ClockThứ Ba, 27/06/2017 08:24

Vài suy nghĩ về đánh giá tài - đức cán bộ

TTH - Nhiều ngày qua, trên diễn đàn và thông tin đại chúng liên tục phản ánh hiện tượng ở nơi này hay nơi khác có vấn đề về “chọn người tài hay chọn người nhà”, bổ nhiệm người không đúng tiêu chuẩn, quy trình đề bạt có vấn đề… Để góp thêm tiếng nói về đánh giá cán bộ, xin nêu ra một số suy nghĩ từ thực tế.

Theo quy định chung, khi cấp trên muốn chọn người để đưa vào diện quy hoạch hoặc bổ nhiệm phải căn cứ vào tài năng và đạo đức (tài và đức). Ngoài ra, người được chọn phải hội đủ một số yếu tố cần thiết,chẳng hạn như: nhanh nhạy, năng động, có khiếu lãnh đạo vv... Tuy nhiên, cái cốt lõi quan trọng nhất vẫn là đánh giá đúng thực chất về phẩm chất đạo đức và năng lực của cán bộ. Nhưng xác định thế nào là người có năng lực, có phẩm chất đạo đức tốt thì không phải dễ. Chúng ta đã ban hành hàng loạt văn bản để xác định tài và đức, nhưng tất cả cũng mới chỉ là những yếu tố “định tính”, không mang tính “định lượng”, không thể đong đếm một cách khách quan.

Trước hết nói về tài (hay nói nôm na là năng lực). Yếu tố đầu tiên xác định năng lực là khả năng xử lý công việc nhanh nhạy, sắc sảo, có tầm nhìn của cán bộ trong từng công việc, có tính đến tầm nhìn lâu dài. Đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh thì yếu tố tay nghề, sáng tạo, kiến thức chuyên môn, cải tiến, nâng cao hiệu suất… được đặt lên hàng đầu. Hiện nay, tiêu chuẩn về trình độ học vấn được nâng lên thành quy định bắt buộc. Những người có học vấn, có đủ bằng cấp về chuyên môn, lý luận chính trị, tin học, ngoại ngữ mới đủ điều kiện đưa vào quy hoạch, bổ nhiệm. Một số ngành nghiên cứu khoa học, các trường đại học, cao đẳng đòi hỏi phải có bằng thạc sĩ, tiến sĩ mới được đề bạt vào các chức vụ tương ứng. Chính vì vậy, ở các cơ quan người người đua nhau đi học nhằm hội đủ điều kiện về bằng cấp. Thử hỏi được bao nhiêu người đi học cho có thêm kiến thức để làm việc? Nhưng đây đang là những tiêu chuẩn cơ bản về “số học” có thể đong đếm được khi đánh giá cán bộ. Lãnh đạo và bộ phận tổ chức thường dựa vào đây để xem xét khi đưa con người cụ thể nào đó vào diện quy hoạch, bổ nhiệm (mặt khách quan). Thực tế giữa yếu tố bằng cấp và năng lực có khi không song hành với nhau. Người có đủ bằng cấp chưa chắc đã có năng lực và ngược lại. Cũng phải thừa nhận, trong đội ngũ công chức không ít người có bằng cấp thực sự, có tư chất, biết vận dụng kiến thức từ bằng cấp vào công việc, nhưng có phải ai cũng được đưa vào diện xem xét? Đây đang là những tồn tại hay đúng ra là vấn đề tiêu cực trong công tác cán bộ của không ít cơ quan, đơn vị.

Về đạo đức, nói chính xác là phẩm chất đạo đức của một con người cụ thể. Đánh giá đúng yếu tố này cũng là khâu khó khăn và nhạy cảm. Có nơi xác định đạo đức phải là người hiền lành, chất phác, ít nói, không động chạm đến ai. Có quan điểm thì cho rằng đạo đức là phải siêng năng, cần cù, chịu đựng gian khổ. Cũng không ít lãnh đạo cơ quan thích những người khéo léo, luồn cúi, không cãi lại cấp trên (nói sao làm vậy). Một yếu tố đáng bàn đó là loại người tự tạo ra “uy tín” để được lòng tất cả mọi người (được lòng cấp trên, vừa lòng cấp dưới). Họ không từ một thủ đoạn nào để tìm cách tiếp cận, xu nịnh (kể cả quà cáp) với lãnh đạo cấp trên; tạo quan hệ thân thiết với đồng cấp bằng các cuộc “giao lưu, hội ngộ” thông qua các cuộc đi chơi, trong các buổi nhậu... Cũng có không ít người sống “dĩ hòa vi quý” để lấy lòng, tạo vỏ bọc để mưu cầu riêng cho bản thân. Một thực tế là khi lấy phiếu tín nhiệm thì loại này thường được nhiều phiếu hơn vì chẳng mất lòng ai, lại được lòng trên dưới. Phiếu tín nhiệm dù chỉ là tham khảo nhưng cũng gây không ít phiền toái cho cấp trên khi xem xét.

Đảng ta đã chỉ rõ điều quan tâm hiện nay trong công tác cán bộ là chọn người thẳng thắn, vì cái chung, không vụ lợi. Nói là vậy nhưng khi thực hiện, có quyền và bị tác động bởi đồng tiền nên ai dám khẳng định họ sẽ vững vàng, không trừ một thủ đoạn nào để tham nhũng? Trong đội ngũ cán bộ hiện nay đã không ít bài học về một số cán bộ có phẩm chất, gia đình có truyền thống lại bị sa ngã trước cám dỗ vật chất.

Đánh giá về tài và đức đối với vấn đề cán bộ là vấn đề khó, đang còn nhiều bất cập. Các quy định chưa cụ thể hoặc có nhưng rất hạn chế các tiêu chí bằng “lượng” mà chỉ mới nêu ra những tiêu chuẩn chung nhất. Đây vừa là cái khó, vừa là sơ hở để cho cấp có thẩm quyền dễ thiên vị, cục bộ, lách quy định để quy hoạch, bổ nhiệm người nhà, người thân.

Chúng ta có nhiều nghị quyết, chỉ thị và quy định về công tác cán bộ nhưng ở nơi này hay nơi khác vẫn để diễn ra tình trạng quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ không đúng. Vấn đề này đã tạo ra xáo trộn, mất đoàn kết trong nội bộ, ảnh hưởng uy tín trong Nhân dân.

Mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 12-KL/TW, ngày 22/3/2017 về sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định về công tác cán bộ. Vì vậy, các cấp cần nghiêm túc thực hiện kết luận này nhằm tìm được người có đức, có tài thực sự.

NGUYỄN PHƯỚC AN HÒA

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bế mạc lớp tập huấn nghiệp vụ biên phòng cho cán bộ quân đội Lào

Chiều 28/10, tại Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động (xã Hương Thọ), Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh tổ chức bế mạc lớp tập huấn nghiệp vụ biên phòng cho cán bộ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Salavan - Lào. Trung tá Trần Minh Toàn, Ủy viên Ban Thường vụ - Phó Chỉ huy trưởng, Kiêm Tham mưu trưởng BĐBP tỉnh dự và chỉ đạo buổi lễ.

Bế mạc lớp tập huấn nghiệp vụ biên phòng cho cán bộ quân đội Lào
Return to top