ClockThứ Hai, 05/06/2017 09:40

Cần loại trừ ngay những “cơ cấu” đặc biệt

TTH - Gần đây, dư luận xôn xao, bàn tán và đàm tiếu về công tác bổ nhiệm cán bộ mà báo chí đã phanh phui được nhiều vụ. Những cụm từ “hot” được nhắc đến nhiều là “quan lộ thần tốc”, “thăng tiến chóng mặt”... được dành cho những người có vị trí “không tưởng” chỉ sau một hoặc vài lần “cơ cấu”

Từ những trường hợp điển hình

Cô Trần Vũ Quỳnh Anh, “hot girl” xứ Thanh, là thí dụ điển hình. Cô được được tuyển dụng “đặc cách” từ vị trí lao động hợp đồng sau một năm. Sau đó liên tục được bổ nhiệm giữ chức Phó Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản rồi Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản, “quy hoạch” làm Phó Giám đốc sở. Vụ việc vỡ lở, cô Quỳnh Anh bí mật “bỏ cuộc chơi” để lại hậu quả cho dàn lãnh đạo đã từng ưu ái cô.

Ông Nguyễn Văn Cảnh ở Bình Định “thần tốc thăng tiến” từ một chủ doanh nghiệp tư nhân, sau chưa đầy 5 tháng (từ ngày 20/3 đến ngày 15/8/2013) đã trở thành Chánh Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội - HĐND tỉnh Bình Định. Ngày 28/11/2014, ông Cảnh tiếp tục thăng tiến làm Ủy viên chuyên trách Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.

Ông Vũ Minh Hoàng, 26 tuổi đã làm tới Phó Vụ trưởng Vụ kinh tế - Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ với nhiều chuyện “lạ” (mà cũng không lạ) trong quá trình bổ nhiệm như chuyện ông chẳng làm việc ở cơ quan này ngày nào mà vẫn liên tục nhận được các quyết định bổ nhiệm. Còn có thể kể thêm nhiều trường hợp "bổ nhiệm thần tốc" trước đó như: Chuyện ông Vũ Quang Hải (con trai cựu bộ trưởng bị cách chức Vũ Huy Hoàng) và ông Vũ Đăng Duy cùng ở Bộ Công thương. Trường hợp nghiêm trọng hơn là vụ Trịnh Xuân Thanh làm thua lỗ, thất thoát hơn 3.200 tỷ đồng  tiền của nước, của dân mà vẫn “thăng” đến chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, chuẩn bị cho quy hoạch Thứ trưởng Bộ Công thương nếu không bị phát hiện và bỏ trốn.

Gần đây hơn (và cũng có vẻ khôi hài hơn) là chuyện ông Nguyễn Anh Tuấn ở Bộ Xây dựng. Chỉ trong khoảng 6 năm, từ một lái xe, ông Tuấn đã “dạo” qua các vị trí: Chuyên viên, Phó trưởng phòng, Trưởng phòng Kế hoạch - thị trường, để rồi sau đó là Phó Viện trưởng, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Quy hoạch xây dựng miền Nam (SISP) làm kinh ngạc nhiều người. Kinh ngạc là phải bởi lãnh đạo một Viện nghiên cứu và Hội đồng khoa học đòi hỏi phải là người có chuyên môn tương thích, có trải nghiệm, có thành tích, uy tín khoa học cao... Chưa kể việc chỉ có bằng cử nhân kinh tế tại chức, chỉ cần xem qua thời gian và những chức vị mà ông Tuấn đảm nhiệm người ta sẽ đặt câu hỏi: Ông ta dành bao nhiêu thời gian cho việc tích lũy kiến thức, nghiên cứu khoa học và đã có bao nhiêu công trình khoa học đủ chất lượng để xứng danh Chủ tịch Hội đồng khoa học?

Câu hỏi về tính đúng đắn của quy trình

Một diện mạo xấu xí của “cơ cấu” đặc biệt trong việc bổ nhiệm mà công luận bức xúc thời gian qua là một kiểu “thần tốc” khác: Ký “thần tốc” hàng loạt văn bản bổ nhiệm cán bộ trong cuộc đua nước rút với thời gian, cho đến ngày cuối cùng còn tại vị. Hiện tượng này thường diễn ra với những cán bộ lãnh đạo “sắp hết thời gian” với số lượng quyết định bổ nhiệm cán bộ tăng vọt bất ngờ trong “giai đoạn cuối”.

Điểm chung của tất cả các vụ việc là quy hoạch và bổ nhiệm thì (thường là) đúng quy trình, nhưng “kết quả cuối cùng” thì sai. Câu hỏi được đặt lại là "Quy trình quy hoạch và bổ nhiệm (đã và đang tiến hành) đúng hay sai?".

Có thể khẳng định quy trình được nhắc tới cũng đã khá đầy đủ và chặt chẽ - qua nhiều cấp, nhiều lần, nhiều cách đánh giá, dưới nhiều hình thức (bỏ phiếu, giơ tay...) v.v. Tất cả các bước quy trình đó đều khắt khe, cố gắng đảm bảo cho “kết quả đúng”. Nhưng cũng không khó để “đúng”. Người dân vẫn có câu: “Hai mươi năm phấn đấu không bằng “cơ cấu” một lần”. Trong những trường hợp “cơ cấu” đặc biệt đó, quy trình đã bị lờ đi, làm tắt, làm “nhẹ nhàng” hoặc được thông qua “một cách đặc biệt”. Nói rõ ràng hơn là quy trình bổ nhiệm cán bộ đã bị những người có quyền lực “trong hệ thống” thao túng, lũng đoạn - nhiều khi chỉ bằng một cái gật đầu, một lời “rỉ tai”. Việc bổ nhiệm kiểu như vậy là biểu hiện rõ nét của một dạng tham nhũng đặc biệt - tham nhũng quyền lực. Tác hại của loại tham nhũng này thật khó lường. Dù đã có các văn bản thu hồi các quyết định bổ nhiệm sai nhưng thiệt hại cả về vật chất và tinh thần cho xã hội sau những trường hợp này lại khó có thể thu hồi, khắc phục. Tính khả tín của hệ thống, qua hình ảnh của đội ngũ cán bộ, đã bị suy giảm trầm trọng.

Để khắc phục tình trạng "Y bất xứng kỳ đức" (đạo đức, phẩm chất không tương xứng với trách nhiệm được giao)  trong việc bổ nhiệm cán bộ, cả hệ thống của chúng ta cần vận hành theo hướng đó và còn nhiều việc cần làm.

Tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ mới (tháng 7/2016), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặc biệt lưu ý việc cần phải chấn chỉnh công tác cán bộ, yêu cầu “phải đổi mới công tác cán bộ” ở tất cả các khâu, từ tuyển chọn, sử dụng, bổ nhiệm: “Chúng ta thi tuyển để tìm người tài chứ không phải để tìm người nhà. Đừng để nhiệm kỳ này tai tiếng về cán bộ”.

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), nêu rõ những khuyết điểm: “Đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ còn nể nang, cục bộ. Một số cơ chế, chính sách trong đề bạt, bổ nhiệm cán bộ chưa công bằng...” và nêu biện pháp: “Bộ Chính trị, Ban Bí thư và ban thường vụ cấp uỷ các cấp chỉ đạo rà soát ngay đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc quyền và xử lý nghiêm những trường hợp suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá", không bảo đảm về tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình bổ nhiệm, năng lực và hiệu quả công tác thấp, nhất là những trường hợp người nhà, người thân của cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp có nhiều dư luận....”.

Gần đây nhất (4/2017), Bộ Chính trị có kết luận về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định về công tác cán bộ theo quy trình 5 bước để tránh và chống những sự “cơ cấu” đặc biệt như đã nêu tiếp tục diễn ra. Thực hiện tốt những điều đó sẽ giải tỏa những bức xúc của xã hội. Đó cũng là mong mỏi của Nhân dân khi kỳ vọng vào sự tiến bộ trong hoạt động của các cơ quan công quyền.

TS. Ngô Vương Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đưa quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam-Lào lên tầm cao mới

Chuyến thăm chính thức Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và tham dự Đại hội đồng AIPA-45 của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thành công tốt đẹp, góp phần làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào. Đây là chuyến công tác nước ngoài đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trên cương vị người đứng đầu cơ quan lập pháp.

Đưa quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam-Lào lên tầm cao mới
Vun đắp mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào

Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Tô Lâm và Phu nhân, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Thongloun Sisoulith và Phu nhân thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 10-13/9/2024.

Vun đắp mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào
Return to top