ClockThứ Ba, 09/08/2016 14:02

Đảng bộ phường An Đông: Định hướng phát triển đô thị

TTH - Sau khi có quyết định “lên” phường, Đảng bộ phường An Đông (Huế) xác định lãnh đạo phát triển đô thị là nhiệm vụ trọng tâm, nhằm thay đổi diện mạo đô thị và theo kịp với các phường trung tâm.

Thay đổi

Theo bà Lê Thị Thanh Bình, Bí thư Đảng ủy phường An Đông, thế mạnh của An Đông hiện nay là phát triển các loại hình dịch vụ. Đây cũng là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, bên cạnh phát triển nông nghiệp theo hướng chuyên canh, nâng cao năng suất và chú trọng đến chất lượng. Lĩnh vực này có tác động mạnh mẽ và gắn liền với chủ trương phát triển đô thị của phường.

Nhiều tuyến đường trên địa bàn phường An Đông được đầu tư mở rộng

Hiện nay, diện tích đất nông nghiệp của phường bị thu hẹp khá nhiều so với cách đây 5 năm, còn khoảng hơn 120 ha, giảm khoảng 40 ha so với trước. Đa số diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi để phục vụ mục tiêu phát triển đô thị. Có thể kể đến các dự án đã và đang triển khai trên đất nông nghiệp của phường như An Cựu City, Đông Nam Thủy An và mới đây là Phú Mỹ Thượng… Xu thế này là tất yếu và phù hợp với chủ trương chung của tỉnh, TP. Huế. Từ thuận lợi này, Đảng ủy phường xây dựng, ban hành các chương trình, hành động, nghị quyết để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Đến nay, 100% đường giao thông của phường được bê tông hóa từ nguồn kinh phí của Nhà nước và sự đóng góp của Nhân dân, với tổng kinh phí hơn 13 tỷ đồng. Hệ thống kênh mương, điện, kè đập thủy lợi, thoát nước cũng được quan tâm đầu tư, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, đi lại của người dân.

So với cách đây 5 năm, bộ mặt đô thị phường An Đông thay đổi rõ rệt, theo chiều hướng ngày càng hiện đại, văn minh. Dọc các tuyến đường như Hoàng Quốc Việt, Đặng Văn Ngữ, Hải Triều, An Dương Vương…, nhà cao tầng san sát. Các dịch vụ theo đó cũng ăn nên làm ra, khiến các khu phố sôi động, nhộn nhịp không thua gì các tuyến phố trung tâm.

Còn không ít khó khăn

Để phát triển đô thị toàn diện, Đảng ủy phường An Đông xác định, nhiều nhiệm vụ cần phải tập trung lãnh, chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới. Một trong những nhiệm vụ đó là tạo điều kiện và phối hợp tốt với các cơ quan liên quan, doanh nghiệp trong công tác giải phóng mặt bằng để các dự án triển khai đúng tiến độ. Hiện, trên địa bàn phường có khá nhiều dự án đang triển khai, trong đó, Khu đô thị mới An Vân Dương chiếm phần lớn các dự án đang triển khai, như dự án Khu nhà ở An Đông, đô thị mới Phú Mỹ Thượng…

Tuy nhiên, đại đa số các dự án do tỉnh, TP. Huế quản lý nên việc giám sát, kiểm tra tiến độ khá khó khăn. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến việc lãnh chỉ đạo cũng như định hướng phát triển kinh tế, đô thị của phường. Trở lực khác, gần như tất cả các tuyến đường trên địa bàn phường đều được nhựa và bê tông hóa, song vẫn còn khá nhiều tuyến đường nhỏ hẹp, gây khó khăn cho việc đi lại. Điển hình như đường Tôn Quang Phiệt qua UBND phường hiện nay khá chật hẹp, nhất là đoạn gần cầu nối liền đường Đặng Văn Ngữ. Nhiều lần, cử tri kiến nghị mở đường, nâng cấp, xây mới cầu, song vẫn chưa được bố trí kinh phí thực hiện. Khó khăn khác là tình hình trật tự đô thị trên địa bàn khá phức tạp, nhất là khu vực gần chợ An Cựu, khi người dân tụ tập buôn bán, gây cản trở giao thông. Đây cũng là “điểm nóng” khiến lực lượng quản lý đô thị, lãnh đạo TP. Huế nhiều phen đau đầu, mất công sức để dẹp bỏ, song vẫn chưa dứt điểm.

Song song đó, An Đông hiện còn khá nhiều đường kiệt chưa được chiếu sáng, nhất là các khu vực dân cư hiện hữu, nên dù cách trung tâm phường không xa, nhưng một số vùng lân cận khá cách biệt với phố xá khi đêm về. Điều đó khiến đô thị An Đông chưa liền mạch, còn ngắt quãng.

Những rào cản đó đã được Ban Chấp hành Đảng bộ phường An Đông khóa mới nhìn nhận và xây dựng các giải pháp thực hiện trong thời gian tới, để cùng với TP. Huế thực hiện thành công chương trình trọng điểm về phát triển đô thị. 

Bài, ảnh: Linh Đan

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mở rộng cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển kinh tế

Việc áp dụng các chính sách trong quá trình thực hiện Nghị quyết 43 của Quốc hội đã giúp tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đạt được nhiều kết quả; tuy nhiên, thực tiễn áp dụng cũng đang gặp nhiều khó khăn, cần giải pháp tháo gỡ.

Mở rộng cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển kinh tế
Cha mẹ cần theo sát và định hướng con trên không gian mạng

Từ thành thị đến nông thôn, trẻ em được ba mẹ cho sử dụng điện thoại để truy cập internet là điều khá phổ biến hiện nay. Nhưng theo sát và định hướng con trong quá trình con tiếp cận với những trang mạng xã hội là điều không phải cha mẹ nào cũng chú tâm. Để rồi, có những hệ lụy không mong muốn đã xảy ra...

Cha mẹ cần theo sát và định hướng con trên không gian mạng
“Hạt nhân” của miền Trung

Nghị quyết 26, ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị định hướng cho Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung đột phá phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, Thừa Thiên Huế - thành phố văn hóa di sản nằm giữa khu vực miền Trung với những tiềm năng, lợi thế riêng có đang đứng trước nhiều cơ hội để thúc đẩy kinh tế toàn vùng.

“Hạt nhân” của miền Trung
Phát triển thị trường cho sản phẩm truyền thống

Trong khuôn khổ chương trình thúc đẩy phát triển sản phẩm truyền thống địa phương thuộc đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) Thừa Thiên Huế vừa tổ chức cho các doanh nghiệp (DN) phát triển thị trường tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam và Quảng Ngãi.

Phát triển thị trường cho sản phẩm truyền thống

TIN MỚI

Return to top