ClockThứ Hai, 25/01/2021 07:00

Cần cơ chế, chính sách về khai thác thế mạnh đô thị di sản

TTH - Nhiều kỳ vọng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh gửi gắm tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Xung quanh vấn đề này, PV Báo Thừa Thiên Huế có cuộc trao đổi với UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu về những kỳ vọng, mong muốn của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh trong nhiệm kỳ tới.

Cơ hội thực hiện “Giấc mơ Huế”Phát triển đô thị Huế trên nền tảng bảo tồn các tinh hoa văn hóaĐiểm nhấn cho đô thị di sản

UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu

Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu cho biết: Dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định, một trong những khâu đột phá chiến lược và nhiệm vụ trọng tâm là: "Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế...”. Để góp phần làm rõ vấn đề này, Đảng bộ tỉnh có bài tham luận với nội dung “Phát triển du lịch bền vững trên cơ sở phát huy các giá trị văn hóa, di sản gắn với bảo vệ cảnh quan, môi trường”.

Xin ông cho biết rõ hơn những tiềm năng, thế mạnh riêng có về các giá trị văn hóa, di sản gắn với bảo vệ cảnh quan, môi trường của tỉnh nhà?

Thừa Thiên Huế có bề dày lịch sử, văn hoá đặc sắc và truyền thống cách mạng. Nơi đây từng là thủ phủ xứ Đàng Trong, kinh đô của đất nước dưới thời Quang Trung - Nguyễn Huệ và triều Nguyễn. Thừa Thiên Huế nổi tiếng với 7 di sản thế giới được UNESCO vinh danh và hiện đang lưu giữ gần 1.000 di tích lịch sử văn hóa, hơn 500 lễ hội các loại; 3 di sản đã được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia; hàng trăm ngôi chùa cổ vẫn giữ được nét cổ kính của kiến trúc Á Đông và Việt Nam. Huế còn tự hào là nơi nuôi dưỡng tâm hồn thời trai trẻ người con vĩ đại của dân tộc Việt Nam - Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hệ thống di tích lưu niệm về Người cùng với các di tích lịch sử cách mạng tại Huế đã trở thành những điểm đến hấp dẫn.

Con người Huế, tính cách Huế, phong vị Huế được hun đúc từ các yếu tố thiên nhiên và xã hội rất riêng có và đặc trưng… Những giá trị văn hoá nổi bật đó đã góp phần nâng cao vị thế, quảng bá hình ảnh Huế, hình ảnh Việt Nam đối với các quốc gia trên thế giới. Đồng thời, trở thành nguồn tài nguyên du lịch đặc sắc, vô giá, là thế mạnh không chỉ riêng của Thừa Thiên Huế mà còn có ý nghĩa đối với sự phát triển của du lịch nước ta.

Từ những nhiệm kỳ trước, Đảng bộ tỉnh đã xác định rõ mục tiêu về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn?

Ngay từ năm 1993, Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh giữa nhiệm kỳ đã xác định, tập trung đầu tư phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đến nay, Đại hội Đảng bộ lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 tiếp tục quyết tâm chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp, với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trên cơ sở khai thác, phát huy có hiệu quả các giá trị văn hoá lịch sử, bảo vệ môi trường cảnh quan, phát triển bền vững.

Ông đánh giá như thế nào về những việc đã làm được thời gian qua trong thực hiện mục tiêu mang tính chiến lược này?

Chăm sóc cảnh quan di tích. Ảnh: Ngọc Lục Bảo

Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế được Đảng bộ, chính quyền địa phương quan tâm và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Diện mạo Quần thể Di tích Cố đô Huế ngày càng có nhiều chuyển biến tích cực, vượt qua giai đoạn “cứu nguy khẩn cấp” để chuyển sang giai đoạn “ổn định và phát triển bền vững”. Hình hài một đô thị “Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh” với hạt nhân là TP. Huế đã và đang được hình thành và phát triển. Vị thế của 4 trung tâm: văn hóa, du lịch đặc sắc; y tế chuyên sâu; khoa học - công nghệ; giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao dần được khẳng định. Thừa Thiên Huế đang phấn đấu để trở thành một trung tâm kinh tế của vùng trọng điểm kinh tế miền Trung, phát triển theo hướng xanh và bền vững.

Trong những năm qua, nhất là giai đoạn 2015 - 2020, cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch tích cực, đúng hướng với dịch vụ là yếu tố chủ đạo (chiếm 50%) và du lịch đóng vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn. Đáng lưu ý là 85% du lịch Huế là du lịch văn hóa di sản. Thừa Thiên Huế đang dần trở thành một trong những địa phương có tốc độ phát triển du lịch nhanh, là một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn, an toàn, thân thiện của Việt Nam.

Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị chính là động lực để tỉnh phát triển hơn nữa mục tiêu này?

Ngày 10/12/2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 54-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã chỉ rõ quan điểm: "Xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh...". Đây là định hướng quan trọng cho tỉnh trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trong thời gian tới. Thừa Thiên Huế luôn xác định, di sản văn hóa là tài sản vô giá; tiền đề quan trọng cho việc xây dựng chiến lược phát triển du lịch, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế - xã hội, để Huế phát triển nhanh và bền vững đúng thế mạnh và đặc trưng riêng.

Ông có thể nói rõ hơn những định hướng của Đảng bộ tỉnh trong thời gian tới?

Phát triển du lịch trên cơ sở khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Ảnh: MC​

Với quan điểm không đánh đổi môi trường lấy kinh tế; không xây dựng Thừa Thiên Huế thành một đô thị náo nhiệt, với những khu công nghiệp tiếp nối với mật độ dân cư đông đúc…, tỉnh sẽ phát triển theo hướng hài hòa, bền vững, giảm áp lực dân cư đô thị, hạn chế can thiệp vào kiến trúc, cảnh quan; tiếp tục phát triển du lịch bền vững trên cơ sở phát huy các giá trị văn hóa, di sản gắn với bảo vệ cảnh quan, môi trường.

Để thực hiện được mục tiêu đề ra, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân toàn tỉnh tập trung huy động, khai thác các nguồn lực để bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống Huế. Trước mắt, triển khai đồng bộ đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng Khu vực I Kinh thành Huế. Ưu tiên nguồn lực đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích gắn với cuộc đời, sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh; di tích lịch sử cách mạng quan trọng; di tích kiến trúc nghệ thuật có giá trị đặc biệt, nổi bật; di tích khảo cổ; các di tích có tiềm năng phát huy giá trị.

Phát triển du lịch trên cơ sở khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của tỉnh, nhất là sự kết hợp hài hòa giữa văn hóa, di sản đặc sắc, phong phú với cảnh quan thiên nhiên và con người Huế. Xây dựng mô hình phát triển du lịch bền vững theo hướng tăng trưởng xanh. Khai thác thế mạnh của các vùng đất giàu tiềm năng văn hóa để tạo sức mạnh của vùng du lịch miền Trung. Liên kết tổ chức tốt các hoạt động trên “Hành trình qua các kinh đô cổ”, “Đường Hồ Chí Minh huyền thoại”, “Con đường di sản miền Trung", các tuyến du lịch quốc gia trên tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây...

Đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch với TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh; các tỉnh, các thành phố vùng Duyên hải miền Trung. Mở rộng mối quan hệ với các tổ chức quốc tế để tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ về kỹ thuật, khoa học công nghệ trong việc triển khai các dự án gìn giữ, tu bổ, tôn tạo di tích và phát huy giá trị di sản văn hóa. Tăng cường hợp tác quốc tế với các nước trong khối ASEAN, phát huy danh hiệu TP. văn hóa ASEAN nhằm quảng bá hình ảnh, tiềm năng của tỉnh.

Để thực hiện đạt kết quả cao hơn nữa, Đảng bộ tỉnh có những kiến nghị, đề xuất gì với Trung ương tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, thưa ông?

Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân trong tỉnh bày tỏ sự nhất trí cao với những định hướng, nhiệm vụ về phát triển dịch vụ, du lịch, văn hóa đã được nêu trong dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội cũng như dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030. Đồng thời, Đảng bộ tỉnh mong rằng, trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, Trung ương cần nghiên cứu chọn lựa một số di sản trọng điểm để ưu tiên đầu tư, nhằm giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống một cách đồng bộ.

Nếu chỉ giao cho địa phương tự xoay xở để thu hút nguồn vốn, nhân lực thì sẽ rất khó đạt được mục tiêu. Vì vậy, Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục quan tâm hỗ trợ nguồn lực để phục hồi, tôn tạo, bảo vệ và phát huy các di sản thế giới tại Việt Nam và Cố đô Huế. Sớm ban hành cơ chế, chính sách về khai thác thế mạnh đô thị di sản trong phát triển du lịch, cơ chế xã hội hóa trong việc đầu tư khai thác giá trị di sản trong phát triển dịch vụ, du lịch.

Quan tâm, hỗ trợ nguồn lực cho Thừa Thiên Huế trong việc xây dựng hệ thống dữ liệu số hóa về di sản văn hóa Việt Nam; ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý khai thác di sản văn hóa, phát triển du lịch di sản, các sản phẩm du lịch thông minh. Cần quy hoạch bảo tồn và phát huy các lễ hội trong cả nước, nhất là các lễ hội đặc trưng để duy trì, ổn định bền vững.

Thừa Thiên Huế đang tập trung để khẳng định thương hiệu Festival Huế, vì vậy Đảng bộ tỉnh đề nghị Trung ương ưu tiên nguồn lực cho tỉnh để xây dựng TP. Festival đặc sắc của Việt Nam; quan tâm hơn các chế độ, chính sách đãi ngộ đối với các nghệ nhân, nghệ sĩ. Có chính sách ưu tiên đầu tư, nâng cấp, mở rộng các tuyến đường giao thông đến các điểm di tích, các khu du lịch trọng điểm; nâng cấp các cảng hàng không, tăng cường thêm các chuyến bay, kể cả hỗ trợ để liên kết mở thêm các chuyến bay quốc tế; nâng cấp cảng biển để có thể đón các tàu du lịch lớn cập cảng, đáp ứng nhu cầu vận chuyển khách, tăng cường khả năng kết nối với các thị trường lớn của khu vực và thế giới.

Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh hy vọng, sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để phát triển văn hóa, du lịch trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030 sẽ được cụ thể hóa bằng các chính sách phù hợp, tạo điều kiện, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển nhằm đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá văn hóa và xây dựng thương hiệu du lịch Việt Nam, trong đó có du lịch văn hóa Huế.

Anh Phong (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khai thác tiềm năng, thế mạnh để xây dựng và phát triển 2 quận

Năm 2025, TP. Huế tiếp tục xây dựng và phát triển 2 quận của TP. Huế trực thuộc Trung ương trên cơ sở khai thác, phát huy hiệu quả các nền tảng hiện có, thành tựu đã đạt được; đồng thời, khai thác tiềm năng, thế mạnh, lợi thế riêng có để góp phần xây dựng TP. Huế phát triển bền vững.

Khai thác tiềm năng, thế mạnh để xây dựng và phát triển 2 quận
Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP. Huế trực thuộc Trung ương

Với tính chất là đô thị di sản, trong chiến lược lâu dài, Thừa Thiên Huế sẽ được cấu trúc thành chùm đô thị đa trung tâm. Sự phát triển sẽ dựa trên các điều kiện về sự phân bổ dân số, điều kiện tự nhiên, sông ngòi, đầm phá, biển, khoáng sản…và đặc biệt các thế mạnh của tài nguyên văn hóa. Điều này cũng đặt ra nhiều cơ hội kèm thách thức một khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP Huế trực thuộc Trung ương
Xây dựng hồ sơ di sản bún Huế

Quyết định số 3979/QĐ-BVHTTDL ngày 10/12/2024 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận "Nghề làm bún Vân Cù" trong Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc lĩnh vực Nghề thủ công truyền thống. Đây là tiền đề xây dựng hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể với tầm nhìn quốc gia và quốc tế về di sản văn hóa ẩm thực Bún Huế trong thời gian tới.

Xây dựng hồ sơ di sản bún Huế
Mở cửa cho các “Bảo tàng sống” của Huế - Kỳ 1: Nhà vườn Huế vẫn “kín cổng cao tường”

Huế được mệnh danh là “Thành phố vườn” với gần 100 nhà vườn, nhà rường cổ (gọi chung là nhà vườn Huế). Mỗi ngôi nhà vườn như một “Bảo tàng sống” chứa đựng những giá trị về văn hóa và đời sống lễ nghi, hương vị ẩm thực và phong cách ứng xử của người dân. Phát triển du lịch gắn với trùng tu và chống xuống cấp là giải pháp tối ưu nhằm giữ lại nhà vườn, giữ gìn bản sắc văn hóa và phát huy giá trị di sản Cố đô theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.

Mở cửa cho các “Bảo tàng sống” của Huế - Kỳ 1 Nhà vườn Huế vẫn “kín cổng cao tường”

TIN MỚI

Return to top