống trên địa bàn tỉnh, mỗi suất quà trị giá 5 triệu đồng.

TX. Hương Thủy là địa phương có nhiều DN thường xuyên tham gia vào các hoạt động đền ơn đáp nghĩa như xây dựng nhà tình nghĩa, tặng quà, sổ tiết kiệm, ủng hộ quỹ đền ơn đáp nghĩa, như các công ty: Frit Huế, Sợi Phú Bài, HBI, Sợi Phú Anh, Dệt may Huế...

Việc huy động để hỗ trợ cho những gia đình có công với cách mạng đang gặp khó khăn, thuộc diện nghèo thế nào?

Trong công tác chăm sóc đời sống NCC, Nhà nước đóng vai trò chủ đạo, tuy nhiên sự quan tâm của cộng đồng đã tạo nên nguồn lực to lớn giúp đời sống vật chất và tinh thần đối với NCC, đặc biệt là NCC đang gặp khó khăn, thuộc diện hộ nghèo ngày càng được cải thiện, đồng thời tạo mọi điều kiện và nguồn lực để bản thân NCC tự nỗ lực vươn lên.

Hiện nay, ngân sách hàng năm của Nhà nước chi cho ưu đãi xã hội phụ thuộc vào sự phát triển của nền kinh tế. Vì thế, phong trào xã hội hóa, huy động các nguồn lực trong xã hội trong công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc các gia đình thương binh liệt sĩ đóng vai trò hết sức quan trọng.

Để huy động các nguồn lực từ xã hội hỗ trợ cho những NCC đang gặp khó khăn, thuộc diện hộ nghèo đạt hiệu quả thì các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", xây dựng chương trình tình nghĩa không những cần tăng về số lượng mà còn phải đảm bảo về chất lượng, phù hợp với hoàn cảnh từng gia đình NCC. Các quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" cũng cần được quản lý và sử dụng hiệu quả hơn, thu hút được sự đóng góp của nhiều tầng lớp Nhân dân, đơn vị, cơ quan, tổ chức chính trị xã hội, DN… với tinh thần trách nhiệm và tình cảm thực sự.

Chính quyền địa phương cũng cần tăng cường công tác vận động, chủ động giúp đỡ đối với những gia đình có công đang gặp khó khăn, thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống.

Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ là dịp để cả nước bày tỏ lòng tri ân, "uống nước nhớ nguồn". Năm nay có những hoạt động gì nổi bật và chế độ thăm tặng quà cho NCC, thân nhân NCC có gì khác so với mọi năm, thưa ông?

Hai năm trước, do tình hình dịch COVID-19 phức tạp nên không thể tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ một cách quy mô và rộng rãi. Năm nay, theo kế hoạch có nhiều hoạt động nổi bật, ý nghĩa hướng đến kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Ngoài quà tặng của Chủ tịch nước, năm nay, quà tặng của tỉnh được ngành đề xuất tăng về số lượng và đối tượng NCC và thân nhân NCC với 11.259 suất quà (32 suất quà với mức 500.000 đồng/suất và 11.227 suất với mức 200.000 đồng/suất) với tổng kinh phí hơn 2,26 tỷ đồng. Tổ chức đoàn NCC tiêu biểu tham dự Hội nghị NCC tiêu biểu toàn quốc tại Hà Nội và Đoàn NCC và thân nhân liệt sĩ tiêu biểu tham quan TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía nam.

Dịp này, lãnh đạo tỉnh đi thăm, tặng quà cho 155 gia đình NCC tiêu biểu, gia đình liệt sĩ hy sinh tại Thủy điện Rào Trăng 3 và 2 đơn vị; long trọng tổ chức lễ trao danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ VNAH" của Chính phủ truy tặng cho 6 Bà mẹ VNAH; đồng thời thăm viếng, dâng hương các Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sĩ Đường 9, Nghĩa trang Liệt sĩ Hương Điền.

Xin cảm ơn ông!

HOÀI THƯƠNG (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững

Chiều 19/12, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổng kết công tác lao động, người có công và xã hội năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Tham dự hội nghị có các UVTV Tỉnh ủy: Nguyễn Quang Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Chí Tài, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.

Đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững
Hỗ trợ, chăm lo cho phụ nữ đơn thân, yếu thế

Chẳng may đau ốm, bệnh tật... khiến nhiều phụ nữ rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn. Nhưng, họ chưa bao giờ bị “bỏ lại phía sau”, bởi bên cạnh họ luôn có sự giúp đỡ, chăm lo của các cấp hội phụ nữ.

Hỗ trợ, chăm lo cho phụ nữ đơn thân, yếu thế
TRUNG TÂM CÔNG TÁC XÃ HỘI VÀ QUỸ BẢO TRỢ TRẺ EM:
Tận tình chăm lo người yếu thế

Có những hoàn cảnh không nơi nương tựa, bị bỏ rơi hay những người ở tuổi xế chiều, không người thân chăm sóc đã đến với Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em (gọi tắt Trung tâm). Do hoàn cảnh hay tự nguyện, họ đến đây để tìm "hơi ấm" sẻ chia, chăm sóc. Có những người đã gắn bó, trưởng thành, sống vui khỏe khi được nương tựa ở mái ấm tình thương này.

Tận tình chăm lo người yếu thế

TIN MỚI

Return to top