CCB Phạm Quang Đấu (ngoài cùng, bên trái) luôn được Nhân dân tín nhiệm
Về hưu cách đây 20 năm, ông Phan Văn Hủy (sinh năm 1936, ở phường Kim Long, TP. Huế) chưa nghỉ ngơi mà tiếp tục công việc “vác tù và hàng tổng”. Từ công tác Mặt trận, CCB, Bí thư Chi bộ tổ dân phố (TDP) cho đến Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường, bất kể với cương vị nào ông cũng luôn làm hết trách nhiệm. “80 tuổi rồi, từ ngày về hưu đến nay vẫn chưa nghỉ việc. Bà con còn tín nhiệm thì mình còn làm, ông Hủy vui vẻ. Không làm thì thôi, làm là phải tới nơi tới chốn, vì vậy bất cứ phong trào nào ông cũng tiên phong. Hơn 12 năm gắn bó với công tác người cao tuổi của phường, ông Hủy là cầu nối giữa các hội viên. Ông đã vận động xây dựng được “Quỹ phát huy vai trò người cao tuổi” của phường với số vốn lên đến 35 triệu đồng. Thông qua quỹ này, nhiều hội viên khó khăn được vay vốn để phát triển kinh tế, tạo thêm thu nhập cho gia đình.
20 năm tham gia công tác ở TDP, phường, những đóng góp thiết thực của ông Hủy cho Đảng, cho dân được bà con ghi nhận. Không chỉ là đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ, “cựu chiến binh gương mẫu”, “gia đình văn hóa” mà ông còn là một gương sáng về đạo đức, lối sống.
Năm 2010, ông Hồ Ngọc Bính công tác tại Phòng Tham mưu, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh rời quân ngũ trở về địa phương. Thấy một CCB còn trẻ khỏe, sống có trách nhiệm, bà con TDP 23, phường Tây Lộc (TP.Huế) tín nhiệm giới thiệu và bầu ông giữ chức Bí thư chi bộ TDP. Chưa kịp nghỉ ngơi, ông lại bắt đầu với việc mới tại khu dân cư và đảm nhận nhiều chức danh khác. Có kinh nghiệm thực tiễn và kiến thức về công tác Đảng, ông không những tham gia xây dựng nghị quyết chi bộ sát, đúng với tình hình thực tế, mà còn truyền cảm hứng cho đảng viên thông qua các tài liệu, sách báo, các tác phẩm văn thơ cách mạng, nhất là của Bác Hồ để đảng viên nhận thức một cách nhẹ nhàng, dễ hiểu về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Khi thành phố có quy định cấm đốt, rải vàng mã, gia đình ông nghiêm túc thực hiện. Ông còn đến từng gia đình trong khu phố tuyên truyền, vận động người dân cùng tham gia. “Công tác vận động đôi lúc gặp không ít khó khăn, vì trình độ nhận thức mỗi người một khác, bởi tục lệ đốt, rải vàng mã đã ăn sâu vào nếp sống của người Huế từ xưa. Nhưng tui vẫn kiên trì vận động bà con thực hiện. Đến nhà một lần bà con chưa chịu nghe thì đến hai lần, ba lần..”, ông Bính chia sẻ. Đến nay, TDP 23, phường Tây Lộc luôn đi đầu trong các phong trào thực hiện nếp sống văn minh đô thị.
Toàn tỉnh có 4.339 CCB được tín nhiệm bầu vào các vị trí cốt cán của địa phương. Có 902 CCB tham gia Hội đồng Nhân dân các cấp, trong đó: cấp tỉnh 11 CCB; huyện 87 CCB, xã 804 CCB.
|
Đảng viên, CCB Phạm Quang Đấu (sinh năm 1952, ở phường Thuận Lộc) sau khi nghỉ hưu cũng đảm nhiệm vị trí Chi hội trưởng Chi hội 2 CCB phường Thuận Lộc. Năm năm từ ngày đảm nhận công việc mới, ông không nề hà bất cứ công việc gì. Ông cùng các hội viên CCB kết hợp với công an phường đảm nhiệm công tác giữ gìn an ninh trật tự trong khu phố, nhất là tại khu vực Trường tiểu học Thuận Lộc. Từ khi có hội CCB “ra tay”, tình hình an ninh trật tự tại các trường học trên địa bàn đảm bảo, không còn tình trạng hàng rong, hàng quán tự phát trước cổng trường. Hàng tháng, ông còn huy động CCB tham gia dọn vệ sinh môi trường dọc sông Ngự Hà năm nào ông Phạm Quang Đấu với những việc làm thiết thực cũng được nhận giấy khen của UBND phường.
Hiện có hàng ngàn CCB đang tham gia các hoạt động tại các địa phương trên toàn tỉnh. Với tinh thần của người lính Cụ Hồ, nhiều CCB đã tích cực tham gia vào cấp ủy, HĐND, Mặt trận, Hội CCB, Hội Người Cao tuổi… Hiện nay tại nhiều chi bộ TDP, các bí thư chi bộ, tổ trưởng đều do CCB đảm nhiệm.
Ông Bùi Như Ý, Trưởng ban Tuyên giáo, Hội CCB tỉnh cho biết: Khi trở về đời thường, nhiều CCB tham gia công việc ở khu phố một cách tự nguyện và bằng tinh thần xung phong gương mẫu. Nhờ vậy, lực lượng CCB ở địa phương được dân tín nhiệm, cán bộ chính quyền nể trọng.
Bài, ảnh: Thanh Thảo