Ông Lê Hữu Phong (thứ 2 dãy bên phải) nguyên Bí thư Đảng ủy phường An Cựu nói về những hoạt động của Chi bộ An Cựu
Nhận thức được bước tiến mới của cách mạng, thời điểm này, cùng với Chi bộ An Cựu, Chi bộ liên huyện Phú Vang – Phú Lộc cũng được thành lập. Bước đầu, Chi bộ An Cựu chỉ có 4 đảng viên, gồm các đồng chí: Bửu Ba, Đặng Sĩ Khả, Tôn Thất Nho, Trương Đình Trung. Đồng chí Bửu Ba giữ cương vị Bí thư Chi bộ An Cựu.
Ông Phan Anh Thư, Trưởng ban Tuyên giáo thị xã Hương Thủy cho biết, sau khi Chi bộ An Cựu được thành lập thì tháng 4/1930, Tỉnh ủy lâm thời Thừa Thiên Huế được thành lập dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Phong Sắc. Đồng chí Lê Viết Lượng được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy lâm thời Thừa Thiên Huế. Trong lúc chưa thành lập được các huyện ủy lâm thời, đồng chí Lê Bá Dị (phụ trách dân vận của Tỉnh ủy) được phân công phụ trách chỉ đạo 3 huyện: Hương Thủy, Phú Vang, Phú Lộc.
“Chi bộ An Cựu lúc bấy giờ trở thành tổ chức cơ sở của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế. Để hòa vào phong trào chung, chi bộ đã khẩn trương triển khai các chủ trương của Tỉnh ủy. Thông qua Chi bộ An Cựu, phong trào cách mạng được lan truyền và ảnh hưởng mạnh mẽ đến Hương Thủy và các huyện lân cận”, ông Lê Hữu Phong, nguyên Bí thư Đảng ủy phường An Cựu những năm 1985-1992 cho biết .
Để thuận lợi trong hoạt động, Chi bộ An Cựu đã chọn đình làng An Cựu (thuộc phường An Cựu, TP. Huế ngày nay) làm điểm sinh hoạt bí mật. Đáng nhớ nhất, nhân dịp các tầng lớp lao động và Nhân dân Huế lần đầu tiên tổ chức ngày Quốc tế Lao động (1/5), thực hiện chỉ đạo của cấp trên, Chi bộ An Cựu đã tổ chức treo cờ đỏ có hình búa liềm vàng có in dòng chữ “Đảng Cộng sản Việt Nam” trang trọng trên cột cờ đại trước sân đình. Và đình làng An Cựu là một trong những địa điểm đầu tiên của Thừa Thiên Huế được treo cờ Đảng.
Lật giở từng trang viết, ông Nguyễn Văn Thành, nguyên Bí thư Đảng ủy phường An Cựu chia sẻ: “Từ ngày 24 đến ngày 30/4/1930, truyền đơn đã xuất hiện ở An Cựu, Phú Cam. Đúng ngày 1/5/1930, từ sớm tinh mơ, cờ Đảng không chỉ xuất hiện ở đình làng An Cựu mà cả trên núi Ngự Bình. Sự kiện này làm cho nhân dân toàn tỉnh rất phấn khởi; gây tâm lý hoang mang đối với kẻ địch. Lúc này, nhiệm vụ của các đảng viên trong Chi bộ An Cựu là đi sâu vào các vùng nông thôn để tuyên truyền, vận động và tập hợp người dân vào nông hội, nhằm chống cường hào lấn chiếm ruộng đất, chống áp bức bóc lột. Tuy còn gặp nhiều khó khăn, nhưng Chi bộ An Cựu luôn là hạt nhân, thể hiện vai trò quan trọng của mình cùng với Nhân dân Hương Thủy nói riêng và toàn tỉnh nói chung lãnh đạo và thực hiện thành công các phong trào đấu tranh cách mạng của Đảng”.
“Đình làng An Cựu hiện nằm trên địa bàn tổ 8 của phường An Cựu. Phát huy truyền thống cách mạng, Chi bộ 8 không ngừng nâng cao vai trò lãnh, chỉ đạo để nâng cao đời sống người dân và xây dựng tổ chức Đảng ngày càng vững mạnh. Chi bộ hiện có 42 đảng viên tại chỗ và 61 đảng viên sinh hoạt nơi cư trú. Nhiều năm liền, chi bộ được công nhận danh hiệu “Trong sạch, vững mạnh tiêu biểu”, là chi bộ mạnh nhất của Đảng bộ phường An Cựu”, Bí thư Chi bộ 8 phường An Cựu- ông Lê Thanh Thảo tự hào.
Hiện Đảng bộ phường An Cựu có 29 chi bộ, với 575 đảng viên. “Do gắn với quá trình hoạt động của Chi bộ An Cựu ngày ấy, nên đình làng An Cựu được UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh. Tuy nhiên, do chiến tranh và tác động của thời tiết, nên đình làng giờ cũng đã xuống cấp. Để đầu tư, tu bổ lại đình làng An Cựu đòi hỏi phải có nguồn kinh phí lớn.
Trước đó, được sự hỗ trợ của UBND phường và bà con họ tộc, đình làng An Cựu đã được đầu tư chống sập, nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời. “Mong rằng, di tích này sẽ sớm được đầu tư tu bổ để xứng đáng với tầm vóc là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ cán bộ, đảng viên”, bà Hoàng Thị Thúy Vân, Phó Bí thư Thường trực, Phụ trách Đảng ủy phường An Cựu đề xuất.
Bài, ảnh: Anh Phong