ClockThứ Năm, 30/09/2021 06:45

Ứng phó theo từng cấp độ rủi ro

TTH - Để chủ động trong công tác phòng, chống, ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, TP. Huế triển khai nhiều biện pháp phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT & TKCN) lồng ghép với công tác phòng dịch COVID-19, đặc biệt là ở các địa phương ven biển, đồi núi.

Lãnh đạo TP. Huế kiểm tra công tác phòng chống lụt bão  ở các xã ven biển

Xây dựng các kịch bản ứng phó

Hải Dương là xã vùng ven biển, đầm phá nằm ở phía bắc cửa Thuận An, có bờ biển và bờ phá Tam Giang dài 7km, nằm trong vùng trọng điểm thiên tai của TP. Huế. Do đó, việc chủ động phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai là nhiệm vụ trọng tâm luôn được địa phương chủ động nhằm hạn chế mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và Nhân dân.

Theo Chủ tịch UBND xã Hải Dương - Lê Xuân Hướng, để giảm thiểu các thiệt hại do thiên tai gây ra, ngay từ đầu tháng 8/2021, xã triển khai kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai và khẩn trương củng cố kiện toàn Ban chỉ huy PCTT&TKCN, các tiểu ban, đội xung kích xã, các tổ xung kích thôn để triển khai đến tận khu dân cư, các cơ quan, đơn vị; đồng thời xây dựng phương án để đối phó cho phù hợp với từng loại hình và cấp độ thiên tai. Trong đó, chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó tương ứng với các cấp độ rủi ro thiên tai để ứng phó và khắc phục.

Công tác chuẩn bị vật tư, thiết bị, các cơ sở vật chất kỹ thuật như: tàu, thuyền, ghe xuồng, máy phát điện và các phương tiện, thiết bị phòng hộ được triển khai từ sớm, sẵn sàng phục vụ công tác ứng phó khi có các tình huống xảy ra. Ngoài ra, xã lên kế hoạch, phương án cụ thể di dời dân từ các vùng xung yếu đến nơi an toàn, xác định rõ việc phân công trách nhiệm chỉ huy, lực lượng ứng cứu phương tiện, địa điểm, khu vực sơ tán cho từng vùng, từng cụm dân cư, đồng thời rà soát việc di dời dân ở những vùng có nguy cơ sạt lở, vùng xung yếu và nguy hiểm.

Cùng với Hải Dương, hiện các địa phương trên địa bàn TP. Huế đã kiện toàn đội xung kích ứng trực 24/24 giờ đảm bảo công tác ứng cứu kịp thời khi có tình huống xấu xảy ra, tạo nhóm zalo để thông tin liên lạc chỉ đạo, chỉ huy, điều hành, tổ chức thực hiện công tác PCTT & TKCN, nhất là công tác tổ chức vận động, hỗ trợ người dân di dời, chằng chống nhà cửa, sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra. 

Ứng phó theo cấp độ rủi ro

Để chủ động trong công tác PCTT & TKCN, TP. Huế đã triển khai thực hiện có hiệu quả phương châm “bốn tại chỗ” và nguyên tắc phòng ngừa, chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục kết hợp với phòng dịch COVID-19, đồng thời ban hành các phương án ứng phó tương ứng với các cấp độ rủi ro thiên tai tại các địa bàn.

Đối với các phường ở khu vực nội thành dọc theo sông Hương, Bạch Đằng, sông Đào, gồm Gia Hội, Đông Ba, Thuận Lộc… tập trung sơ tán ngay các hộ dân sống ở các khu vực nguy hiểm đến các địa điểm an toàn khi có lụt bão xảy ra; che chắn nhà cửa để phòng tránh bão, sơ tán ngay các hộ dân sống ở các vùng thấp trũng, dọc theo bờ hồ. Các phường ngoại thành dọc theo sông Hương, Đông Ba, Như Ý như Hương Vinh, Hương Hồ, Hương Thọ…, nắm số lượng dân sống trên sông, hai bên bờ sông và bờ biển, các vùng thấp trũng để sơ tán kịp thời khi có lụt, bão xảy ra, có phương án đưa tàu thuyền về nơi neo đậu an toàn.

Tại các phường, xã ở vùng cao như Thủy Bằng, Hương Thọ, Hương An… thực hiện phương án bảo vệ tính mạng, tài sản cho Nhân dân khi có bão lụt, lũ quét sạt lở đất xảy ra và phương án cứu trợ cho các vùng thấp, trũng của thành phố khi có lũ, lụt. Các địa phương ven biển như Hải Dương, Thuận An, xây dựng phương án phòng, chống lũ, lụt, sạt lở bờ biển đến tận thôn, tổ dân phố để khẩn cấp sơ tán người, tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Phương án huy động nguồn nhân lực ứng phó cũng được chuẩn bị từ sớm. Về lực lượng dân sự, ngoài lực lượng của các phòng, ban ở địa phương, mỗi tổ, thôn tổ chức 1-2 đội thanh niên xung kích; mỗi phường 1 trung đội dân quân cơ động, thành phố tổ chức 1 đại đội dự bị động viên (thành phố có 100 người; 36 phường, xã có 540 người). Về lực lượng vũ trang, duy trì trực 100% quân số, sẵn sàng huy động tối đa lực lượng khi có tình huống thiên tai với tổng quân số 8.790 người, bao gồm lực lượng quân sự 50, công an 500, dân quân cấp phường 190 người …

Theo Chủ tịch UBND TP. Huế - Võ Lê Nhật, ngoài việc duy trì hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, đảm bảo đời sống Nhân dân, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thành phố triển khai các phương án, kịch bản PCTT & TKCN, trong đó chú trọng đến phòng chống lụt bão, sạt lở đất ở các vùng núi và sạt lở bờ biển tại các địa phương ven biển. Theo đó, chỉ đạo các địa phương tổ chức rà soát, sẵn sàng triển khai phương án tổ chức sơ tán dân vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở ở vùng núi, vùng gò đồi, vùng ven biển, cửa sông, ven sông ven sông suối, các công trình đang thi công, các vùng thấp trũng, ngập úng để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của Nhân dân và Nhà nước; hướng dẫn người dân đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19 và an toàn thiên tai cho các địa điểm sơ tán, khu cách ly.

Hiện, 36 phường, xã đã xây dựng phương án dự trữ vật tư nhu yếu phẩm phục vụ ứng phó thiên tai, gồm 26 ngàn thùng mỳ ăn liền, 1.130 tấn gạo, 22 ngàn thùng nước uống đóng chai, hơn 80 ngàn lít xăng… Ngoài ra, thành phố cũng tổ chức dự trữ 30 tấn gạo, 25 tấn mỳ ăn liền nhằm đáp ứng kịp thời khi có thiên tai xảy ra trên địa bàn.

Bài, ảnh: Thanh Hương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Điều tiết nước, nạo vét kênh mương ứng phó hạn mặn

Công ty TNHH NN MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh (Công ty Thủy lợi) vận hành hiệu quả các hệ thống thủy lợi, đê điều, điều phối nguồn nước và phối hợp các địa phương nạo vét các kênh mương, hồ chứa bị bồi lắng để khôi phục, tăng khả năng trữ nước phòng chống hạn mặn.

Điều tiết nước, nạo vét kênh mương ứng phó hạn mặn
Nguy cơ thiếu nước và xâm nhập mặn

Ngày 19/4, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết, trong 24 giờ qua, tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã xảy ra nắng nóng và nắng nóng gay gắt trên diện rộng, có nơi đặc biệt gay gắt.

Nguy cơ thiếu nước và xâm nhập mặn
Điều tiết nguồn nước ứng phó hạn mặn

Công ty TNHH NN MTV Quản lý - Khai thác công trình thủy lợi tỉnh (Công ty Thủy lợi) phối hợp với các thủy điện thượng nguồn trong quá trình xả, điều tiết nước, chỉ đạo các trạm quản lý chặt các nguồn nước trên sông. Đồng thời, các đập, cống trên đê tiếp tục thực hiện các giải pháp điều tiết nước hợp lý tránh thất thoát nước trên các trục sông chính ra đầm phá.

Điều tiết nguồn nước ứng phó hạn mặn
Ứng phó hạn mặn đầu mùa khô

Nhằm đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp (SXNN), phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương tổ chức nạo vét kênh mương, hệ thống thủy lợi, xây dựng lại cơ cấu cây trồng để thích ứng kịp thời trong điều kiện khô hạn và thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho từng vùng đất.

Ứng phó hạn mặn đầu mùa khô
Return to top