ClockThứ Năm, 11/02/2016 12:16

Từ mùa Xuân năm ấy...

TTH - Hội nghị hợp nhất thành lập Đảng thành công trong mùa xuân năm 1930 ghi nhận cống hiến quan trọng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong việc xây dựng và tổ chức đội ngũ các chiến sĩ Cộng sản Việt Nam. Bài học đoàn kết được ghi nhận ngay từ ngày hợp nhất thành lập Đảng hôm nay vẫn còn nguyên giá trị.

Với tinh thần đem sức ta mà giải phóng cho ta, với tất cả nỗ lực của mình, bằng những bước đi vững chắc, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chuẩn bị mảnh đất để gieo những “hạt giống đỏ” đầu tiên cho cách mạng Việt Nam, từng bước đưa tư tưởng cách mạng của Người về bén rễ trong thực tiễn cuộc đấu tranh của dân tộc. Người đã nỗ lực không ngừng xúc tiến công việc chuẩn bị các điều kiện để thành lập một Đảng Cộng sản chân chính, với lý luận và phương pháp cách mạng tiên tiến để có thể đảm nhận vai trò lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Nhân dân Việt Nam.

Giai đoạn 1925 – 1929, với sự hoạt động sôi nổi mạnh mẽ của lớp cán bộ được Nguyễn Ái Quốc trực tiếp huấn luyện ở Quảng Châu (Trung Quốc), phong trào đấu tranh trong nước đã có bước phát triển mạnh mẽ, dẫn đến sự ra đời của các tổ chức cộng sản đầu tiên. Tháng 3/1929, những người tích cực nhất của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ở Bắc kỳ đã thành lập Chi bộ cộng sản đầu tiên tại nhà số 5D phố Hàm Long (Hà Nội) và thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng ngày 17/6/1929. Tổng bộ Thanh niên và Kỳ bộ Nam kỳ cũng cải tổ thành An Nam Cộng sản Đảng trong tháng 8/1929. Tháng 9/1929, những đại biểu cấp tiến của Tân Việt đã ra Tuyên đạt chính thức lập Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Những cán bộ trong cả ba tổ chức cộng sản đều tích cực mở rộng mạng lưới cơ sở, phát triển đảng viên và “lãnh địa” ảnh hưởng của mình. Đã diễn ra tình trạng chia rẽ, tranh giành quần chúng, cạnh tranh ảnh hưởng, thậm chí công kích lẫn nhau giữa các tổ chức. Mỗi tổ chức đều nhận mình là cộng sản chân chính và đều nhận vai trò lãnh đạo cách mạng. Sự phân ly đó đã làm phân tán sức mạnh chung của phong trào, gây ra những sự nghi ngờ trong quần chúng. Yêu cầu cấp bách đặt ra khi đó là hợp nhất các tổ chức cộng sản thành một Đảng cộng sản duy nhất, đủ năng lực đảm nhận vai trò lịch sử lãnh đạo phong trào cách mạng giải phóng dân tộc.

Với sự nhạy cảm chính trị đặc biệt của một chiến sĩ cộng sản nhiều kinh nghiệm, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã kịp thời triệu tập và chủ trì Hội nghị thống nhất các tổ chức cộng sản để thành lập Đảng Cộng sản duy nhất ở Việt Nam. Với uy tín và kinh nghiệm của mình, những sự phân tích thấu tình đạt lý của Nguyễn Ái Quốc về vai trò, trách nhiệm của những người cộng sản trước vận mệnh dân tộc đã nhận được sự nhất trí của các đại biểu. Nguyễn Ái Quốc đã đoàn kết lại những người Cộng sản Việt Nam, hướng mọi chiến sĩ cách mạng tới một mục tiêu chung. Các đại biểu dự hội nghị đã nhất trí hợp nhất hai tổ chức cộng sản thành Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt và Điều lệ vắn tắt của Đảng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soạn thảo. Ngày 24/2/1930, Đông Dương cộng sản liên đoàn đề nghị Ban Chấp hành lâm thời kết hợp tổ chức này vào Đảng. Việc hợp nhất ba tổ chức Cộng sản Việt Nam đã được hoàn thành trên thực tế. Sự kiện này đánh dấu bước ngoặt của cách mạng Việt Nam, chấm dứt tình trạng khủng hoảng về đường lối cứu nước ở Việt Nam. Từ mùa xuân năm 1930, lịch sử cách mạng Việt Nam, lịch sử dân tộc Việt Nam chuyển sang trang mới.

Sự kiện thành lập Đảng cũng ghi nhận sự đoàn kết, nhất trí của những chiến sĩ cộng sản ngay từ buổi đầu tổ chức còn manh nha trứng nước. Những bất đồng có tính cục bộ giữa những người cộng sản đã được dẹp bỏ để tất cả cùng hướng tới mục tiêu chung cao cả là đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, giành hạnh phúc cho Nhân dân. Trong báo cáo gửi Quốc tế cộng sản sau Hội nghị (ngày 28/2/1930), Nguyễn Ái Quốc viết: “Từ nay, với chính sách đúng và với sự thống nhất, chúng tôi có thể chắc rằng Đảng Cộng sản sẽ tiến bộ nhanh chóng”. Thực tiễn lịch sử đã chứng minh nhận định đúng đắn đó. Được Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, Đảng Cộng sản Việt Nam đã giữ vững vai trò lãnh đạo Nhân dân Việt Nam hoàn thành thắng lợi cách mạng giải phóng dân tộc và đưa đất nước từng bước tiến lên. Những chặng đường cách mạng đều gắn liền với vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sảnViệt Nam và tên tuổi người con ưu tú của dân tộc: Hồ Chí Minh.  

Sau độ lùi lịch sử, càng nổi bật sự năng động, sáng tạo, nhạy bén, kịp thời và vai trò to lớn của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh với việc tổ chức thành công Hội nghị hợp nhất thành lập Đảng. Hội nghị hợp nhất thành lập Đảng thành công cũng ghi nhận cống hiến quan trọng của Người đã đoàn kết đội ngũ các chiến sĩ Cộng sản Việt Nam trên đường đấu tranh từ những bước gian truân ban đầu.

Sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ Nhân dân, phục vụ Tổ quốc” mà Đảng lãnh đạo Nhân dân giành được những thắng lợi. Người cũng chỉ rõ, để đủ sức lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng “cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình” (Di chúc).

Trước thềm năm mới 2016, với sự kiện lớn là Đại hội đại biểu lần thứ XII của Đảng đưa ra những quyết sách lớn cho chặng đường phát triển mới của đất nước, khẳng định quyết tâm phát huy sức mạnh toàn dân tộc, tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức để phát triển đất nước nhanh và bền vững, thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Trên tiến trình đó, “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/Thành công, thành công, thành công” là điều luôn luôn đúng. Trong bối cảnh tình hình mới, trước những nguy cơ cả bên ngoài và bên trong đang hiện hữu, tinh thần đó, phương châm đó vẫn cần được phát huy. Bài học đoàn kết được ghi nhận ngay từ ngày hợp nhất thành lập Đảng vẫn còn nguyên giá trị hôm nay.

TS Ngô Vương Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

KỶ NIỆM 112 NĂM NGÀY BÁC HỒ RA ĐI TÌM ĐƯỜNG CỨU NƯỚC (5/6/1911 – 5/6/2023)
Nguyễn Ái Quốc với chí sĩ Phan Chu Trinh trên bước đường cứu nước

Lâu nay, giới học giả và báo chí nói rất nhiều về mối quan hệ giữa chí sĩ Phan Chu Trinh với nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc trong thời gian Người tìm đường cứu nước, đặc biệt là thời gian ở Pháp. Vậy, mối quan hệ đó như thế nào, bắt nguồn từ đâu và chí sĩ Phan Chu Trinh đã giúp đỡ những gì cho Nguyễn Ái Quốc…?

Nguyễn Ái Quốc với chí sĩ Phan Chu Trinh trên bước đường cứu nước
Bước chân từ xứ Nghệ, xứ Huế

Xứ Nghệ tiếp nối với xứ Huế trên con đường đi về phương Nam của người Việt. Khí chất cương cường và khát vọng vươn lên mãnh liệt của con người miền Hoan Ái suốt nghìn năm qua đã hun đúc, làm nên truyền thống cách mạng nổi bật.

Bước chân từ xứ Nghệ, xứ Huế
Kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đảng (3/2/1930 - 3/2/2022):
Thể hiện niềm tin và trách nhiệm với Đảng

Mỗi người một cương vị công tác khác nhau, nhưng điểm chung ở họ là, luôn đặt trọn niềm tin tuyệt đối về Đảng. Họ là 3 cá nhân tiêu biểu, đoạt giải cao tại Hội thi báo cáo viên, tuyên truyền viên giỏi cấp tỉnh năm 2021 và Cuộc khi trắc nghiệm trên Internet “Tìm hiểu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XVI và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII” mà chúng tôi gặp gỡ, trò chuyện.

Thể hiện niềm tin và trách nhiệm với Đảng
Ý Đảng - lòng dân và khát vọng dân tộc hùng cường

Hôm nay 3/2, đất nước rộn ràng đón chào xuân mới Nhâm Dần 2022 và toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta hân hoan kỷ niệm sự kiện trọng đại làm thay đổi vận mệnh của dân tộc Việt Nam: Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời.

Ý Đảng - lòng dân và khát vọng dân tộc hùng cường
Return to top