ClockChủ Nhật, 13/06/2021 12:55

Trong tiếng đại ngàn

TTH - Những bước chân lặng lẽ luồn rừng đi trong thứ nắng chiều đổ vàng như hổ phách. Không ai nói với ai, chỉ có tiếng lá khô lạo xạo dưới đế giày. Cả cánh rừng im lặng, chim muông cũng đã thôi kêu lời thảng thốt.

Hương chiềuNgược chiều

Leo lên đến mỏm đá, tôi ra hiệu cho mọi người dừng lại. “Nắng đẹp quá Lâm ơi. Mọi thứ bình yên và trong trẻo như chưa từng có tiếng súng vang lên. Em hãy ngắm nhìn đi…”. Tôi chợt thấy vai mình nặng trĩu. Lâm nằm trên cáng, máu thấm dần qua lớp áo kiểm lâm. Đây là nơi lần nào đi tuần về Lâm cũng đứng lại đưa mắt nhìn bao quát đại ngàn. Rồi Lâm cất tiếng hát, trầm ấm và có khi vui nhộn. Trong đôi mắt tràn ngập màu xanh ấy lấp lánh một tình yêu sâu nặng với rừng. Lâm ơi em vẫn còn quá trẻ. Còn chưa kịp thầm thương trộm nhớ một ai. Còn chưa tích cóp đủ tiền xây cho bà một căn nhà nhỏ như em vẫn ước ao. Chưa kịp đợi bầy chim kim oanh mỏ đỏ quay trở lại rừng. Bà chắc đang đợi em về ăn bữa cơm chiều. Chắc sẽ có món món nộm rau sắn mà em thích nhất. “Đưa em về thế này tụi anh biết phải nói gì với bà? Lâm ơi, bà chỉ có mình em”.

Ký ức hiện về theo mỗi bước chân. Sáu năm trước hạt kiểm lâm huyện nhận thông báo sắp có người mới về, trẻ lắm. Mà đúng là trẻ thật. Hai tư tuổi chứ mấy, vừa mới rời cánh cổng nhà trường. Lúc Lâm lớ ngớ gõ cửa bước vào, xách theo mấy quả hồng chín đỏ, ai nhìn cũng thấy thương.

- Hồng bà em trồng, ngọt lắm ạ. Bọn chim khôn ơi là khôn, năm nào cũng chờ hồng chín chúng kéo về ăn hết. Chỉ còn ít quả lành, bà cứ bắt em phải xách theo.

Chú Bảy vào phòng, ngớ người bảo:

- Ôi, tưởng ai. Thằng Lâm cháu bà Thỉu, nhà ngay dưới bìa rừng. Mới ngày nào nó còn bé xíu, lẽo đẽo theo bà đi chặt măng rừng về bán mà giờ đã cao lớn thế ư? Núi rừng này nuôi mày lớn đấy Lâm.

Rồi chú quay sang mọi người kể chuyện:

- Mẹ nó đi rẫy, đẻ nó trong rừng. Nhưng chết ngay khi vừa đẻ nó ra vì băng huyết. Tụi chú đi tuần, nghe thấy tiếng trẻ con khóc vang trong rừng liền vội vàng tìm đến. Thằng bé nằm dưới lớp lá xanh non, vẫn còn chưa cắt rốn. Mẹ nó nằm bên cạnh, máu chảy không ngừng. Chỉ buồn là không thể cứu được người mẹ tội nghiệp ấy. Chú nhớ cái nắm tay lạnh ngắt của mẹ nó khi gửi gắm sự sống của con mình. Trong đời làm kiểm lâm của mình, chú chẳng bao giờ quên được ngày hôm ấy.

- Rồi sao nữa chú?

- Thì đưa nó về nhà bà ngoại. Tội thằng nhỏ khát sữa. Chẳng hiểu sao lần nào đến thăm cũng thấy nó đang bú lá cây. Mấy anh em ở trạm bảo nhau dựng lại cho hai bà cháu cái nhà. Vài năm sau đã thấy nó như con sóc luồn lách trên rừng. Hết lấy măng, hái nấm lại leo trèo tìm mật ong rừng về bán. Gặp trên rừng năm nó mười hai tuổi, cao đến vai mình. Nó nói “sau này cháu cũng muốn làm kiểm lâm như chú”. Tưởng nó nói đùa, ai dè…

Chú Bảy đặt bàn tay chắc nịch lên vai Lâm, lắc mạnh. “Thằng này khá. Nói là làm”. Em coi rừng như nhà. Gập lại tấm bản đồ trong tay, em xông xáo luồn rừng chẳng kể mưa hay nắng. Tôi đọc được trong đôi mắt ấy sự dằn vặt, xót xa mỗi lần thấy một khoanh rừng bị dân bản đốt để làm nương rẫy. Em nói: “Nhìn ngọn khói bốc lên chẳng khác gì mái nhà bà em lần bị cháy”. Lâm đi trên đống tro nhìn từng thân cây đang quằn quại chết. Lửa vẫn còn âm ỉ trong từng thớ gỗ. Em nói: “Em phải làm gì đó để rừng không còn phải đau đớn thế này? Làm gì đó để người dân nơi đây xóa bỏ tình trạng du canh du cư, nay đây mai đó?”. Câu hỏi ấy hẳn phải được nung nấu trong tâm trí em qua những đêm thao thức, những ngày miệt mài vào bản vận động dân làng. Những bữa cơm ăn vội trên rừng. Những giấc ngủ còn nồng mùi lá. Mới hôm nào về trạm bàn tay bút sách còn trắng trẻo mà giờ cả cơ thể sạm đen. Gặp dòng suối giữa rừng, em soi mình cười bảo: “Thế này mới đúng là thằng Lâm đen của bà em chứ”.

Trong những lần nghỉ chân nơi mỏm đá, em hay kể về bà. “Bà em nấu món gì cũng ngon. Hay tại vì được ăn cùng bà nên em thấy thế. Chứ sau này xuống phố em ăn gì cũng chẳng thấy vui. Bà cứ bảo hôm nào mời các anh ghé nhà ăn cơm bà nấu”. Em dành dụm những đồng lương ít ỏi, nói để bao giờ hòm hòm xây cho bà cái nhà chắc chắn. “Chứ nhà giờ cũ quá, nếu không nhờ rừng che chở thì nhà hai bà cháu có khi bị sạt lở hoặc lũ thượng nguồn cuốn lâu rồi”. Tôi nhìn theo hướng tay em chỉ, nhìn hút xa tầm mắt thấy nhấp nhô những mái nhà dựa lưng vào núi. “Nhà bà em ở đó. Anh nhìn kỹ sẽ thấy cột khói chiều. Xóm em nhỏ mà vui. Rồi dân bản ở đây cũng sẽ quây quần lại dựng nhà, định cư, không còn thay đổi nơi ở và canh tác nữa”. Em mang mơ ước ấy lên từng nương rẫy, vào từng căn chòi, gặp gỡ từng người dân bản. Buổi sinh hoạt ở các thôn xóm em cũng thường có mặt để thủ thỉ với bà con những câu chuyện về rừng.

Cái tin em ngã xuống giữa đại ngàn như ngọn gió lan nhanh về làng. Người dân đứng thành hàng đón em ở dưới gốc chò nâu. Bà ngồi ở cửa bếp, bóng tối chùm dần lên tấm lưng còng và mái tóc bạc phơ. “Lâm về đấy à con. Chắc là đói bụng lắm đúng không?”. Những tiếng thút thít lẫn trong tiếng gió. Rồi ai đó òa khóc nức nở. Vài người chạy lại đỡ bà đứng dậy. - Tội nghiệp thằng bé, mồ côi mồ cút từ lúc mới lọt lòng. Giờ lại ra đi khi tuổi còn quá trẻ. Để người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh. - Mình còn chưa kịp mời cán bộ ăn một bữa cơm để nói lời cảm ơn. Nếu không có cán bộ thì có lẽ bọn mình vẫn phá rừng để đổi lấy miếng ăn. Vẫn còn sống tạm bợ nay đây mai đó trong những căn chòi ở giữa rừng. - Thương quá thôi, tao còn định lôi nó về làm rể nhà mình. Con Lý Tả Mẩy nhà tao ưng nó lắm. Em nằm đó, khoác lên mình bộ quần áo kiểm lâm còn mới. Màu áo xanh như màu của những chiếc lá non đã che đi bao nhiêu vết thương tích trên người. Gió đại ngàn đang hát ru em. Em có thấy? Rừng đang gọi em đấy. Lâm ơi…

Bà run run đeo khăn tang cho từng thân cây ở ngoài vườn. Với bà thằng Lâm vẫn quanh quẩn đâu đây. Ngày cán bộ bế thằng nhỏ từ rừng về, người nó còn dính lá. Mẹ mất, nó khát sữa suốt đêm ngày kêu khóc. Hồi ấy nhà cửa thưa thớt, chẳng có ai ở gần nuôi con nhỏ để mà xin sữa. Bà lên bìa rừng bẻ những cây mía dại nhai lấy nước cho thằng cháu nhỏ. Đêm đến nó ngậm núm ti nhăn nheo của bà mà ngủ. Bà nói em sinh ra ở rừng, ngã xuống vì rừng thì cũng nên để rừng vỗ về giấc ngủ ngàn thu.

Đường từ nhà bà đến nơi chôn cất đi qua những căn nhà mới dựng. Tụi trẻ con đứng ngoài cổng nhà, có đứa tay còn cầm con nghé ọ, con cào cào bằng lá “của chú Lâm làm”. Trong đôi mắt ngây thơ ấy chúng chắc hẳn chưa hiểu về cái chết chỉ nghe người lớn nói “chú Lâm đi vào rừng lần này sẽ mãi mãi không về nữa”. Đoàn người đi qua những khoanh rừng mới trồng, hàng keo đã cao quá đầu người chỉ vài năm nữa có thể cho thu hoạch. Đây là dự án trồng rừng sản xuất mà anh em kiểm lâm và chính quyền địa phương đã mất bao công sức thuyết phục bà con thực hiện. Mấy hôm trước Lâm còn khoe đã tìm thấy đầu ra cho cây dược liệu, quế, hồi. Đó là kết quả của những chuyến em xuôi ngược tìm về các làng nghề, các cơ sở chế biến thuốc đông y để tìm đầu ra. “Có như vậy mới giúp bà con dân bản định canh định cư anh ạ”. Niềm vui lấp lánh trong ánh mắt của em, khi thấy người dân đã biết dựa vào rừng mà sống. Những khoảnh rừng trọc giờ đã được phủ xanh như manh áo đã được vá lành. Đã không còn ngọn khói đốt rừng mà chỉ có ngọn khói bếp tỏa ra từ những làng xóm mới.

Những tưởng từ đó rừng sẽ bình yên. Ai ngờ cuộc chiến với đói nghèo vừa mới đi qua thì cuộc chiến khốc liệt hơn lại đến. Khi chỉ trong một đêm mà rất nhiều những thân cây ngã xuống bởi vết rìu lâm tặc. Chưa bao giờ cánh rừng phòng hộ lại rung lên giận dữ đến như thế. Nhìn những gốc cây bị đốn cụt, chúng tôi đau đớn như thể vết rìu kia đã bổ xuống ngực mình. Lâm chạm tay vào từng thớ gỗ, phủi đi lớp mùn cưa còn sót lại. “Khi em mười tuổi, theo bà lên rừng đã nhìn thấy cây lim này sừng sững. Em đi rừng bị lạc, cứ trèo lên cao tìm tán cây này sẽ thấy đường về nhà. Cây cổ thụ này là trái tim của cả cánh rừng. Vậy mà…”. Mùi gỗ tươi thơm đến nhức nhối trong cánh mũi. Rừng rộng, anh em kiểm lâm khó cai quản mọi lúc mọi nơi. Lâm tặc ngày càng hoạt động táo bạo hơn. Có những ngày chúng tôi không về nhà mà ăn ngủ cùng rừng. Những vắt cơm bà nắm với muối vừng, em mang theo cùng câu chuyện về thời thơ ấu. “Hồi ấy rừng còn nhiều chim kim oanh mỏ đỏ. Chúng bay thành từng đàn, luồn lách trong những bụi cây tìm quả chín. Anh tin không, em rủ được chúng về vườn hồng của bà. Ăn hết mùa hồng thì chim đi. Kể từ đó em không thấy loài chim này bay về rừng nữa. Người ta bảo chúng tìm đến những khu rừng cao hơn để sống. Khối lần nhắm mắt lại em mơ thấy đàn chim bay về. Lông nó nhiều màu sắc. Cổ ngực nó màu vàng cam rất đẹp. Bà em toàn trêu, khi nào mày lấy vợ thì bầy chim sẽ bay về đón dâu”. Nghe tôi giục: “Thì em lấy vợ đi cho bà vui”. Em chỉ cười, ngả lưng xuống thảm lá khô, mở mắt nhìn lên vòm xanh thăm thẳm.

Hôm nay, em cũng nằm với tư thế ấy, dưới những lớp đất rừng. Từ nay về sau trước mắt em vẫn luôn là vòm xanh thăm thẳm. Em có nghe thấy tiếng lá lao xao? Tiếng của đại ngàn thủ thỉ cùng em về sự sống. Những đau đớn và mất mát hôm nay sẽ biến thành sức mạnh của lực lượng kiểm lâm trong cuộc chiến giữ rừng. Chúng tôi biết mình không còn đơn độc nữa khi đã có người dân cùng chung sức bảo vệ cánh rừng mà “cán bộ Lâm đã phải hy sinh cả tính mạng của mình để giữ gìn”.

Tôi cúi xuống chào tạm biệt em - người đồng nghiệp dũng cảm của mình. Lúc ngẩng lên bỗng thấy có đàn chim mỏ đỏ, lông xanh từ đâu bay đến đậu trên tán cây trò nâu. Tôi sững người, hai mắt nhòe đi. Lâm ơi, em có nghe thấy tiếng hót ca lảnh lót hay không? Ôi đàn chim kim oanh mỏ đỏ đã trở về…

BÙI MAI

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kịp thời cứu 3 người bị đuối nước

Ngày 21/11, Thượng tá Lê Thị Hồng Nhung, Trưởng Công an huyện Quảng Điền cho biết, lực lượng Công an huyện đã kịp thời ứng cứu 3 người trong 1 gia đình bị đuối nước tại xã Quảng Vinh.

Kịp thời cứu 3 người bị đuối nước
Xuân như đã về

Như sự thèm thuồng mỗi khi ánh nắng tràn qua khe cửa sau một ngày mưa tầm tã, tôi cũng muốn được nhìn thấy em. Khoảnh khắc khi tôi vừa gọi tên em, ánh mắt em ngước lên nhìn tôi cứ như nụ tầm xuân đang e ấp chờ ngày hé nụ và có một điều gì đó vô cùng thu hút. Cho tới khi nhìn thấy tôi im lặng không nói gì, đôi mắt nâu đậm ấy trở nên dỗi đánh nhẹ tôi một cái rồi tiếp tục chú tâm công việc của mình:

Xuân như đã về
Có một thế giới truyện ngắn Trần Băng Khuê

Đọc Trần Băng Khuê, tôi không có cảm giác đang chạm vào một cấu trúc hư cấu kiểu mẫu, mà đang mò mẫm bước qua từng không gian luôn khép kín, chỉ có một cánh cửa để mở vào một không gian khác và cứ thế dẫm lên những siêu hiện thực không ngừng được bày ra.

Có một thế giới truyện ngắn Trần Băng Khuê
Lan tỏa mạnh mẽ tình yêu biên cương Tổ quốc

Được các địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh sôi nổi, hưởng ứng, tham gia; là hoạt động có sức lan tỏa mạnh mẽ, tạo đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân về truyền thống đoàn kết quân - dân, truyền thống anh hùng của Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh qua 60 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và phát triển, là thành công của các cuộc thi.

Lan tỏa mạnh mẽ tình yêu biên cương Tổ quốc
Return to top