ClockThứ Tư, 17/02/2021 06:04

Tăng cường cơ chế xây dựng Đảng

TTH - Xây dựng, chỉnh đốn Đảng được xem là yêu cầu cấp thiết nhằm nâng cao sức mạnh của Đảng. Từ thực tế phức tạp nảy sinh, Đảng ta đã ban hành nhiều văn bản nhằm thể chế hóa chấp hành kỷ cương. Những nội dung này không chỉ cho nhiệm kỳ khóa XII mà đã trở thành những vấn đề quan trọng của Đại hội XIII nhằm tiếp tục định hướng bền vững cho công tác xây dựng Đảng.

Chuẩn bị nhân sự cấp chiến lược ngày càng dân chủ, chặt chẽ và kỹ lưỡng hơnChống tham nhũng “phải liêm, phải sạch“

Đại hội Đảng lần thứ XIII. Ảnh: TTXVN

Nhiệm kỳ khóa XII, Đảng đã ban hành trên 130 văn bản về xây dựng Đảng, tập trung vào nâng cao kỷ cương của tổ chức, phẩm chất đạo đức của cán bộ đảng viên, kiểm soát quyền lực. Đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định dài hạn và yêu cầu trước mắt nhằm hoàn thiện cơ chế xây dựng Đảng ngang tầm tình hình mới. Tuy chưa thể lường hết những vấn đề tiêu cực phát sinh tác động vào nội bộ, nhưng những vấn đề chính đã ban hành là cơ sở để từng bước siết chặt tính Đảng của tổ chức Đảng, đảng viên.

Sau Đại hội XII, Hội nghị Trung ương đã ban hành Nghị quyết 04 “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến", "tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Đây là nghị quyết trọng tâm, bổ sung và nâng cao những vấn đề cấp bách đã được Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đề ra. Trong đó, nêu rõ 27 biểu hiện cụ thể trên 3 lĩnh vực: Suy thoái về tư tưởng chính trị; thoái hóa đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến", "tự chuyển hóa”. Vấn đề đạo đức trong Đảng và đảng viên được nhấn mạnh, thành một nội dung lớn của công tác xây dựng Đảng.

Nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm người đảng viên, Bộ Chính trị ban hành 2 quy định về trách nhiệm nêu gương: Quy định 55 ngày 19/12/2016 và Quy định 08 ngày 25/10/2018. Trong quy định 08 được áp dụng cho cán bộ, đảng viên và xác định rõ cán bộ cấp cao là “Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”. Không chỉ “nêu gương” mà trở thành quy định về trách nhiệm và nghĩa vụ của người đảng viên, lãnh đạo trong sinh hoạt, công tác. Cùng với “Quy định những điều đảng viên không được làm” theo Quy định 47-QĐTW (khóa XI) đã khắc phục tình trạng tiêu cực, tồn tại của một bộ phận cán bộ, đảng viên trong nội bộ.

Về vấn đề kỷ luật trong Đảng, lần đầu tiên Đảng ban hành một văn bản tương đối hoàn thiện “Quy định về xử lý đảng viên vi phạm kỷ luật Đảng” (Quy định 102, ngày 15/11/2017) nhằm cụ thể hóa kỷ luật sai phạm của đảng viên. Phương châm được đặt ra chặt chẽ, khách quan, “không có vùng cấm”, “không ngoại lệ”, “không hạ cánh an toàn”, nhưng hết sức nhân văn. Trong những năm qua, đã xử lý nghiêm minh nhiều cán bộ cấp cao, cán bộ đã nghỉ hưu có vi phạm theo hướng đó.

Công tác quản lý của tổ chức Đảng, đảng viên và tiêu chuẩn của cán bộ, Bộ Chính trị quy định về “Phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử ”(Quy định 105, ngày 19/12/2017), quy định “Khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý” (Quy định 214 ngày 21/1/2020) và tiêu chuẩn đối với cấp ủy các cấp (Quy định 89 ngày 4/8/2017). Những tiêu chí này được xem xét cùng với “Quy định những vấn đề về bảo vệ chính trị nội bộ Đảng” (Quy định 126, ngày 30/10/2018) trong xem xét quy hoạch, đề bạt và kết nạp đảng viên. Vấn đề “chính trị hiện nay” được xem là nội dung quan trọng trong kết luận, đánh giá tiêu chuẩn chính trị của đảng viên. Những tiêu chí bắt buộc đối với cán bộ lãnh đạo như: “trung tâm đoàn kết”, “hành động quyết liệt”, “nhạy bén”, “uy tín cao”, “không trục lợi”... được quy định rõ ràng cho từng chức danh, nhất là với cán bộ chủ chốt. Nhấn mạnh kỷ luật với cấp ủy, người đứng đầu trong giới thiệu ứng cử hoặc quyết định bổ nhiệm trái quy định, không đúng tiêu chuẩn.

Nhằm từng bước kiểm soát lợi dụng chức quyền trong công tác cán bộ, Bộ Chính trị ban hành Quy định 205 (ngày 23/9/2019) về “Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”. Lần đầu tiên, Đảng ta đưa một quy định cụ thể, khắc phục tồn tại về hiện tượng “chạy” đã gây bức xúc lâu nay trong xã hội. Đáng chú ý nhất là “Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng” đưa ra quy trình 5 bước thay cho 3 bước trước đây trong giới thiệu cán bộ ứng cử. Quy trình này đã khắc phục được sự can thiệp, áp đặt ý chí chủ quan của tổ chức, người đứng đầu trong giới thiệu ứng cử, sàng lọc khách quan, minh bạch, chọn được cán bộ có tài, đức thực sự, không để lọt người không đủ tiêu chuẩn. Thực tế đại hội các cấp vừa qua đã chứng minh tính đúng đắn của quy trình, được cán bộ, đảng viên đồng tình cao.

Những quy định, chỉ thị quan trọng nêu trên được đưa ra trong nhiệm kỳ XII đã khắc phục một phần những tồn tại trong công tác xây dựng Đảng. Với những cơ chế củng cố tổ chức Đảng, quản lý đảng viên đã được nêu ra trong văn kiện Đại hội XIII sẽ tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hơn nữa cho giai đoạn mới. Như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú trọng đã chỉ đạo: “Phải nhốt quyền lực trong lồng cơ chế”. 

NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăng cường vị thế của ASEAN về nhân quyền thông qua đối thoại

Kể từ năm 2007, ASEAN đã có những bước tiến trong việc đưa nhân quyền vào khuôn khổ của nhóm. Các cột mốc chính bao gồm thành lập Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về Nhân quyền (AICHR) vào năm 2009 và thông qua Tuyên bố Nhân quyền ASEAN (AHRD) vào năm 2012. Những sáng kiến này được thiết kế để báo hiệu cam kết của ASEAN trong việc đưa nhân quyền làm nền tảng cho chiến lược phát triển khu vực.

Tăng cường vị thế của ASEAN về nhân quyền thông qua đối thoại

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top