Đối với Thừa Thiên Huế, sau ngày 3/2/1930 không lâu, tháng 4/1930, Đảng bộ tỉnh ra đời, là một trong những Đảng bộ tỉnh được thành lập sớm trên toàn quốc. Từ mùa Xuân có Đảng ấy, lịch sử dân tộc Việt Nam đã tiến những bước dài.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Thanh Hà chia vui cùng những đảng viên được trao tặng huy hiệu 70 năm tuổi Đảng. Ảnh: Võ Nhân
Sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, một ngày đầu Xuân năm 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Bốn năm sau, dân tộc ta đã làm cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, lập nên chế độ dân chủ cộng hòa. Nhưng kẻ thù lại rắp tâm xâm lược nước ta một lần nữa. Cả dân tộc tiếp tục cuộc trường chinh ròng rã hơn 30 năm. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh đã giải phóng hoàn toàn miền Nam vào ngày 30/4/1975, mở ra kỷ nguyên mới của đất nước: Kỷ nguyên độc lập, thống nhất và CNXH. Để có Đại thắng mùa Xuân năm 1975 lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, quân và dân ta đã có những mùa Xuân chiến đấu và chiến thắng.
Trong những mùa Xuân hào hùng của dân tộc, Thừa Thiên Huế đã có những mùa Xuân rất đỗi tự hào. Xuân Mậu Thân 1968, TP. Huế hiên ngang, kiên cường trong lửa đạn. Cờ chiến thắng tung bay trên Kỳ đài kinh thành suốt 26 ngày đêm.
Huế mình đẹp nhất lòng dân
Mùa Thu khởi nghĩa, mùa Xuân dậy thành.
Trong Đại thắng mùa Xuân 1975, Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng hoàn toàn giải phóng là chiến thắng có ý nghĩa chiến lược để quân và dân ta thần tốc tiến về Sài Gòn, giải phóng miền Nam.
Đại hội lần thứ VI của Đảng diễn ra tháng 12/1986 là một đại hội đã đi vào lịch sử của Đảng và đất nước ta. Nếu tính theo mùa thì mùa Xuân 1987 bắt đầu sự nghiệp đổi mới, đó là một cuộc các mạng do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, đưa đất nước bước vào thời kỳ phát triển mới, hội nhập quốc tế, xây dựng xã hội ngày càng ấm no, văn minh, hạnh phúc.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Huế Nguyễn Xuân Hòa trao Huy hiệu Đảng cho các Đảng viên lão thành cách mạng. Ảnh: Anh Phong
Hơn 30 năm mùa Xuân đổi mới, đất nước, quê hương đã đạt được những thành quả to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Từ một nước nghèo đói, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gạo và nhiều mặt hàng nông, hải sản, đứng vào hàng đầu thế giới; đi đầu trong xóa đói, giảm nghèo, trở thành nước có thu nhập ở mức trung bình khá. Vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trong khu vực và trên thế giới. Năm 2017, trong điều kiện kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn đạt 6,7%, vào loại cao của các nước châu Á và thế giới; và dự báo kinh tế nước ta phát triển ổn định trong những năm tiếp theo. Việt Nam đã và đang đổi mới quy mô và chất lượng tăng trưởng kinh tế; đột phá 3 khâu chiến lược là: Nhân lực, cơ sở hạ tầng và thể chế kinh tế; đồng thời đặt mục tiêu xây dựng Chính phủ liên chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp lên hàng đầu.
Đóng góp vào thành tựu chung của sự nghiệp đổi mới, Thừa Thiên Huế đã trở thành một tỉnh phát triển của miền Trung, một trung tâm thương mại–dịch vụ, văn hóa, du lịch quốc gia, trung tâm y tế chuyên sâu, trung tâm đào tạo đa ngành của vùng. Hơn 10 năm nay, cơ cấu kinh tế của tỉnh đã chuyển dịch theo hướng CNH–HĐH với tỷ trọng dịch vụ-du lịch–công nghiệp–xây dựng ngày càng tăng. Trong khó khăn nhiều mặt, tăng trưởng kinh tế năm 2017 vẫn đạt 7,8%, thu ngân sách xấp xỉ 7.000 tỷ đồng. Bộ mặt đất nước, quê hương đã và đang thay đổi với những mảng màu tươi sáng.
Tuy nhiên, quy mô nền kinh tế nước ta còn nhỏ, năng suất lao động thấp, có nguy cơ tụt hậu xa với nhiều nước trong khu vực. Tình hình xã hội còn nhiều bất an, mà nổi lên là tình trạng tham nhũng, đầu tư không hiệu quả, lợi ích nhóm, tiêu cực trong nhiều lĩnh vực chậm khắc phục… Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, suy thoái về đạo đức…
Từ lâu, Đảng ta xem những biểu hiện tiêu cực trong bộ máy Đảng và Nhà nước là “giặc nội xâm”, phải kiên quyết ngăn chặn, loại trừ. Trong những năm gần đây, cuộc đấu tranh cam go chống tham nhũng đã đạt được những thành công, rất được dư luận phấn khởi, đồng tình. Hàng loạt “quan tham” đã sa lưới pháp luật.
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ cũng như các Nghị quyết Trung ương 5, Trung ương 6 (khóa XII) về phát triển kinh tế, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước, sắp xếp lại bộ máy của hệ thống chính trị… đang được tích cực triển khai.
Những ngày “Mừng Đảng, mừng Xuân” đầy ý nghĩa này, lòng chúng ta lắng lại nghĩ về Đinh Dậu đã qua với những thành công và những điều còn chưa như mong muốn; thấy rõ hơn những thuận lợi, thời cơ; những khó khăn, thử thách trong bước đường đi tới...
Minh Khiêm