Sở Y tế là một trong những đơn vị được đánh giá làm tốt công tác tổ chức cán bộ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) (Trong ảnh: Ông Nguyễn Nam Hùng, Giám đốc Sở Y tế phát biểu tại một diễn đàn của hội nghị Tỉnh ủy liên quan đến công tác cán bộ). Ảnh: Anh Phong
Đánh giá cán bộ, công chức hay người lãnh đạo người ta đề cập đến tài và đức. Đó là 2 phẩm chất cần và đủ của người lãnh đạo. Người tài rất cần nhưng không phải ai cũng có được, còn đức là yêu cầu không thể thiếu ở mỗi con người. Hiện nay, khi mà đạo đức truyền thống đang bị phai nhạt, xuống cấp thì chấn hưng đạo đức, nhất là đạo đức công vụ như một yêu cầu đòi hỏi cấp thiết.
Đối với cán bộ lãnh đạo, quyền lực càng lớn thì phẩm chất đạo đức càng phải cao. Quyền lực có thể làm tha hóa đạo đức nếu không có những chế định đi kèm để kiểm soát. Trong công tác tổ chức hiện nay, chúng ta thường nghe đánh giá người này, người nọ hiền từ, không làm mất lòng ai, biết điều, biết xử thế. Nói như vậy đúng nhưng chưa đủ. Lâu nay, chúng ta có những sai lầm khi đánh giá về cái đức. Cứ thấy người nào không đụng chạm đến ai thì cho đó là tốt. Người không bao giờ thể hiện chính kiến, không dám góp ý cho cái chung... thì được cho là chín chắn. Người “đi nhẹ, nói khẽ, hay cười” trong một tập thể khi bỏ phiếu thường đạt tỷ lệ đồng thuận cao, bởi vì họ không làm mất lòng, không động chạm đến ai. Chưa kể những người xấu trong cơ quan muốn đưa loại người như vậy lên làm lãnh đạo để dễ bề thao túng, hướng lái nhằm mục đích riêng. Hoặc có loại chỉ nói vuốt đuôi, nói theo, tìm cách nịnh bợ cấp trên, “gió chiều nào theo chiều đó”… Những loại người này rất khó thẳng thắn vì cái chung. Cơ chế chọn loại người như thế cần sớm chấn chỉnh trong chỉnh đốn Đảng hiện nay. Bởi những con người như vậy cũng là ngáng chỗ, “ngậm miệng ăn tiền”... Kiểu như thế nếu lên làm lãnh đạo sớm muộn sẽ bộc lộ những bản chất xấu về phẩm chất đạo đức.
Một số người lên chức không phải từ thực chất năng lực, không phải từ yêu cầu công việc mà trong số họ có người đi lên từ những mối quan hệ. Họ phấn đấu không phải để trở thành “đầy tớ”, “công bộc” của dân mà để thỏa mãn cái tôi thăng tiến của mình. Lên chức để tạo cơ hội làm giàu từ chức quyền. Những người lên được từ quỳ gối, từ chạy… không phải để lo cho công việc mà bắt đầu tính toán xoay xở để “bù lỗ”, để làm giàu. Khi đăng đàn diễn thuyết thì nói thao thao bất tuyệt về học tập, làm theo tấm gương thế này, thế nọ, nhưng trong thâm tâm họ không hề có chút khái niệm “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”.
Hơn 30 năm về trước chúng ta đang nghèo khổ, nhưng mỗi người biết trọng nhân phẩm, danh dự. Những tấm gương về những người lãnh đạo thanh liêm, hết lòng vì cái chung như những câu chuyện bình thường hàng ngày. Ai đó bị kỷ luật, không cần biết nặng nhẹ nhưng ra đường là không dám nhìn làng xóm bởi cảm giác như trọng tội. Bây giờ cán bộ bị kỷ luật, bị bắt giam khi vi phạm đạo đức, tham nhũng người ta xem như chuyện bình thường, không cảm thấy xấu hổ, không áy náy rút bài học cho mình. Chỉ mới 5 năm (2013-2018) đã có 4.300 cán bộ, đảng viên bị kỷ luật, trong đó có 56 cán bộ do Trung ương quản lý là những con số quá lớn.
Củng cố nền đạo đức mới phải hướng đến làm cho cán bộ biết xấu hổ với những việc làm sai trái của mình. Có xấu hổ mới thấy ân hận, tu tỉnh và khước từ mọi cám dỗ. Kết thúc bài viết này, chúng tôi nhớ đến lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhắc nhở: Ai đã trót nhúng chàm thì tự gột rửa đi.
NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH