Du khách, doanh nghiệp cùng tham gia nhặt rác trên bờ sông Hương
Trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm tập thể đối với việc bảo vệ môi trường và phát triển du lịch là những vấn đề mấu chốt mà du lịch có trách nhiệm hướng đến. Ai cũng có thể hiểu và tương tác được ngay với yêu cầu du lịch có trách nhiệm (thậm chí có nơi 4 từ này được treo như là một slogan). Đây cũng không còn là điều lạ lẫm đối với nhiều quốc gia trên thế giới. Điều này cũng được xem như là một nguyên tắc để điều chỉnh hành vi ứng xử cũng như sự tham gia của con người ở những nơi mà họ ghé lại. Ở khía cạnh khác, vấn đề này còn có thể hiểu là cách tiếp cận quản lý du lịch, nhằm tối đa hóa lợi ích kinh tế, xã hội, môi trường, giảm thiểu chi phí tới các điểm đến. Đó cũng là cơ sở để tạo hiểu biết, khuyến khích sự tôn trọng lẫn nhau giữa du khách và người dân địa phương… trong sự bền vững.
Được đề cập lần đầu vào năm 2011 ở dự án Phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội; sau đó là một dự án dài hơi hơn cũng do Liên minh châu Âu tài trợ, nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh và góp phần thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam, cho đến hiện nay, khái niệm du lịch có trách nhiệm dường như đã trở nên phổ quát hơn ở Việt Nam. Nghĩa là nó đã vượt ra được khuôn khổ của một dự án và mang đến nhiều giá trị tích cực hơn, thông qua tác động để làm thay đổi nhận thức của cộng đồng, xác định rõ trách nhiệm xã hội đối với hoạt động du lịch.
Tuy nhiên, không phải ở đâu, chỗ nào mọi thay đổi đều được thực hiện trong sự đồng nhất. Bên cạnh những nỗ lực về việc xây dựng môi trường du lịch thân thiện; chúng ta vẫn có thể tiếp nhận những thông tin về việc “chặt chém” du khách ở nơi này nơi kia; hay những thông tin về những bãi biển, điểm tham quan ngập rác; chuyện cự cãi giành chỗ để chụp hình sống ảo hay tiểu tiện, phóng uế bừa bãi nơi công cộng, điểm tham quan. Những mũi tên xuyên tim, những nét khắc nguệch ngoạc tên của những cặp đôi nào đó ở khắp nơi, ngay cả ở một gốc cây trong một điểm di tích, điểm tham quan đến cả trên vài tảng đá ở đỉnh Sapa. Chẳng hạn như nhiều người đã loay hoay mãi mà vẫn không thể nào có được khuôn hình không dính chữ và mũi tên của ai đó ở phía sau trên đỉnh Mã Phí Lèng (Hà Giang)…
Nhưng du lịch có trách nhiệm và trách nhiệm với du lịch còn là những vấn đề lớn hơn. Đó là thái độ và hành vi đối với bảo tồn và gìn giữ những giá trị văn hóa, phong tục tập quán truyền thống bản địa tốt đẹp cả từ khách du lịch và người cung cấp dịch vụ du lịch trong sự gắn kết với cư dân địa phương. Đương nhiên, ở đây còn có trách nhiệm lớn trong mỗi quan hệ và tương tác với môi trường. Điều này, cơ bản lại đến từ phía chính quyền, không chỉ trong công tác quy hoạch mà cả ứng xử với văn hóa, di sản và cảnh quan thiên nhiên. Việc Đà Lạt (Lâm Đồng), Phú Quốc bị ngập lụt trong những ngày cuối tuần vừa qua một phần còn do tác động tiêu cực trở lại do phát triển hạ tầng du lịch quá “nóng”. Đây cũng là vấn đề mà Sapa (Lào Cai); Tam Đảo (Vĩnh Phúc) và cả vùng ven bờ biển Đà Nẵng đã bắt đầu gặp phải…
Thực ra thì trong sự phát triển, bất kỳ địa phương nào cũng có vấn đề của mình. Vấn đề là những điều đó được đánh giá, nhìn nhận để điều chỉnh, thay đổi hướng đến sự phát triển như thế nào trong tính bền vững của nó. Thế nên trong mối tương quan của sự vận động, việc xây dựng một Huế xanh (trong sự đa nghĩa của từ và phương diện hoạt động), với sự cùng tham gia và hưởng ứng ngày một tích cực hơn từ phía cộng đồng, theo chúng tôi cũng là một ứng xử đẹp trong xu hướng có trách nhiệm ở một vùng đất văn hóa, du lịch.
Bài: Minh Hà - Ảnh: Đức quang