|
Huyện ủy Nam Đông trao Huy hiệu Đảng cho các đảng viên có nhiều đóng góp |
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nam Đông Mai Văn Dũng cho biết, toàn huyện hiện có 9 xã, 1 thị trấn, với 60 thôn, tổ dân phố; 6 xã đồng bào dân tộc thiểu số, với 6.873 hộ, 28.336 nhân khẩu. Đảng bộ huyện thời điểm tháng 12/2023 có 42 TCCSĐ, 128 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở. Hằng năm, Huyện ủy Nam Đông ban hành nghị quyết về xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và nhiều văn bản khác để lãnh, chỉ đạo nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ và chất lượng đội ngũ cán bộ, ĐV.
Ban Thường vụ Huyện ủy Nam Đông đã phân công các Huyện ủy viên định kỳ về dự sinh hoạt tại chi bộ thôn dân cư để chỉ đạo, định hướng việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ gắn với công tác phát triển ĐV mới; đồng thời, chỉ đạo sinh hoạt các chuyên đề phù hợp với tình hình thực tế tại thôn.
“Xây dựng nông thôn mới, thôn không có hộ nghèo, không có nhà tạm, đưa cây keo kém hiệu quả ra khỏi vườn, xóa bỏ các phong tục lạc hậu... là những chuyên đề mà cán bộ, ĐV quan tâm, nhằm hướng tới mục tiêu đưa cuộc sống người dân ngày một đi lên; góp phần xây dựng huyện Nam Đông không ngừng phát triển”, ông Phạm Huy, Bí thư Đảng ủy xã Thượng Nhật chia sẻ.
Một số TCCSĐ trường học trên địa bàn huyện Nam Đông đã thành lập các “tổ cảm tình đảng”, phân công một số ĐV có kinh nghiệm, uy tín thường xuyên theo dõi nhằm trao đổi, hỗ trợ, giúp đỡ, bồi dưỡng quần chúng để tạo nguồn phát triển ĐV mới trong từng đơn vị.
Bằng cách làm này, ĐV mới ở một số trường học trên địa bàn huyện Nam Đông không ngừng tăng lên. Năm 2023, toàn huyện Nam Đông kết nạp 62 ĐV mới (vượt kế hoạch của Huyện ủy đề ra và đạt tỷ lệ phát triển đảng 3% so với tổng số ĐV toàn huyện), nâng tổng số ĐV toàn đảng bộ huyện lên 2.152 đảng viên (chiếm 7,6% so với tổng dân số; tỷ lệ đảng viên là giáo viên các trường học chiếm 65%, có một số trường tỷ lệ đảng viên đạt 100% so với viên chức của nhà trường).
Đảng ủy, đảng bộ và các chi bộ trực thuộc trên địa bàn huyện duy trì sinh hoạt đảng đúng quy định; chất lượng sinh hoạt cấp ủy, chi bộ từng bước được nâng lên; đa số các TCCSĐ đã ban hành nghị quyết hoặc kết luận để lãnh đạo nhiệm vụ hàng tháng. Công tác chuẩn bị nội dung sinh hoạt cấp ủy, chi bộ chuẩn bị khá chu đáo, đầy đủ, thể hiện rõ vai trò lãnh đạo của Đảng trên tất cả các lĩnh vực.
“Phê bình, tự phê bình trong sinh hoạt đảng luôn phát huy, khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm. Nhiều chi bộ thôn đã phân công ĐV theo dõi, phụ trách nhóm hộ gia đình để tuyên truyền, vận động thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và của địa phương mang lại hiệu quả cụ thể, thiết thực”, Bí thư Huyện ủy Nam Đông Trần Thị Hoài Trâm trao đổi.
Điểm nổi bật thời gian qua ở Nam Đông là, đảng ủy các xã, thị trấn trên địa bàn huyện luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương trưởng thôn (tổ trưởng dân phố) là ĐV; bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn (tổ trưởng dân phố); bí thư chi bộ đồng thời là trưởng ban công tác mặt trận khu dân cư theo Nghị quyết 06 của Huyện ủy.
Đến nay, toàn huyện có 44/60 thôn, tổ trưởng tổ dân phố là ĐV (chiếm 73,3%); bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn (tổ trưởng dân phố) đạt 27/60 thôn, tổ dân phố, (chiếm tỷ lệ 45%); bí thư chi bộ đồng thời là trưởng ban công tác mặt trận khu dân cư 1/60 thôn, tổ dân phố.
Ông Hồ Sỹ Minh, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Nam Đông cho biết, qua thời gian thực hiện chủ trương này đã phát huy hiệu quả; trưởng thôn là ĐV, bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, tổ trưởng dân phố đã góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức đảng, thu gọn đầu mối cán bộ ở cấp thôn, sắp xếp đội ngũ cán bộ thôn tinh gọn, tạo điều kiện thực hiện nhiệm vụ thuận lợi hơn.
Người đứng đầu chi ủy, chi bộ và thôn nắm toàn diện tình hình chung, tiếp thu kịp thời sự chỉ đạo của cấp trên, giải quyết nhanh chóng những vấn đề phát sinh tại khu dân cư và từng hộ gia đình, qua đó tiết kiệm thời gian hội họp, hội ý.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc nâng cao chất lượng TCCSĐ, công tác phát triển ĐV trên địa bàn huyện Nam Đông còn gặp những khó khăn, vướng mắc. Đó là, chất lượng sinh hoạt cấp ủy, chi bộ chưa đồng đều ở một số TCCSĐ; sinh hoạt chuyên đề ở một số chi bộ còn hạn chế.
Công tác phát triển ĐV nông thôn ở các xã kinh tế mới còn khó khăn; chưa phát triển ĐV là học sinh; hồ sơ thủ tục kết nạp đảng, chuyển đảng chính thức một số xã còn sai sót và còn chậm. Nguyên nhân là do khả năng nắm bắt các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng để cụ thể hóa và thực hiện của một số cán bộ lãnh đạo quản lý, một số TCCSĐ, nhất là các xã đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế.
Phần lớn lực lượng lao động trong nông thôn đi làm ăn ở các đô thị, ít ở nơi cư trú hoặc công việc không ổn định nên nguồn phát triển ĐV trong nông thôn ngày càng khó khăn. Một số chi ủy chi bộ chưa thật sự quyết liệt trong chỉ đạo, phân công đảng viên trong việc tìm, tạo nguồn phát triển Đảng. Một số trường hợp phấn đấu tốt, tha thiết muốn xin vào Đảng nhưng không đủ tiêu chuẩn về trình độ học vấn (theo Điều lệ Đảng quy định lớp 9 trở lên).
“Khó khăn là thực tế, nhưng đó cũng là thực trạng để chúng tôi nỗ lực cố gắng nhiều hơn nữa bằng cách đề ra các giải pháp để tháo gỡ từng khó khăn một; đoàn kết, xây dựng Đảng bộ huyện Nam Đông ngày càng vững mạnh; xây dựng huyện nông thôn mới trong năm 2024”, Bí thư Huyện ủy Nam Đông Trần Thị Hoài Trâm khẳng định.