ClockThứ Năm, 08/09/2016 14:27

Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận 2 dự án luật

Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận và cho ý kiến về 2 dự án luật: Luật Tín ngưỡng tôn giáo và Luật về Hội.

Sáng 8/9, tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, thảo luận, cho ý kiến về một số vấn đề lớn của 2 dự án Luật sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kì họp thứ 2 vào tháng 10 tới là Luật Tín ngưỡng tôn giáo và Luật về Hội. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: Hiến pháp năm 2013 quy định, mọi người có quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo theo hoặc không theo một tôn giáo nào, các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo vệ, bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo và đây là quyền con người, quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp quy định. Để tiếp tục thể chế hóa Hiến pháp năm 2013, Quốc hội khóa XIII đã ban hành Bộ luật dân sự (sửa đổi), Luật báo chí (sửa đổi). Quốc hội khóa 14 đưa dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Dự án Luật về Hội vào chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2016.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, việc ban hành 2 dự thảo Luật này là rất cần thiết để đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, quyền lập Hội của công dân và tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước.

Trong sáng nay, thảo luận vào dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo các đại biểu cho rằng cần quy định quản lý sử dụng nguồn thu từ tổ chức lễ hội; quy định người đại diện Ban quản lý phải sử dụng nguồn thu đúng, công khai minh bạch. Đối với các hành vi bị nghiêm cấm, các đại biểu đề nghị bổ sung một hành vi nữa là “hành vi kích động tín ngưỡng tôn giáo, gây kích động bạo động, mê tín dị đoan”. 

Phân tích về một số lễ hội thời gian qua đã tạo ra nhiều dư luận khác nhau như: lễ hội chém lợn, chọi trâu người tham dự chạy đến lấy tiền quét vào máu rồi mang về để trên bàn thờ là mê tín và mất vệ sinh, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, đoàn Hà Nội khẳng định: "Đây là những hành vi rất mê tín và rất mất vệ sinh mà chúng ta không quy định trong Luật mà để cho người dân làm như vậy là không được. Bởi vậy trong quá trình xử lý những lễ hội như vậy gặp nhiều khó khăn. Tôi thấy quy định cần được bổ sung để làm cho các cơ sở tín ngưỡng tôn giáo muốn tổ chức lễ hội mà tư duy như vậy thì cần thay đổi vì xã hội văn minh bây giờ đã khác”.

Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, đoàn Quảng Bình, tôn giáo thường là xuất phát điểm của những xung đột và chiến tranh của các nước trên thế giới. Ngoài 6 tôn giáo được Nhà nước thừa nhận thì hiện có nhiều tôn giáo vẫn đang hoạt động, nhiều đạo vẫn đang len lỏi tuyên truyền nhất là ở các vùng sâu, vùng xa.

“Phải làm rõ quản lý nhà nước ở cấp xã, phường hiện nay. Bởi tổ chức quản lý nhà nước từ Trung ương đến tỉnh rất chặt, có Sở Nội vụ, có bộ phận phụ trách tôn giáo. Cấp huyện xã thì kiêm nhiệm khiến phức tạp, không quản lý hết hoạt động tôn giáo. Tôi đề nghị phải quy định rõ vai trò của chính quyền cấp xã trong việc quản lý tôn giáo vì tôn giáo gắn với người dân, gắn với xã phường và cũng là nơi xuất phát điểm các vấn đề diễn biến tư tưởng”, Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đề nghị.

Chiều nay, các đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận, cho ý kiến vào dự án Luật về Hội.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

dịch vụ luật sư tranh tụng uy tín
Return to top