ClockThứ Năm, 31/08/2017 13:57

Thẳng thắn phê bình và tự phê bình

TTH - Một trong những nhiệm vụ của người đảng viên mà Điều lệ Đảng đã quy định là:“Thường xuyên phê bình và tự phê bình, trung thực với Đảng”. Đây không phải là khẩu hiệu mà là nhiệm vụ mà mỗi đảng viên phải chấp hành. Trong giai đoạn hiện nay, nhiệm vụ này cần phải đặt ra nghiêm túc và quyết liệt hơn.

Những năm gần đây, vấn đề tham nhũng, tiêu cực, lãng phí… được xác định là những vấn nạn. Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chế tài xử lý nhưng xem ra hiệu quả chưa cao, đấu tranh chưa thực sự quyết liệt. Lý giải một trong những nguyên nhân đó là đấu tranh phê bình và tự phê bình trong các tổ chức Đảng chưa thực sự quyết liệt, chưa có chiều sâu. Hệ quả là nạn tham nhũng và các mặt tiêu cực chưa được phát hiện kịp thời và khắc phục nghiêm túc.

Trước đây, công tác phê bình, tự phê bình trong các tổ chức Đảng được tổ chức thường xuyên, nề nếp và trở thành nhiệm vụ quan trọng của mỗi đảng viên. Không phải chờ định kỳ cuối năm họp kiểm điểm mới có phê bình, tự phê bình mà được thực hiện đều đặn trong hoạt động hàng ngày,  trong họp chi bộ định kỳ. Cán bộ, đảng viên nghe họp phê bình là lo, sợ mình có khuyết điểm sẽ bị nêu ra trong tập thể, xấu hổ với mọi người. Tôi năm nay hơn 30 tuổi đảng,  nghĩ lại thời kỳ đó cảm giác còn sợ khi nghe chuyện phê bình, nhưng mà rất tự hào vì qua phê bình, tự phê bình mà mình trưởng thành được như ngày hôm nay.

Phê bình và tự phê bình bây giờ đã khác trước, nói đúng hơn là có nơi có lúc còn yếu và hình thức. Sau hội nghị TW4 (khóa XI), công tác này được chỉ đạo làm từ trên xuống, có nội dung cụ thể, có kiểm tra nên tổ chức kiểm điểm rất sâu sắc. Nhưng rồi sau đó cứ nhạt dần và phê bình làm không nghiêm, tự phê bình của đảng viên còn lẩn tránh sự thật yếu kém, khuyết điểm của bản thân. Hiện nay, cũng có nhiều cơ sơ Đảng làm tốt, có chiều sâu,  thường xuyên và bài bản… Thế nhưng, cách làm phụ thuộc vào người đứng đầu, cấp ủy và ý thức của đảng viên.

Thực tế từ các cuộc họp kiểm điểm cuối năm hoặc các cuộc họp chi bộ mới thấy hết chất lượng của phê bình. Mặc dù được gợi ý,  chỉ định của người chủ trì cuộc họp nhưng ít ai có ý kiến hoặc nếu có chỉ nêu qua loa chiếu lệ. Cũng có ý kiến nêu việc này việc khác nhưng chỉ nhắm đến một cơ quan, một cá nhân nào đó mà không phải ở chi bộ, đơn vị mình. Những hiện tượng tiêu cực,  vi phạm nơi này nơi khác cũng có đưa ra nhưng không nêu con người, địa chỉ và cũng chỉ mới nêu biểu hiện bên ngoài. Ngay trong một tập thể chi bộ, phê bình góp ý cho nhau cũng mang tính chiếu lệ,  không dám nói thẳng, nói thật khuyết điểm, có chăng cũng chỉ nêu vài ý chung chung. Những cái mà gọi là khuyết điểm cũng được,  gọi là tồn tại mang nặng tính cách, sinh hoạt cá nhân cũng không sai. Điều này làm cho người phê bình khỏi bị khó xử khi phải phát ngôn, người bị phê bình nghe cũng chẳng ảnh hưởng gì nặng nề đến mình, rồi "anh không động đến tôi thì tôi không động đến anh”.

Cũng có nơi từ những mâu thuẫn hoặc không thích nhau giữa từng cá nhân  đã "mượn" công tác phê bình làm diễn đàn để công kích, nói xấu nhau. Nhiều khi những việc nhỏ, không có gì nặng nề nhưng cũng trở thành xung đột, tạo điểm nóng trong nội bộ... Một thực tế đáng buồn là còn mất bình đẳng trong cách thức và nội dung phê bình. Trong cơ quan, ít khi đảng viên (là nhân viên) phê bình thủ trưởng, dù biết có khuyết điểm nhưng không dám nói, hoặc có nói ra thì cũng mang tính chiếu lệ. Phần lớn nêu ra chỉ khen là chính, thậm chí nói là phê bình nhưng có ngụ ý khen. Chính vì lẽ đó nên phát hiện tham nhũng,  tiêu cực từ đấu tranh phê bình trong tổ chức Đảng,  trong nội bộ chiếm tỉ lệ rất nhỏ  (nếu không muốn nói là không có) so với phát hiện của thanh tra,  báo chí…

Tự phê bình của đảng viên cũng là mặt còn đang yếu, thiếu trung thực và không tự giác. Nhìn vào bản kiểm điểm cuối năm của một số đảng viên cho thấy có sự rập khuôn sao chép; nhiều đảng viên không tự giác nêu khuyết điểm thực sự của mình. Đáng chú ý là những người có "điều kiện tiêu cực" nhưng hiếm thấy tự giác nêu trong bản kiểm điểm những việc làm sai trái. Trong những đối tượng bị thanh tra, kiểm tra, điều tra lâu nay chỉ những ai bị lôi ra ánh sáng với chứng cứ không thể chối cãi mới chấp nhận  (tuy vẫn còn quanh co, đổ lỗi).

Điều lệ Đảng đã quy định rõ nhiệm vụ phê bình, tự phê bình của đảng viên và cũng không thiếu văn bản của các cấp chỉ đạo thi hành. Cái chính là đảng viên tự giác,  trung thực với Đảng, cấp ủy phải thực sự gương mẫu thực hiện. Bên cạnh đó, cần phải quy định rõ trách nhiệm của đảng viên không tự giác tự phê bình,  biết đồng chí sai mà không đấu tranh cũng phải có hình thức kỷ luật nghiêm túc. Người đứng đầu cũng phải chịu trách nhiệm và liên đới chịu trách nhiệm trong chỉ đạo, trách nhiệm phát hiện tiêu cực. Kỷ luật đảng không làm nghiêm thì tham nhũng, tiêu cực vẫn còn “mảnh đất màu mỡ” để phát triển.

Tự phê bình và phê bình là một nội dung quan trọng trong hoạt động của Đảng và đảng viên,  là nhiệm vụ căn bản để củng cố và tăng cường đoàn kết trong Đảng. Bác Hồ từng dạy: “Nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết,  thống nhất trong nội bộ Đảng”.

Khi nói đến khuyết điểm thì ai cũng ngại,  sợ bị phê bình,  tuy nhiên chúng ta phải đối diện với sự thật để tự hoàn thiện vai trò lãnh đạo của Đảng và đảng viên dưới con mắt giám sát của xã hội, của Nhân dân.

NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chủ động, thường xuyên thực hiện kiểm tra, giám sát trong công tác xây dựng Đảng

Ngày 4/10, tại tỉnh Điện Biên, Ủy ban Kiểm tra Trung ương tổ chức Hội nghị giao ban công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng 9 tháng và phương hướng, nhiệm vụ 3 tháng cuối của năm 2024 khu vực Vụ Địa bàn VI. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Thị Hiền và Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương Tô Duy Nghĩa chủ trì Hội nghị.

Chủ động, thường xuyên thực hiện kiểm tra, giám sát trong công tác xây dựng Đảng
Phát triển Đảng hiệu quả

Đảng bộ TP. Huế đã có nhiều cách làm mang lại hiệu quả trong phát triển đảng viên mới, góp phần nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở Đảng (TCCSĐ) và đảng viên tại cơ sở.

Phát triển Đảng hiệu quả
Lý luận, phê bình vẫn là “khoảng trống” của sân khấu

Có vai trò dẫn dắt dư luận, định hướng thị hiếu thẩm mỹ cho công chúng, nhưng trên thực tế, hoạt động lý luận, phê bình có phần đứng ngoài rìa đời sống sân khấu, khiến sân khấu thêm trầm lắng và ảm đạm. Đây là tình trạng “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” đã được đề cập suốt nhiều năm qua, song chưa được giải quyết thấu đáo, gây không ít trăn trở cho những người nặng lòng với sân khấu nước nhà.

Lý luận, phê bình vẫn là “khoảng trống” của sân khấu
Return to top