Phong trào xây dựng nông thôn mới ở Phú Vang có sự đóng góp tích cực của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền miệng các cấp trong huyện
Bám thực tiễn
Những ngày gần đây, đội ngũ bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng ban công tác Mặt trận thôn càng được người dân ghi nhận, đề cao vì sự chủ động trong công việc được giao. Đây là thời điểm quan trọng nhằm chuẩn bị các bước trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp sắp tới. “Ngoài triển khai các kế hoạch được giao, việc tuyên truyền để mỗi người dân hiểu, đồng tình hưởng ứng về ý nghĩa đặc biệt quan trọng của đợt bầu cử này là nhiệm vụ của chúng tôi. Làm tốt điều đó sẽ góp phần vào sự thành công của cuộc bầu cử. Muốn vậy, người tổ trưởng không chỉ nắm chắc quy trình, công tác bầu cử, mà phải về từng hộ gia đình để tuyên truyền, giải thích những ý kiến của người dân”, ông Phạm Thanh Quynh, Tổ trưởng tổ dân phố 24 phường Tây Lộc (TP Huế) cho biết.
Ở xã Phú Thượng (Phú Vang), nhiều tuyến đường kiệt đã được bê tông và lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng. Điều này không chỉ làm cho bộ mặt nông thôn thêm văn minh, hiện đại mà còn giảm tình trạng trộm cắp hay tai nạn giao thông. Ngoài sự nỗ lực của chính quyền địa phương, kết quả này có được còn nhờ khâu tuyên truyền, vận động của trưởng ban công tác Mặt trận thôn. Ông Châu Văn Lân, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Lại Thế (Phú Thượng, Phú Vang) cho biết: “Qua công tác tuyên truyền vận động, người dân thấy nhu cầu bức thiết nên họ rất đồng tình, ủng hộ”.
Là một trong những báo cáo viên Tỉnh ủy, ông Hoàng Đức, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh luôn phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu trong thực hiện vai trò, chức trách được giao. Với ông, kinh nghiệm từ thực tiễn cộng với sự nhiệt tình, tâm huyết, biết đổi mới phương pháp truyền đạt kết hợp nghe nhìn là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền miệng. “Ngoài bám sát các sự kiện quan trọng của đất nước, nhiệm vụ của bản thân cũng như đội ngũ báo cáo viên từ tỉnh đến cơ sở trong thời điểm này là tập trung tuyên truyền ngày hội bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. Đồng thời, tập trung tuyên truyền kỷ niệm 41 năm Ngày Giải phóng quê hương 26/3”, ông Hoàng Đức nhấn mạnh.
Kết quả mà đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền miệng đạt được trong thời gian qua rất đáng ghi nhận, nhất là trong việc cung cấp thông tin, định hướng tuyên truyền. Đơn cử, từ năm 2010 đến nay, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền miệng đã báo cáo chuyên đề về biển, đảo với 1.400 buổi cho hơn 72.500 lượt người nghe; giúp cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân ổn định tư tưởng.
Đổi mới, hướng mạnh về cơ sở
Đội ngũ báo cáo viên Tỉnh ủy hiện có 53 đồng chí, hầu hết có trình độ chuyên môn đại học, cao cấp lý luận chính trị; trong đó, có 2 tiến sĩ và 11 thạc sĩ. Đội ngũ báo cáo viên ở các Đảng bộ trực thuộc huyện ủy, thị ủy, Thành ủy Huế và các Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy gồm 462 đồng chí. Đây là lực lượng nòng cốt trên mặt trận tư tưởng – văn hóa của Đảng.
|
Hội nghị triển khai nhiệm vụ hoạt động của đội ngũ báo cáo viên và công tác tuyên truyền miệng nhiệm kỳ 2015 – 2020 chỉ rõ: Mục tiêu của đội ngũ báo cáo viên và công tác tuyên truyền miệng trong thời gian tới được xác định là phải đổi mới, tập trung hướng mạnh về cơ sở; chủ động đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, giữ vững trận địa tư tưởng, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.
Theo tinh thần đó, nhiệm vụ của các cấp ủy Đảng là tiếp tục tăng cường công tác lãnh, chỉ đạo đối với hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền miệng. Phương châm đặt ra là “Toàn Đảng, cả hệ thống chính trị làm công tác tư tưởng. Mỗi cán bộ, đảng viên là một tuyên truyền viên; trong đó, lực lượng báo cáo viên là nòng cốt”.
Để đạt hiệu quả mục tiêu đề ra, theo Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Nguyễn Hữu Tiến: “Bí thư cấp ủy phải là người trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về hoạt động của đội ngũ báo cáo viên cơ sở, tuyên truyền viên của cơ quan, đơn vị. Báo cáo viên là người phát ngôn, truyền tải những nội dung cốt lõi, điểm mới của Nghị quyết Đảng, vì vậy phải đủ tiêu chuẩn chính trị, đạo đức lối sống và những yêu cầu về năng lực chuyên môn và cần có năng khiếu, sở trường về tuyên truyền miệng”. Ông Nguyễn Văn Đấu, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị thị xã Hương Thủy đề xuất: “Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cần đầu tư nghiên cứu, biên soạn nội dung tuyên truyền gắn với thực tiễn yêu cầu để phù hợp với đối tượng nghiên cứu. Đó cũng là mục tiêu hướng đến việc đổi mới, nâng cao trình độ của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền miệng của tỉnh”.
Bài, ảnh: ANH PHONG