Theo WB, xuất khẩu của Việt Nam vẫn đứng vững (tương đương tháng 7/2019), thể hiện khả năng chống chịu ở mức độ ngoài dự kiến. Ảnh: baodautu.vn
Nhiều thành tựu quan trọng
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, nhiều dấu ấn nổi bật, đột phá. Kinh tế vĩ mô được giữ vững ổn định; cải cách thể chế được đẩy mạnh; tổng doanh nghiệp tăng gấp 1,5 lần.
Liên tiếp trong các năm, từ năm 2016 đến năm 2019, Việt Nam được xếp trong 10 nước có mức tăng trưởng cao nhất, được đánh giá là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Có thể vui mừng nhắc thêm những con số thống kê được đưa ra sau 5 năm nỗ lực của nhiệm kỳ XII: Tạo ra hơn 1.200 tỷ USD giá trị GDP; tạo ra hơn 8 triệu việc làm mới cho người dân; thu nhập bình quân của người dân tăng gần 145%; quy mô nền kinh tế tăng 1,4 lần. Việt Nam trở thành nền kinh tế có quy mô đứng thứ 4 trong ASEAN; kim ngạch xuất khẩu tăng từ 176,58 tỷ USD năm 2016 lên gần 281,5 tỷUSD năm 2020; tăng trưởng xuất khẩu giai đoạn 2016 -2020 đạt trung bình khoảng 11,7%/ năm, cao hơn mục tiêu 10% đề ra từ Đại hội XII của Đảng. Nợ công giảm từ 63,7% GDP năm 2016 xuống còn 55% năm 2019, dưới ngưỡng an toàn do Quốc hội quy định. Điều đáng nói hơn là chất lượng tăng trưởng đã được cải thiện. Năng suất lao động tăng bình quân 5,8%/năm, cao hơn nhiều so với giai đoạn 2011 - 2015. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2020 của Việt Nam được xếp thứ 42/131 nước được đánh giá. Việt Nam đứng đầu nhóm 29 quốc gia có cùng mức thu nhập. Xếp hạng về phát triển bền vững tăng từ thứ 88 năm 2016 lên thứ 49 năm 2020.
Trên các lĩnh vực khác đều có những sự phát triển. Chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững và tăng cường. Quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đạt nhiều thành tựu nổi bật. Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân được củng cố; dân chủ xã hội chủ nghĩa tiếp tục được phát huy.
Công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa có nhiều tiến bộ, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức và tổ chức. Công tác phòng, chống tham nhũng được thực hiện quyết liệt, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” và tham nhũng có dấu hiệu đang được từng bước kiềm chế, ngăn chặn.
Cả dân tộc đồng sức, đồng lòng
Năm 2020 được xem là năm thành công nhất của Việt Nam trong 5 năm qua. Đây là năm “Tinh thần và ý chí Việt Nam” một lần nữa tỏa sáng. Năm cuối cùng của nhiệm kỳ là một năm chồng chất những khó khăn do dịch bệnh, thiên tai nhưng lại là một năm cả dân tộc sát cánh, chung tay vượt qua khó khăn. Năm 2020 được nhấn mạnh về tinh thần và ý chí vươn lên trong mọi khó khăn, thử thách, là năm cả dân tộc đồng lòng và chỉ số niềm tin của Nhân dân lên cao nhất.
Từ cuối năm 2019, dịch COVID-19 đã xảy ra và lây lan mạnh trên toàn thế giới, tác động sâu sắc tới đời sống xã hội. Đây cũng là năm thiên tai, bão lũ kỷ lục xảy ra ở Việt Nam. Trong khi toàn cầu “lao đao” chống dịch, phần lớn các nước, kể cả những nền kinh tế hùng mạnh, có mức tăng trưởng âm hoặc rơi vào trạng thái suy thoái do tác động của dịch COVID-19 nhưng kinh tế của Việt Nam vẫn tăng trưởng 2,91%, góp phần làm cho GDP trong 5 năm qua tăng trung bình 5,9%/năm, ở trong nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực cũng như trên thế giới.
Trong những thời khắc đầy khó khăn, tính ưu việt của hệ thống chính trị, ý chí, sức mạnh và sức sống mãnh liệt của dân tộc đã được phát huy. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, toàn hệ thống chính trị và Nhân dân cả nước đã vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, kiểm soát tốt dịch COVID-19, tranh thủ mọi thời cơ, thuận lợi để phát triển. Giữa đại dịch, Việt Nam đã trở thành một trong những hình mẫu, để thế giới nhìn nhận những mô hình và bài học - vừa bảo đảm ổn định, an toàn trong phòng, chống dịch vừa duy trì phát triển kinh tế - xã hội.
Cùng với dịch là các đợt bão lũ liên tiếp gây những hậu quả nặng nề ở miền Trung. Cả nước vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa chung tay góp sức khắc phục hậu quả thiên tai, quyết tâm phục hồi cuộc sống ổn định cho Nhân dân. Tổng sản phẩm nội địa (GDP) năm 2020 vẫn tăng 2,91% so với năm 2019. Chỉ số này đã xếp Việt Nam là 1 trong 10 nước trên thế giới có tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất trong đại dịch toàn cầu. Các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện đáng kể; nợ công giảm, nợ xấu được kiểm soát. Đời sống Nhân dân được cải thiện rõ rệt; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm còn dưới 3%.
Nhìn lại chặng đường 5 năm và đặc biệt là năm 2020 của nhiệm kỳ XII để tự hào với những nỗ lực và thành quả; để vững tin bước tiếp trong chặng đường mới-chặng đường được kỳ vọng sẽ tiếp tục thăng phát từ những nỗ lực sẽ được khởi động và thúc đẩy từ Đại hội XIII của Đảng.
TS. Ngô Vương Anh