Lần này, tự phê bình và phê bình như Nghị quyết Trung ương 4 đề ra có khác hơn, nó nổi lên các vấn đề mang tính cấp bách. Tự phê bình và phê bình để chống suy thoái về tư tưởng, chống suy thoái về đạo đức trong đảng viên. Thực tế cho thấy, biểu hiện của một số cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tham ô, tham nhũng, vi phạm tư cách đảng viên, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Đảng. Nếu tình trạng thoái hóa, biến chất không được đẩy lùi, loại trừ sẽ là một thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng. Do vậy, quán triệt và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, kiểm điểm, tự phê bình và phê bình là khâu mở đầu, mấu chốt, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Quy trình này phải làm từ trên xuống dưới, không cắt khúc, phải làm thường xuyên. Tổng Bí thư nhấn mạnh đến tính gương mẫu của cán bộ lãnh đạo, quản lý trong tự phê bình và phê bình.
Ai cũng biết tự phê bình và phê bình là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng, là biện pháp cần thiết cho sự tiến bộ của mỗi cán bộ, đảng viên. Trong sinh hoạt Đảng, ở một số tổ chức Đảng và đảng viên, nhận thức và thực hiện chưa tốt tự phê bình và phê bình. Tự phê bình và phê bình cần nêu ưu điểm, chỉ ra khuyết điểm của mình cũng như đồng chí mình trên tinh thần xây dựng cho bản thân mình và đồng chí mình cùng tiến bộ. Tiến hành tự phê bình và phê bình theo tinh thần mới có khó khăn, phức tạp hơn, có nhiều lực cản chi phối, nhất là chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cơ hội, thực dụng. Nghị quyết lần này nói đến chống suy thoái, phải chống suy thoái bằng phê bình và tự phê bình. Vấn đề là làm sao để tự phê bình và phê bình có hiệu quả, không phải tố cáo lẫn nhau, vu khống, đả kích lẫn nhau mà cùng nhau sửa chữa khuyết điểm. Đó là vấn đề không dễ. Bởi vì, ít ai tự nhận lỗi của mình. Lỗi lầm đơn giản thì còn nhận được, còn sai phạm lớn, khó lắm. Vụ việc ở Tiên Lãng, vụ hai quan chức ở Sóc Trăng đánh bạc tiền tỷ... khi đổ vỡ rồi mới được phanh phui ra ai sai, sai đến mức nào, sai trái kéo dài bao lâu, tại sao ở các tổ chức Đảng, chi bộ ở cơ sở không phát hiện, ngăn chặn ngay từ đầu...
Như vậy, muốn phê bình và tự phê bình có hiệu quả phải có sự tham gia từ nhiều phía. Một là tính tự giác của chính đảng viên. Hai là có sự tham gia của tập thể quần chúng. Ba là tính gương mẫu của lãnh đạo. Lãnh đạo ở đây là cấp ủy và bí thư. Khi có tín hiệu, dư luận của quần chúng về đảng viên, tổ chức Đảng, lãnh đạo phải chỉ đạo, kiểm tra cho rõ rồi dùng phê bình và tự phê bình để đồng chí mình kịp thời sửa sai, đừng để sự việc kéo dài, tích tụ đến mức không thể sửa chữa được nữa. Tính tự giác của đảng viên là vô cùng quan trọng, bản thân mình làm điều gì sai, chính mình là người biết trước. Nếu mình tự giác tự phê bình và phê bình, tập thể sẽ có ý kiến góp ý và giúp thêm phương pháp khắc phục nhược điểm. Sự tham gia của tập thể có hiệu quả thiết thực, bởi đó là ý kiến góp ý của nhiều người với tinh thần đồng chí, đồng đội, làm cho bản thân người được góp ý nhận ra sai trái, tìm được hướng khắc phục. Tính gương mẫu của lãnh đạo có tính quyết định, nó tác động lớn đến đảng viên, tổ chức Đảng. Bí thư chi bộ, đảng bộ mà gương mẫu thì đảng viên noi gương, khi làm điều gì sai trái cũng tỉnh táo suy ngẫm, soi xét, sợ vấp ngã.
Là đảng viên, ai cũng tự hào và tin tưởng khi đồng chí bí thư của tổ chức Đảng mình sinh hoạt là người gương mẫu, tôn trọng ý kiến đảng viên, công khai mọi công tác của chi bộ, đảng bộ. Rõ ràng, minh bạch bao giờ cũng là môi trường tốt cho sự vận hành của cơ quan, tổ chức. Trong Đảng, đây là vấn đề hết sức có ý nghĩa. Người xưa từng tổng kết ba việc: đức trị, dân trị và pháp trị. Trong đó, đức trị đưa lên hàng đầu. Đức trị là có người đứng đầu anh minh, sáng suốt. Người đứng đầu anh minh thì cấp dưới luôn răn mình trong công việc, trong rèn luyện. Đức trị là lấy giáo dục, thuyết phục, phê bình góp ý chân thành để đồng chí mình biết sai và có hướng sửa chữa. Đức trị mang tính đạo đức cách mạng với tính tiến bộ, phát triển cá nhân, phát triển tổ chức theo hướng vững mạnh, trong sạch chứ không phải là đạo đức ủy mị, mềm yếu... Dân trị là lấy dân làm gốc, lắng nghe ý kiến góp ý của nhân dân đối với đảng viên và tổ chức cơ sở Đảng. Dân trị là tạo điều kiện cho nhân dân tham gia góp ý, xem đây là một kênh thông tin đáng quan tâm, xem nhân dân là tai mắt giám sát cán bộ, đảng viên, tổ chức cơ sở Đảng. Định kỳ tổ chức cho nhân dân tham gia góp ý đảng viên, tổ chức cơ sở Đảng. Pháp trị là phải xử lý những hành vi sai phạm của cán bộ, đảng viên theo Điều lệ Đảng và Pháp luật của Nhà nước. Phải truy tố, truy cứu trách nhiệm hình sự, kỷ luật Đảng, cách chức, cho thôi việc, luân chuyển những cán bộ thoái hóa, biến chất, quan liêu, tham nhũng, lạm dụng chức quyền làm điều sai trái ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước. Tùy theo mức độ vi phạm phải xử lý nghiêm minh, công khai những cán bộ này theo những điều pháp luật đã quy định. Đức trị, dân trị, pháp trị là việc làm cần thiết, có mối quan hệ biện chứng nhằm đạt hiệu quả cao trong công tác xây dựng Đảng ngày càng vững mạnh, làm trong sạch đội ngũ đảng viên, xứng đáng là đội ngũ tiên phong, gương mẫu, vừa là người lãnh đạo vừa là đầy tớ của nhân dân.
Để công tác tự phê bình và phê bình mang lại hiệu quả, chúng ta cần phát huy vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng trong việc giám sát, phát hiện, phê bình cán bộ, đảng viên. Từ đó mà loại bỏ hiện tượng “dĩ hòa vi quý”, phê bình cấp dưới thì sợ mất phiếu, phê bình đồng đội thì sợ mất lòng, phê bình cấp trên thì sợ bị trù dập. Nguy hại hơn là lợi dụng phê bình để nói xấu, bôi nhọ nhau, đả kích cá nhân, gây mất đoàn kết trong nội bộ Đảng.
Để tự phê bình và phê bình có hiệu quả, cần tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng làm cho đảng viên nhận thức sâu sắc hơn vai trò, sự cần thiết phải đẩy mạnh tự phê bình và phê bình; mục đích, phương pháp tiến hành tự phê bình và phê bình; thực hiện nghiêm túc nền nếp tự phê bình và phê bình trong tổ chức Đảng trên tinh thần thương yêu đồng chí và xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh.
Chiến Hữu