Đoàn đại biểu của tỉnh dự Đại hội. Ảnh: Ban ảnh TTXVN
Nâng cao khả năng tự “đề kháng”
Tham luận với chủ đề: “Thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là lãnh đạo chủ chốt các cấp”, Phó Bí thư Đảng ủy Khối Cơ quan Trung ương Đỗ Việt Hà chỉ rõ: “Dưới những tác động tiêu cực của cơ chế kinh tế thị trường, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đã làm cho không ít cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, có những biểu hiện “cua cậy càng, cá cậy vây”, quan liêu, xa dân.
Đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, cấp ủy, tổ chức Đảng và ủy ban kiểm tra các cấp đã kiểm tra, giám sát hàng chục vạn tổ chức Đảng và hàng triệu đảng viên; thi hành kỷ luật hơn 1.000 tổ chức Đảng và hơn 87.000 đảng viên; trong đó, có cả cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, các tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang, kể cả đương chức và đã nghỉ hưu, cả cán bộ liên quan đến nhân sự đại hội đảng bộ các cấp.
Vì vậy, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị phải tiên phong đi đầu trong việc nêu gương về đạo đức, lối sống, nâng cao khả năng tự “đề kháng” trước sự tác động, xâm nhập của các nhân tố độc hại từ bên ngoài; kiên quyết đấu tranh phòng, chống sự tha hóa quyền lực, tham nhũng, “lợi ích nhóm”, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” bằng những hành động, việc làm cụ thể, thiết thực.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, Đảng ta xác định, cải cách hành chính là một trong 3 khâu đột phá để phát triển đất nước. Bộ Nội vụ đề xuất với Đại hội một số nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp. Trong đó, lấy người dân làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước.
Trên cơ sở đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, xử lý nghiêm những hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực của công chức, viên chức trong thực thi công vụ, giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp.
Là đơn vị ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên tham luận tại Đại hội, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Kon Tum - A Pớt khẳng định, việc thực hiện các chính sách đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng toàn diện mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Mặc dù vậy, đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn; kết cấu hạ tầng tuy được chú trọng đầu tư nhưng còn thiếu và chưa đồng bộ…
Giải pháp được Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Kon Tum - A Pớt đưa ra là: “Tiếp tục phát huy khối đại đoàn kết các dân tộc; triển khai đồng bộ và huy động tối đa các nguồn lực đầu tư để lồng ghép thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Phát động và triển khai hiệu quả cuộc vận động “làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”.
Nhiều ý kiến tham luận tại Đại hội cũng đã khẳng định về việc, cần phát triển hài hòa giữa các vùng miền; gắn phát triển kinh tế với văn hóa; xây dựng, chỉnh đốn Đảng; nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng; tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế…
Đoàn đại biểu của tỉnh dự Đại hội ngày 28/1. Ảnh: Ban ảnh TTXVN
“Dân là gốc”
Là đại biểu của Đảng bộ tỉnh dự Đại hội, dịp này, UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cũng đã có bài phát biểu tham luận với chủ đề: “Phát huy sức mạnh văn hóa và con người Việt Nam trong sự phát triển bền vững đất nước”.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, sự nghiệp phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa được nâng lên trong toàn hệ thống chính trị và Nhân dân. Thể chế văn hóa, chính sách văn hóa dần được hoàn thiện.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, trong thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao - Du lịch chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp. Đó là, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp xây dựng văn hóa, con người Việt Nam trong giai đoạn mới. Mỗi cán bộ, đảng viên phải phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu, phải thực sự tiêu biểu về đạo đức, lối sống, thực sự gần dân, thân dân, trọng dân, phấn đấu vì lợi ích của dân, thấm nhuần đạo lý “Dân là gốc”.
Chiều cùng ngày, Đại hội làm việc tại hội trường để nghe báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII và tiến hành một số nội dung quan trọng khác. Dự kiến, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII có 200 đồng chí; trong đó, có 180 UVTW Đảng chính thức và 20 UVTW Đảng dự khuyết.
Sau 1,5 ngày thảo luận về các văn kiện Đại hội, đã có 36 ý kiến đến từ các đoàn đại biểu, các đảng bộ, đảng đoàn, ban cán sự đảng, cơ quan trực tiếp tham luận tại hội trường. Các tham luận tập trung đánh giá, tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII gắn với việc đánh giá 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới; đóng góp ý kiến về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025); mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045.
Anh Phong