|
Chị em ở Phú Thượng, TP. Huế biểu diễn văn nghệ chung vui Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân (Ảnh minh họa) |
Ý nghĩa của ngày này thì chúng ta thấy rõ, nó như là một hoạt động để gắn kết cộng đồng. Đã ngồi với nhau cùng mâm, nói với nhau những câu chuyện về gia đình, hỏi thăm nhau về sức khỏe… thì trong cuộc sống thường nhật cũng khó mà “mặt nặng mày nhẹ” với nhau. Về mặt tâm lý nó là như vậy. Những nhà khởi xướng ra ngày này có lẽ đọc được tâm lý đó.
Trước ngày diễn ra gặp mặt, những người có trách nhiệm trong thôn, tổ dân phố phải làm các “động tác” – in giấy mời, đi từng nhà gửi giấy mời và kèm theo đó là quyên góp tiền. Tùy theo mỗi nơi mà đưa ra một mức, hoặc có nơi tùy theo người đóng góp!
Trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân, ví dụ như có gia đình nào khó khăn cần sự hỗ trợ của cộng đồng thì cũng dễ huy động sự đóng góp. Ví dụ như trưởng thôn nêu trường hợp gia đình người này, gia đình người kia, vì lý do đau ốm, hoạn nạn… nên gặp khó khăn cần sự giúp đỡ. Ngay lập tức, của ít lòng nhiều, cộng đồng góp lại giúp đỡ không một chút đắn đo. Cũng có thể trưởng thôn thông báo ngắn gọn về tình hình địa phương mà người dân bình thường vì làm lụng suốt ngày ít quan tâm. Vậy là, nó cũng góp phần cho việc quản lý nhà nước. Nói chung Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân là rất hữu ích.
Cũng phải nói rằng, trong dịp này, từ thành thị đến nông thôn, không khí nhộn nhịp hẳn. Người dân phấn khởi một thì các chị làm dịch vụ nấu ăn phấn khởi mười! Lý do là thường nơi nào cũng thực hiện theo quy trình - sau phần lễ là hội. Đã hội là phải có ăn uống, bia bọt. Thời buổi hiện nay thì thêm một phần nữa: hát. Tiếng hát từ loa “kẹo kéo” vọng ra khắp xóm làng.
Tôi đã nghe được những câu chuyện ở các nước Bắc Âu. Ngoài đô thị phồn hoa thì các vệ tinh của đô thị thường được thiết kế thành cụm – đô thị vệ tinh. Có lẽ nó cũng giống như cụm dân cư, tổ dân phố ở Việt Nam. Có những nơi, thường là ngày cuối tuần, những gia đình sống cùng dãy phố, nhà nào có thức ăn gì, thức uống gì đem ra giữa phố để sinh hoạt chung. Rất vui tươi, văn minh, lịch sự. Họ có thể tổ chức thêm phần khiêu vũ. Xong rồi ai về nhà đó. Xem ra, tây, ta gì cũng như nhau!
Tuy nhiên, tây thì thế nào không rõ chứ ta thì cũng có vài điều bất lợi cần sự điều chỉnh. Bất lợi thứ nhất là có khi vui quá đà. Định mức của thôn có lẽ không dồi dào. Có khi thôn chỉ lo đủ phần ăn, còn phần uống (thường là có bia) những người tham gia tự xướng. Mà đã tự xướng thì không còn là tổ chức nữa. Bà con mình thì chúng ta đều biết – “đã vui là phải có bia”. Nhìn vào tiền thuế của ngành bia rượu đóng góp vào ngân sách thì đủ biết mức độ tiêu thụ bia của dân mình là nhiều như thế nào. Người này muốn nghỉ nhưng người kia chưa muốn nghỉ, thế là níu kéo nhau “làm thêm chai nữa”. Nghe bảo, bãi giữ xe của ngành công an ở đường Tam Thai, “dính” nồng độ cồn đã mệt. Khi lên lấy được xe ra còn mệt hơn gấp nhiều lần. Bởi cả một bãi mênh mông, tìm ra cho được chiếc xe của mình có khi “dò dẫm” cả ngày! Không biết có bao nhiêu trường hợp đi dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân về “dính” nồng độ cồn, nhưng có khả năng là có!
Thứ nữa là chuyện hát. Đồng ý có ăn có uống, có hát là vui. Cái không vui là có khi đi quá giới hạn. Hát quá trưa hoặc quá khuya. Người tham gia thì vui nhưng những người không tham gia, nếu rơi vào tình trạng này là… rất mệt. Người dân ở xung quanh cũng mệt theo vì cuộc vui có khi kéo quá dài!
Những điều này cũng không đáng gì so với mặt được, nhưng cần thiết phải điều chỉnh trong cách thức tổ chức phần hội ở cơ sở, tránh những phát sinh không đáng có để Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân có ý nghĩa vẹn toàn!