Ngày 3/11/2021, Ban chấp hành Trung ương Đảng ban hành Quy định 41-QĐ/TW “về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ” thì vấn đề đặt ra cần phải thực hiện nghiêm túc, trở thành hoạt động bình thường trong hành chính Nhà nước.
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng thay mặt Bộ Chính trị ký Quy định 41 về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Ảnh: tuoitre.vn
1. Tháng 9/2021, ông Nguyễn Bá Hùng, Chủ tịch UBND huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu làm đơn xin từ chức. Lý do đưa ra là cá nhân có thiếu sót, không hoàn thành nhiệm vụ để xảy ra nhiều người lây nhiễm COVID-19 trên địa bàn.
Năm 2018, ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND Quận 1, TP. Hồ Chí Minh làm đơn xin từ chức với lý do bản thân không hoàn thành nhiệm vụ lời hứa “lấy lại vỉa hè bị lấn chiếm”, xin nghỉ (từ chức) cho người khác làm tốt hơn.
Cách đây 3 nhiệm kỳ, ông Lê Huy Ngọ lúc đó là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT cũng xin từ chức khi nhận trách nhiệm để cho cấp dưới bị khởi tố hình sự do làm trái, tham ô...
Đó chỉ là những trường hợp điển hình. Chưa bàn tới nguyên nhân sâu xa, hành động dám từ chức của họ trên phương diện tích cực là đáng hoan nghênh, dám chịu trách nhiệm trước thiếu sót của bản thân. Trong khi từ chức đang là vấn đề tế nhị, nếu không muốn nói là quá khó, hiếm hoi.Nhiệm kỳ khóa 12 đã kỷ luật hơn 69.000 đảng viên, trong đó số giữ chức vụ chiếm tỷ lệ không nhỏ, nhưng ít có ai từ chức mà đáng ra họ phải liên đới chịu trách nhiệm.
Ở khía cạnh khác, trước khi chuẩn bị Đại hội Đảng bộ của tỉnh Quảng Ngãi, cả 2 ông Lê Viết Chữ, Bí thư Tỉnh ủy và ông Trần Ngọc Căng, Chủ tịch UBND tỉnh viết đơn xin thôi chức vụ. Lý do đưa ra là theo nguyện vọng cá nhân, tạo thuận lợi cho kiện toàn nhân sự nhiệm kỳ mới. Nghe ra có vẻ đó là hành động tích cực, dám từ bỏ chức vụ một cách vô tư, tạo thuận lợi cho tổ chức! Vì dù sao họ cũng là những người có chức vụ cao nhất trong tỉnh, cấp ủy không thể trực tiếp đặt vấn đề. Thế nhưng thực tế đâu có đơn giản như vậy. Trước đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận những sai phạm, Ban chấp hành Trung ương quyết định kỷ luật cả 2 bằng hình thức cảnh cáo. Chắc chắn họ sẽ không được cơ cấu nhiệm kỳ mới, nếu tự trọng thì không chờ đến phút chót mới xin từ chức, vớt vát chút thể diện cuối cùng. Trong thực tế cũng không ít người xin từ chức vì những lý do cá nhân hoặc có mâu thuẫn với sắp xếp của tổ chức. Từ chức kiểu này nhiều khi là cách để “yêu sách” với cấp trên, làm khó cho tổ chức, không thể xem đó là hành động tích cực.
2. Từ chức là hành động “khó” và “hiếm” của cán bộ trong các cơ quan công vụ hiện nay. “Hiếm” là vì số cán bộ bị kỷ luật, mất uy tín ở nhiều nơi nhưng số từ chức chỉ được tính trên đầu ngón tay. Thực trạng về tham nhũng, suy thoái, biến chất về tư tưởng, đạo đức, lối sống... diễn ra ở nhiều cơ quan, địa phương nhưng ít thấy cán bộ nhận trách nhiệm, xin từ chức. “Khó” vì nếu không có tác động thì không dễ tự giác, tìm mọi cách “cố thủ” đến cùng, kể cả khi bị buộc phải từ chức. Có nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan tác động khác nhau. Trước hết là ảnh hưởng văn hóa phương Đông đến mức bảo thủ, xem chức vụ như chỗ đứng cao vọng, chức quyền là mặc định vĩnh cửu. Khi đã có chức vụ được gọi là “thăng chức”, “lên quan”, không có khái niệm “xuống” như một hình thái vận động bình thường. Danh vọng của bản thân, gia đình, dòng họ, quan niệm “một người làm quan cả họ được nhờ”... là áp lực lớn tác động đến tâm lý, ứng xử của lãnh đạo. Mặt khác, chúng ta chưa có tiền lệ, nói cách khác từ chức chưa được vận hành thường xuyên, chưa thành nếp trong các cơ quan công vụ. Đảng ta nhất quán khẳng định tác hại của “chạy chức, chạy quyền” nhưng trong thực tế chưa xóa bỏ được triệt để. Những người khi đã “chạy” thì mấy ai dễ từ bỏ, khi nó được gắn với bổng lộc mang lại. Người vốn đã quen chạy là đã không còn tự trọng thì cũng không có đủ can đảm, liêm sỉ tự nguyện từ chức.
Để từ chức trở thành bình thường theo quan điểm chung thì tùy theo đặc thù từng loại công chức để xác định các trường hợp phải từ chức, được từ chức và nên từ chức. Cần có hướng dẫn phân định rõ hơn trường hợp nào là bắt buộc, trường hợp nào cho tự giác từ chức. Như vậy sẽ tránh được dư luận hiểu sai dẫn đến công kích không đúng về người tự nguyện xin từ chức. Như vậy sẽ phù hợp hơn khi thực hiện Quy định 41, Luật Cán bộ, công chức và Quyết định 1847 của Thủ tướng Chính phủ về “Đề án văn hóa công vụ”. Đối với đảng viên giữ chức vụ trong hệ thống chính trị phải đối chiếu với Quy định 08-QĐ/TW ngày 25/10/2018 về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên...”. Quy định đã chỉ rõ: “Chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ”. Quan điểm đề cao trách nhiệm nêu gương của người cán bộ, từ chức trở thành văn hóa chính trị, văn hóa ứng xử. Cần chủ động làm gương từ lãnh đạo cấp cao, cán bộ có tầm ảnh hưởng lớn dần dần tác động đến cấp dưới, làm cho từ chức là một hoạt động bình thường.
Đến lúc phải đặt trách nhiệm tự giác từ chức trở thành hoạt động thường xuyên trong thực hiện nguyên tắc của Đảng. Từ chức cũng phải tuân theo quy luật phát triển: “có lên, có xuống”, “có vào, có ra”. Làm cho cán bộ dù đã từ chức nhanh chóng khắc phục khuyết điểm, phấn đấu đi lên bằng chính tài năng và phẩm chất của mình. Các tổ chức Đảng tạo điều kiện cho những người từ chức có cơ hội phấn đấu, khi có đủ điều kiện được tái quy hoạch, bổ nhiệm. Tạo những tiền lệ tích cực nhằm khuyến khích người đã từ chức phấn đấu tốt hơn, không phải từ chức là hết cơ hội. Quy định 41 của Trung ương thể hiện rõ những trường hợp phải chủ động từ chức, người thuộc diện tâm lý sẽ nhẹ nhàng hơn, dần dần trở thành nếp văn hóa, ý thức tự giác.
NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH