Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh, nơi diễn ra ĐH Đảng bộ Thừa Thiên Huế lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 (ảnh minh họa). Ảnh: Đăng Tuyên
Chỉ đạo chặt chẽ, sát sao
Đại hội XIII không chỉ đánh giá, tổng kết chặng đường 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, mà còn nhìn lại 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội; 10 năm thực hiện Cương lĩnh và chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, giai đoạn 2011-2020.
Theo PGS.TS. Nguyễn Viết Thông, Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương, đến nay, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên.
Quy mô GDP đến năm 2020 ước đạt 268,4 tỷ USD, tăng khoảng 1,4 lần so với năm 2015; GDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt khoảng 2.750 USD/người, gấp khoảng 1,3 lần so với năm 2015. Các cân đối lớn của nền kinh tế về tích luỹ - tiêu dùng, tiết kiệm - đầu tư, năng lượng, lương thực, lao động - việc làm,… tiếp tục được bảo đảm, góp phần củng cố vững chắc nền tảng kinh tế vĩ mô; tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm 2016 - 2020 ước đạt khoảng 5,9% và thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất khu vực, thế giới. Đời sống Nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt (năm 1985 bình quân thu nhập đầu người mới đạt 159 USD/năm, đến năm 2020 đạt khoảng 2.750 USD/năm).
Năm 2020, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và trong nước khó khăn, nhất là đại dịch COVID-19, lũ lụt thiên tai ở miền Trung và Tây Nguyên, kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn thách thức. Nhưng với chỉ dẫn từ Cương lĩnh của Đảng ta, Việt Nam kiên định con đường đi lên CNXH nên những thành tựu mà chúng ta đạt được càng khẳng định tính ưu việt của CNXH, qua đó củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và của Nhân dân vào con đường đi lên CNXH của Việt Nam.
10 năm gần đây, Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng vào loại khá cao, đó là dấu ấn về kinh tế. Trên lĩnh vực văn hóa-xã hội, những năm qua song hành với phát triển kinh tế, Việt Nam luôn coi trọng củng cố, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và phát triển. Về đối ngoại, vị thế và uy tín Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao, thể hiện rõ nhất là trên vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc với số phiếu gần như tuyệt đối từ 192/193 bầu cho Việt Nam.
Năm 2020, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Việt Nam vẫn hoàn thành tốt với vai trò là Chủ tịch ASEAN; hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và khu vực qua Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPPPP), hay Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEEP)... Điều này cho thấy vị thế, uy tín Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng nâng cao.
Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 14, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Có thể khẳng định, những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ Đại hội XII có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, không chỉ tạo ra dấu ấn nổi bật, là điểm tựa cho những năm tiếp theo mà còn tạo ra niềm tin, khí thế mới để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta vững vàng vượt qua khó khăn, thử thách, tận dụng thời cơ đưa đất nước bước vào một thời kỳ phát triển mới”
Thế giới đang phải trải qua những biến động to lớn, kinh tế đang lâm vào khủng hoảng, suy thoái nghiêm trọng và có thể còn kéo dài do tác động của đại dịch COVID-19. Còn ở khu vực, những tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo diễn ra căng thẳng, phức tạp, quyết liệt hơn. Hòa bình, ổn định, tự do, an ninh an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông đứng trước thách thức lớn, tiềm ẩn nguy cơ xung đột… Bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và thích ứng với biến đổi khí hậu là yêu cầu cấp thiết, đồng thời là những thách thức rất lớn đối với nước ta trong thời gian tới.
Trong bối cảnh đó, Đảng Cộng sản Việt Nam xác định nhiệm vụ quan trọng là tiếp tục lãnh đạo đất nước tiến lên, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, đồng thời tích cực và chủ động hội nhập quốc tế, phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với nhiệm vụ quan trọng như trên, công tác chỉ đạo chuẩn bị Đại hội được Ban Chấp hành Trung ương, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo chặt chẽ, sát sao, cả về mặt tổ chức, nội dung và công tác nhân sự.
Công tác cán bộ được làm thận trọng, khoa học, dân chủ
Chuẩn bị nhân sự BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, nhiệm kỳ 2021-2026 là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng có ý nghĩa quyết định đến vận mệnh của Đảng và sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước trong những năm tới. Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 35-CT/TW về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có bài viết: “Chuẩn bị và tổ chức thật tốt đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”.
Tại Hội nghị cán bộ toàn quốc và Hội nghị Trung ương12, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã có bài phát biểu quan trọng về những vấn đề cần đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng. Những bài viết và ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước không chỉ là sự quan tâm sâu sắc, tinh thần trách nhiệm cao trước Đảng, trước Nhân dân của người đứng đầu Đảng, Nhà nước, mà đó cũng là quan điểm xuyên suốt, nhất quán của BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; đồng thời, phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng, ý chí của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về Đại hội XIII của Đảng.
Nhìn lại quá trình chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng, có thể thấy nhiều nội dung và cách làm mới so với Đại hội XII. Sau khi BCH Trung ương quyết định thành lập Tiểu ban nhân sự Đại hội XIII, Bộ Chính trị đã thành lập Ban Chỉ đạo quy hoạch cán bộ cấp chiến lược do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban. Việc quy hoạch cán bộ cấp chiến lược lần này được chỉ đạo chặt chẽ, tiến hành từng bước, từng việc, thận trọng, kỹ lưỡng, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch. Một trong những yêu cầu được đề ra là phải xây dựng BCH Trung ương khóa XIII thật sự là một tập thể đoàn kết thống nhất, trong sạch, vững mạnh; có tư duy đổi mới và tầm nhìn chiến lược; tiêu biểu cho toàn Đảng về trí tuệ, tính chiến đấu, tính kỷ luật, gắn bó mật thiết với Nhân dân và bảo đảm tỷ lệ trẻ, nữ, người dân tộc thiểu số cao hơn nhiệm kỳ Đại hội XII. Việc chuẩn bị, giới thiệu và bầu cử BCH Trung ương phải đặt lợi ích của Quốc gia - dân tộc lên trên hết, trước hết…
Trung ương khẳng định quyết tâm chính trị rất cao trong cuộc chiến chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “lợi ích nhóm”; kiên quyết không để lọt vào BCH Trung ương những người không xứng đáng; đồng thời, không bỏ sót những cán bộ có đức, có tài, có triển vọng phát triển, có tín nhiệm cao trong Đảng và Nhân dân, như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nhiều lần nhấn mạnh.
Trọng Lê