ClockThứ Bảy, 20/06/2020 06:30
GIẢI BÁO CHÍ HẢI TRIỀU LẦN THỨ I - NĂM 2020

Tôn vinh những tác phẩm hay, xuất sắc

TTH - Giải Báo chí Hải Triều lần thứ I - năm 2020 đã tìm được các chủ nhân xứng đáng. Các tác giả Lê Thọ (Báo Thừa Thiên Huế); Võ Công Tuấn (Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh - TRT) và nhà báo Bùi Ngọc Long (Báo Thanh niên) là 3 trong các tác giả đạt giải đã có những chia sẻ thẳng thắn, thú vị về Giải.

Cứ tưởng dễ mà hóa ra khóHọc làm “longform”Tọa đàm khoa học lấy ý kiến đổi tên Giải Báo chí Thừa Thiên HuếQuy chế hướng dẫn tuyển chọn tác phẩm xuất sắc dự giải báo chí Hải Triều lần thứ I năm 2020

Phóng viên Lê Thọ (trái) Báo Thừa Thiên Huế tác nghiệp tại phòng xét nghiệm SARS-CoV-2 - Bệnh viện Trung ương Huế. Ảnh: THU THỦY

Trước tiên xin chúc mừng các nhà báo đoạt giải Giải Báo chí Hải Triều năm 2020. Các anh nghĩ thế nào về kết quả mình đã gặt hái?

Tác giả Lê Thọ: Tác phẩm của chúng tôi viết về một đề án, phong trào lớn của tỉnh trong năm qua, đó là Chủ nhật xanh. Thực tế, phong trào này đã lan rộng và có hiệu ứng tốt trong các tầng lớp Nhân dân, do vậy, chất liệu để thực hiện loạt bài khá “dày”. Tác phẩm được chuyển tải bằng hình thức longform - một thể loại khá mới của báo chí hiện đại. Không chỉ riêng nỗ lực của bản thân, đằng sau thành quả này là cả một tập thể, từ biên tập viên đến kỹ thuật viên…

Tác giả Lê Thọ

Tác giả Võ Công Tuấn: Tác phẩm “Xe vua” lộng hành: Trách nhiệm thuộc về ai” của chúng tôi đề cập đến một thực tế đang tồn tại dai dẳng ở khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô - vấn nạn xe quá khổ quá tải. Để có được những hình ảnh chân thực nhất, nhóm phóng viên đã mất nhiều thời gian đeo bám, thực tế hiện trường.

Vì vậy, kết quả này là niềm động viên, khích lệ và động lực để chúng tôi phấn đấu, rèn luyện tay nghề.

Tác giả Võ Công Tuấn

Tác giả Bùi Ngọc Long: Bản thân tôi cũng như qua ghi nhận ý kiến của nhiều đồng nghiệp, nhận thấy, có lẽ do giải năm nay được tổ chức quá cập rập nên cũng còn nhiều bất cập, như việc đưa ra nhiều thể loại để dự thi, trong khi mỗi tác giả chỉ hạn chế nộp một tác phẩm.

Tác giả Bùi Ngọc Long

Theo tôi, muốn có tác phẩm chất lượng, tương xứng với giải thưởng mà lãnh đạo tỉnh kỳ vọng thì nên đổi mới tiêu chí chấm giải của Ban giám khảo sát với thực tiễn báo chí (ví như: tiêu chí của báo điện tử phải là lượt xem, lượt chia sẻ, lượt like, lượt bình luận và cuối cùng là hiệu ứng xã hội…) chứ không phải là tác phẩm “đẹp” đối với Ban giám khảo và Ban tổ chức.

Là sân chơi lớn dành cho những người làm báo được tổ chức hằng năm, theo các anh, ngoài để so tài, khẳng định tay nghề, giải đóng góp gì cho những người cầm bút?

Tác giả Võ Công Tuấn: Thực tế cho thấy, để có tác phẩm tham gia giải báo chí, các tác giả phải rất công phu tìm kiếm đề tài, lựa chọn thể loại, “lao tâm khổ tứ” chăm chút cho sản phẩm của mình trước khi đưa ra công chúng. Đặc biệt, đối với những phóng viên trẻ như tôi, giải báo chí tỉnh thực sự là “sân chơi” bổ ích cho những người làm báo rèn bút, luyện nghề.

Tác giả Lê Thọ: Tôi nghĩ, với người cầm bút, khi tác phẩm của mình được xướng tên ở bất kỳ giải báo chí nào thì đều tự hào. Tác phẩm báo chí vừa khẳng định tay nghề vừa thể hiện được sự đóng góp cho xã hội.

Tác giả Bùi Ngọc Long: Đối với người làm báo, giải thưởng là cơ hội để thi thố. Mà muốn thi thố thì chắc chắn mỗi một nhà báo đều phải có sự đầu tư công sức và trí tuệ cho tác phẩm của mình. Từ đó, chất lượng tác phẩm của cá nhân sẽ được nâng lên và chất lượng báo chí chung của tỉnh cũng sẽ tăng lên.

Và tác động của giải đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương?

Tác giả Bùi Ngọc Long: Giải chắc chắn sẽ tôn vinh những tác phẩm hay, xuất sắc của người làm báo nói chung và người viết báo nói riêng. Những vấn đề mà tác phẩm báo chí đạt giải đặt ra là những phản ánh, phản biện, phát hiện mới. Đó là những mô hình, những sáng kiến, những nhân tố mới, những điểm sáng hay những tồn tại, khuyết điểm… của tổ chức, cá nhân trong quá trình thực thi chủ trương chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Khi mà những vấn đề đó được đặt ra, chắc chắn sẽ có phản hồi từ dư luận và chắc chắn điều tốt đẹp sẽ được phát huy và ngược lại, những khuyết điểm tồn tại sẽ được lên án, chấn chỉnh, khắc phục…; từ đó, sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của địa phương.

Tác giả Võ Công Tuấn: Tôi cho rằng, các tác phẩm đã phản ánh khá đầy đủ, sinh động, kịp thời các sự kiện chính trị, kinh tế - xã hội, văn hoá của tỉnh; tạo được hiệu ứng xã hội tích cực và thiết thực trên nhiều lĩnh vực.

Tác giả Lê Thọ: Những tác phẩm đạt giải là những tác phẩm tiêu biểu và nhìn chung đã phản ánh tương đối toàn diện về tình hình kinh tế - xã hội lẫn đời sống của địa phương. Đó là những đề án, chủ trương lớn của tỉnh, như: Di dân Thượng Thành, Ngày Chủ nhật xanh hay vấn nạn khai thác cát trái phép tồn tại dai dẳng trong nhiều năm.

Dù kinh tế - xã hội hay bất cứ lĩnh vực nào, muốn phát triển bền vững thì cần một chiến lược, hướng đi đúng đắn. Những tác phẩm báo chí tại giải dù phản ánh mặt tích cực hay tiêu cực cũng một phần chỉ ra hướng đi đúng đắn cho sự phát triển.

Không bao giờ được phép tự mãn, nhất là với nghề làm báo. Các anh nghĩ sao về điều này?

Tác giả Lê Thọ: Với nghề báo, tự mãn nghĩa là "tự sát", đặc biệt trong thời đại bùng nổ công nghệ như hiện nay. Theo tôi, người làm báo cần không ngừng cố gắng, ít nhất là để theo kịp sự thay đổi của cuộc sống. Nhiều hình thức làm báo mới ra đời khiến người cầm bút buộc phải thay đổi tư duy lẫn cách tiếp cận vấn đề. Sự tích hợp của các loại hình báo chí trên một tác phẩm cụ thể khiến người làm báo phải đa năng hơn. Vì thế, thay đổi là điều bắt buộc.

Tác giả Võ Công Tuấn: Tôi là một phóng viên trẻ may mắn được làm việc trong một môi trường năng động, được sự hỗ trợ tối đa từ lãnh đạo cũng như sự chia sẻ kinh nghiệm từ những anh, chị đồng nghiệp. Mỗi lời khuyên, góp ý đã giúp tôi có thể hoàn thiện kỹ năng nghề nghiệp, để có thể thực hiện được những tác phẩm chất lượng hơn trong thời gian tới.

Tác giả Bùi Ngọc Long: Theo tôi, không phải nghề báo mà bất cứ nghề gì khi tự mãn xuất hiện cũng là lúc người đó đang dừng lại, dẫm chân tại chỗ, không còn điều kiện để phát triển cho bản thân. 

Dường như vẫn có những “con sâu làm rầu nồi canh”, làm thế nào để các anh vượt qua những khó khăn, thách thức để luôn giữ vai trò “bút sắc, lòng trong” của một người làm báo?

Tác giả Võ Công Tuấn: Đi nhiều, va chạm không ít và đầy rủi ro, nghề báo là một lựa chọn thách thức. Để gắn bó với công việc đầy vất vả, áp lực và cạnh tranh ngày càng khốc liệt, đam mê với nghề là điều cần có đối với phóng viên, nhà báo. Suy cho cùng, phải yêu nghề trước, có yêu nghề mới dốc hết tâm huyết và cống hiến hết mình cho công việc. 

Tác giả Lê Thọ: Bất cứ ở nghề nào, lĩnh vực gì cũng có những “vết gợn” lẽ ra không nên có. Nghề báo có những đặc trưng riêng và người làm báo gặp không ít cám dỗ. Mọi người thường nghĩ nghề báo là “quyền lực” nhưng tôi nghĩ làm báo cũng như bao nghề khác trong xã hội. Mục tiêu phục vụ bạn đọc một cách chính đáng được xem là tối thượng, có như vậy người cầm bút mới có một hướng đi đúng. 

Tác giả Bùi Ngọc Long: Gần đây, báo chí xuất hiện không phải là những “con sâu” mà có khi có cả “bầy sâu”. Tại sao vậy, tại vì trong xã hội còn rất nhiều tiêu cực và trong cả hệ thống quản lý Nhà nước vẫn có rất nhiều người làm sai. Khi đã làm sai thì những cá nhân đó sợ nhất đó là sự thật phơi bày. Cũng do hành lang pháp luật và quản lý Nhà nước về báo chí chưa nghiêm.

Còn với nhà báo chân chính, giá trị của họ, tên tuổi của họ sẽ lớn hơn rất nhiều những cám dỗ tầm thường. Họ không phải làm gì để vượt qua cám dỗ, bởi những cám dỗ đó không thể so sánh với những giá trị thơm tho mà cả cuộc đời họ đã cống hiến để tạo dựng được.

Nâng tầm từ Giải Báo chí Hải Triều  

Từ chủ trương của lãnh đạo tỉnh nhằm nâng tầm, đáp ứng sự chờ đợi, mong mỏi của những người yêu mến báo chí Huế, của giới cầm bút về một giải báo chí xứng tầm ở một nơi “từng là trung tâm thông tin báo chí của cả nước”, kể từ năm nay (2020), Giải Báo chí Thừa Thiên Huế chính thức có tên gọi mới: Giải Báo chí Hải Triều.

Hải Triều là  bút danh của Nguyễn Khoa Văn - nhà lý luận báo chí Cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Thừa Thiên Huế, một trong những nhà cách mạng tiền bối của Đảng.

Đồng thời với tên gọi mới, Giải Báo chí Hải Triều còn tập trung mở rộng loại hình báo chí dự giải, khích lệ kỹ năng làm báo hiện đại, chấp nhận tất cả các thể loại, thể tài, hình thức phản ánh và đối tượng làm báo ở mọi miền đất nước có tác phẩm xuất sắc về Thừa Thiên Huế tham gia; đồng thời, giá trị phần thưởng của giải cũng được nâng lên gấp ba lần so với trước.

Giải Báo chí Hải Triều lần thứ I - năm 2020 nhận được 60 tác phẩm dự thi. Qua hai vòng sơ tuyển và sơ khảo, Hội đồng chung khảo Giải Báo chí Hải Triều lần thứ I, dưới sự chủ trì của ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức giải, đã thống nhất và chọn 21 tác phẩm (gồm 1 giải Nhất, 4 giải Nhì, 6 giải Ba và 10 giải Khuyến khích) hội đủ các tiêu chí, tiêu chuẩn của Điều lệ giải, trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định tặng thưởng. Dự kiến, giải được trao ngày 20/6/2020, nhân kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2020).

TS

LIÊN MINH (Thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025

Chiều 16.12, tại TP. Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức Hội nghị Báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa chủ trì hội nghị.

Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025
Hơn 50 phóng viên, biên tập viên được tập huấn báo chí số

Ngày 25/11, Hội Nhà báo tỉnh phối hợp với Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ báo chí với chủ đề: “Báo chí chất lượng cao trong bối cảnh chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu mới của Điều lệ Giải Báo chí Quốc gia”.

Hơn 50 phóng viên, biên tập viên được tập huấn báo chí số

TIN MỚI

Return to top