1. Mới đây, Nguyễn Châu Hữu Danh, Phạm Đoan Trang là những kẻ mang danh “nhà báo”, “nhà đấu tranh vì công lý” đã bị khởi tố, tạm giam vì phạm tội hoạt động chống phá chính quyền và phá rối chính trị. Những con người này đã được chính quyền, cơ quan an ninh giáo dục, cảnh báo nhiều lần nhưng không thay đổi, ngày càng lao sâu vào chống đối, viết bài xuyên tạc tình hình, chống Đảng và chế độ. Không chỉ như vậy, Đoan Trang còn viết sách xuyên tạc tình hình, dựng chuyện nói xấu chính quyền và hoạt động bình thường của các cơ quan.
Cách đây chưa lâu, cơ quan an ninh đã bắt các đối tượng: Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư, Nguyễn Thị Tâm. Số này tập hợp quần chúng phản đối, nhân vụ ở xã Đồng Tâm (Hà Nội) để xuyên tạc, ủng hộ đối tượng chống lực lượng thi hành công vụ. Chúng bị khởi tố với tội danh “Chống người thi hành công vụ”, “Gây rối trật tự công cộng”... nhưng lại được lu loa dựng lên cái gọi là “cuộc trấn áp”, “bắt bớ” và nâng lên thành những “nhà đấu tranh vì dân oan”, “vì công lý”.
Cuối 2019, Phạm Chí Dũng từng là cán bộ trong cơ quan nhà nước bị biến chất trở thành kẻ chống đối. Dũng đứng ra thành lập và cầm đầu “Hội nhà báo Việt Nam độc lập”, liên tục có những hoạt động chống đối. Cùng bị khởi tố còn có Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn là những cốt cán của nhóm trái phép này. Chúng đã có hàng trăm bài viết chống phá chế độ đưa lên mạng và gửi các hãng truyền thông nước ngoài thiếu thiện cảm với Việt Nam. Khi bị bắt vào trại giam, chúng thừa nhận mỗi người đã được “hưởng nhuận bút” hàng trăm triệu đồng từ bên ngoài. Chắc chắn sắp tới đây, chúng sẽ phải nhận những bản án nghiêm khắc của pháp luật.
Vài năm trước đó, có hàng chục đối tượng bị bắt vì đã tham gia hoặc lập ra các tổ chức trái phép chống Đảng, Nhà nước. Những cái tên như Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (mẹ Nấm)... nổi lên như những con rối chính trị, “những con thiêu thân” hoạt động chống phá. Đến nay, nhiều đối tượng trong số này đã bị xử tù, bảo lãnh ra nước ngoài hoặc thất thế chính trị thì một số đối tượng khác đang cố trở thành “nhân tố mới”, lợi dụng danh nghĩa “dân chủ”, “bảo vệ công lý”.
2. Bộ luật Hình sự quy định: “Chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật Hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự” (Điều 2) và chỉ những “hành vi nguy hiểm cho xã hội” (Điều 8) mới bị xử lý theo luật. Những đối tượng đã vi phạm pháp luật và phải chịu trách nhiệm hình sự với những hành vi do mình gây ra. Phần lớn loại đối tượng này thuộc nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc xâm phạm các lợi ích khác của Nhà nước, Nhân dân. Những hành vi của họ ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nên cần phải được xử lý nghiêm minh.
Bộ luật Tố tụng hình sự quy định trình tự, thủ tục từ khởi tố điều tra, truy tố, xét xử được thực hiện theo một quy trình chặt chẽ. Điều 8 Bộ luật nêu rõ nguyên tắc: “Bất cứ người nào phạm tội cũng bị xử lý theo pháp luật”. Xác định đây là những người đã có hành vi chống chính quyền, vi phạm pháp luật, không thể gọi là những “nhà dân chủ”, “người bất đồng chính kiến” hay “tù nhân lương tâm”. Pháp luật về tố tụng không cho phép bất cứ tổ chức hoặc cá nhân nào làm trái, vi phạm quyền tự do, dân chủ của người dân, không phân biệt đối xử. Vậy thì cái gọi là “trấn áp tràn lan”, “không khí ngột ngạt” chỉ là chiêu trò tung ra nhằm gây mất ổn định, kích động phản ứng của xã hội.
Điều không bình thường là mỗi khi có những sự kiện chính trị lớn của đất nước, nhất là chuẩn bị Đại hội Đảng thì chúng lại gia tăng những hoạt động chống đối, nên việc bắt giam các đối tượng trong những thời điểm đó không có gì là bất thường. Cần nói rõ là cơ quan pháp luật chỉ bắt giam đối tượng chống đối hiện hành, không có chuyện “bắt bớ tràn lan”. Phần lớn đối tượng này đều có sự hậu thuẫn, tài trợ của các tổ chức thiếu thiện chí từ bên ngoài, của những tổ chức chống đối trong nước. Nhiều đối tượng lợi dụng mạng xã hội để “tạo tên tuổi”, móc nối, quan hệ và nhận tài trợ. Các hãng truyền thông, các tổ chức “nhân quyền” dưới danh nghĩa đặt bài hoặc phỏng vấn trực tiếp đã chi trả những khoản “nhuận bút” hậu hĩnh hoặc chuyển tiền theo đường trái phép để nuôi dưỡng các hoạt động chống đối. Không lạ gì khi các đối tượng bị bắt thì các tổ chức dưới danh nghĩa nhân quyền lên tiếng “tố cáo” nhà nước vi phạm “quyền tự do”, “quyền công dân”, “đàn áp người bất đồng chính kiến”. Có những tổ chức tìm cách tiếp xúc, thu thập tài liệu để tạo cớ phản đối hoặc kiến nghị tổ chức Liên Hợp quốc, chính phủ một số nước can thiệp trả tự do cho cái gọi là “tù nhân lương tâm”.
Bất cứ quốc gia nào cũng cần có luật để quản lý xã hội, đó là việc làm cần thiết, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Đối tượng chống Đảng, Nhà nước phải chịu án phạt của pháp luật, không thể gọi là “đàn áp”, càng không phải vì Đại hội Đảng mà “gia tăng trấn áp, bắt bớ”. Đó chỉ là cái cớ để vu cáo, xuyên tạc chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH