Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) là nghị quyết đầu tiên của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng Đảng và cũng là nhiệm vụ trọng tâm đầu tiên trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, nhằm cụ thể hóa thực hiện 10 nhiệm vụ, giải pháp lớn về xây dựng Đảng mà Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đề ra; vừa tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), nhất là những việc Nghị quyết đề ra nhưng chưa thực hiện và thực hiện chưa tốt.
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), có nội dung mới so với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) là đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và phát huy vai trò của Nhân dân trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Nội hàm của nghị quyết cũng rộng hơn, vừa đề cập đến những vấn đề cơ bản, chiến lược, lâu dài; vừa tập trung giải quyết những vấn đề cụ thể, trọng tâm, cấp bách trước mắt của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Mục tiêu mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đề ra là: Nâng cao nhận thức trong toàn Đảng về nguy cơ và đề ra các giải pháp để đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; khắc phục những yếu kém trong công tác cán bộ, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trách nhiệm và động cơ đúng đắn, thực sự tiên phong, gương mẫu, biết đặt lợi ích của tập thể, quốc gia, dân tộc lên trên lợi ích cá nhân; củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng..
Nghị quyết đã thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, yếu kém, xác định cụ thể nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng Đảng, nhất là sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng; đồng thời xác định hệ thống giải pháp nhằm đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mà trọng tâm là ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đây là những nội dung cơ bản cần thực hiện đồng bộ, toàn diện mà trọng tâm là đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, để Đảng ta trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, đáp ứng lòng mong đợi của cán bộ, đảng viên và Nhân dân.
trong nghị quyết lần này, Trung ương đã thẳng thắn chỉ rõ 9 biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, 9 biểu hiện suy thoái đạo đức lối sống, 9 biểu hiện của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Nghị quyết đã xác định và hệ thống tương đối đầy đủ, rõ ràng những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ là những căn cứ quan trọng để từng cấp ủy, tổ chức đảng triển khai thực hiện một cách hiệu quả, có chất lượng, Trước đây, khi chưa định lượng cụ thể các biểu hiện suy thoái, nhất là các biểu hiện suy thoái về đạo đức lối sống, các tổ chức đảng khó có cơ sở kết luận, thường xuê xoa cho đó là chuyện sinh hoạt!
Nghị quyết Trung ương 4 lần này nhấn mạnh quan điểm nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật. Kết hợp giữa “xây” và “chống”; “xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài; “chống” là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. Đây cũng là bước đột phá mới trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đưa “chống” trở thành nhiệm vụ cấp bách, theo cách trị bệnh trước bồi bổ sau.
Trung ương cũng đã xác định 4 nhóm giải pháp hết sức toàn diện, bảo đảm tính thống nhất, khoa học và có mối quan hệ biện chứng trong triển khai thực hiện. Đó là các nhóm giải pháp về công tác chính trị tư tưởng, tự phê bình và phê bình; nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách; nhóm giải pháp về kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; phát huy vai trò của nhân dân và Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội. TW Đảng thống nhất để Bộ Chính trị ban hành kế hoạch thực hiện, phân công cụ thể và chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết.
Để Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) sớm đi vào cuộc sống và đạt mục tiêu đề ra phụ thuộc rất lớn vào thái độ, trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên, mà trước hết là người đứng đầu cấp ủy. Trên cơ sở nhận thức đúng, nắm vững nội dung và hệ thống giải pháp, cấp ủy các cấp cần nghiên cứu xây dựng kế hoạch, chương trình hành động phù hợp và thiết thực. Trong đó, cần xác định rõ từng nội dung, hình thức, bước đi phù hợp, lựa chọn vấn đề trọng tâm, tránh dàn trải; cần đánh giá đúng thực tế, nhận diện và chỉ rõ những biểu hiện cụ thể ở từng cán bộ, đảng viên để có các giải pháp khắc phục hiệu quả.
Hoàng Giang (tổng hợp)