ClockThứ Năm, 26/03/2020 09:40

Trận chiến cuối cùng giải phóng Thừa Thiên Huế

TTH - Chúng tôi - những cựu chiến binh (CCB) thuộc Trung đoàn 1, Sư đoàn 324 từ các tỉnh, thành phía bắc có dịp về xã Phú Hải (Phú Vang) - nơi diễn ra trận chiến đấu cuối cùng và cũng là nơi bàn chân chiến thắng của chúng tôi từng in dấu.

Phát huy truyền thống, xây dựng Thừa Thiên Huế giàu mạnh

Quân Giải phóng tiến vào cửa Ngọ Môn sáng 26/3/1975

Ngày trở về, chúng tôi không quên lần đơn vị vượt phá Tam Giang chặn đường rút lui của hơn 12 nghìn lính thủy quân lục chiến quân đội Sài Gòn định vào Đà Nẵng.

CCB Nguyễn Đức Xuyên, nguyên chiến sĩ trinh sát C20 (hiện sống tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), người dẫn đường cho chúng tôi vào trận, kể: Tầm 4 rưỡi, 5 giờ sáng 24/3/1975 , Bộ Tổng tư lệnh nhận định, địch ở Quảng Trị và Huế đang dồn xuống cửa Thuận An. Lúc đó, đồng chí Danh, Chủ nhiệm chính trị; đồng chí Phúc Thanh, Phó Tham mưu trưởng Sư đoàn 324; đồng chí Núp, Trung đoàn trưởng và đồng chí Định, Chính ủy Trung đoàn 1 lệnh cho đơn vị bắt đầu tác chiến.

Khi bộ đội ta tràn xuống Thuận An thì thuyền của bà con bị địch chiếm để rút chạy. Chúng tôi phải dùng loa gọi đồng bào đến giúp vượt phá truy đuổi quân địch...

Tối 25/3, cuộc chiến đấu trở nên vô cùng quyết liệt. Đẩy lui được quân địch nhưng gần 30 đồng đội của chúng tôi đã ngã xuống. Họ đã anh dũng hy sinh ngay trước ngày toàn thắng.

Để xuống được đến bãi biển này, chúng tôi đã trải qua những ngày chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh. CCB Tạ Văn Long, nguyên chiến sĩ C2 (hiện sống ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) nhớ lại: Trong chiến dịch K175, đơn vị tôi (K1, E1, F324) có nhiệm vụ chiếm lại cao điểm Mỏ Tàu. Trước đó, cuộc chiến lấy lại Mỏ Tàu  rất ác liệt. Quân ta nhiều lần chiếm được điểm cao nhưng lại bị bật ra bởi hoả lực quá mạnh của địch.

Khi được lệnh giành lại Mỏ Tàu, đồng chí Tuấn, Chính trị viên tiểu đoàn đề đạt với cấp trên, nếu phải lấy lại Mỏ Tàu xin các anh để 4 anh em trong ban chỉ huy tiểu đoàn vào trận, có hy sinh cũng chỉ 4 anh em chúng tôi chứ để bộ đội ta lên đó thì thương vong sẽ rất lớn.

Ngày 22/3, chúng tôi đã sẵn sàng chờ lệnh.

Nhưng nửa đêm, chúng tôi được lệnh bỏ qua Mỏ Tàu và hệ thống phòng thủ dày đặc của địch, hành quân xuống đồng bằng.

Chúng tôi hành quân suốt đêm, trong tiếng gà gáy ở các miền quê đi qua. Tiếng gà gáy sớm thân quen, ấm áp làm chúng tôi nhớ nhà đến cồn cào.

Gần sáng 23/3, chúng tôi vượt đường 1, đoạn thuộc huyện Phú Lộc. Khi vào đến một làng ven đường thì địch phát hiện và phản kích.Chúng tôi vừa đánh địch phản kích vừa chuẩn bị để vượt phá Tam Giang.

Tối 23/3, chúng tôi bắt đầu vượt phá. Khi chúng tôi đang trên một đập đá hai bên là nước thì pháo địch bắn. May mà chỉ là những loạt pháo cầm canh.

Qua phá Tam Giang, đêm đó chúng tôi hành quân về Thuận An. Có những đoạn ta và địch đi song song với nhau mà chúng không hề hay biết.

Đến sáng, khi thấy rõ địch, chúng tôi bắt đầu nổ súng. Chúng vừa chống trả vừa lui ra phía biển. Cả ngày hôm đó (24/3), chúng tôi quần nhau với địch trên bãi biển Phú Vang.

CCB Nguyễn Tất Ngọc, nguyên chiến sĩ liên lạc C2 (hiện sống ở quận Long Biên, Hà Nội) hồi tưởng: Ngày đó, đơn vị chúng tôi chỉ một tiểu đoàn nhưng đã chiến đấu với cả sư 1 Việt Nam Cộng hòa cộng với 2 lữ đoàn thủy quân lục chiến, biệt động, lính dù, bảo an dân vệ.

Lực lượng này lớn gấp nhiều lần chúng tôi. Mờ sáng 24/3, chúng tôi nổ súng đánh trận đầu tiên. Địch tháo chạy, tan rã và đầu hàng rất nhiều, ta đã bắt sống hàng ngàn tù binh. Tôi và đồng chí Sơn - hai anh em yếu nên không theo kịp đơn vị, được một đồng chí chỉ huy tiểu đoàn giao cho mấy tên hàng binh. Phải đến gần trưa, anh em tôi mới về đến đơn vị và bắt tay ngay vào chuẩn bị chiến đấu.

Cả đêm 24, ngày 25 và đêm 25/3/1975, chúng tôi quần nhau với địch trên bãi biển thuộc xã Phú Hải, Phú Vang. Không còn đường lui nên địch chống trả quyết liệt.

Mờ sáng 25/3, hôm đó sương mù dày đặc, đào xong hố chiến đấu của mình, mệt quá, tôi ngồi lên chiếc xẻng và thiếp đi. Bỗng nghe tiếng gọi giật giọng của tiểu đội trưởng Vũ Văn Mật: “Sơn! Xuống!”. Tôi vừa kịp lăn xuống hố thì đạn địch đã rít trên đầu. Khi được lệnh xung phong, tôi nhìn lại, thấy mấy cây dương đã bị đạn địch “bóc vỏ”, thật may.

Tại trận chiến đấu ấy, toàn bộ sinh lực địch tan rã. Hàng ngàn tù binh bị bắt sống, góp phần giải phóng hoàn toàn Thừa Thiên Huế. Và cũng tại trận chiến đấu ấy, nhiều đồng đội của chúng tôi đã mãi mãi không về. Máu và thanh xuân của các anh đã nằm lại...

Giờ đây, mỗi lần về Huế, chúng tôi không quên đến Phú Hải thắp hương tưởng nhớ những đồng đội của mình đã ngã xuống, góp phần làm nên chiến thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng quê hương, thống nhất đất nước.

NGỤY HOÀNG SƠN 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hội Cựu chiến binh Khối các cơ quan và doanh nghiệp:
Có 14/31 đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

Chiều 20/12, Hội Cựu chiến binh (CCB) Khối các cơ quan và doanh nghiệp (Hội CCB Khối) tổ chức tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Có 14 31 đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ
Làm trước để nêu gương

Sống giản dị, hòa đồng, nhiệt tình, trách nhiệm với công việc được giao, đi đầu trong mọi phong trào... là những lời nhận xét mà cán bộ, hội viên hội cựu chiến binh (CCB) địa phương vẫn thường nhắc về ông Lê Anh Miêng, Chủ tịch Hội CCB huyện A Lưới.

Làm trước để nêu gương
Return to top