Hạ tầng trung tâm thị trấn Phong Điền được đầu tư
Diện mạo mới
Từ vùng đất hoang hóa sau chiến tranh, Phong Điền chuyển mình mạnh mẽ, nhất là sau thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa-hiện đại hóa. Đến nay, các cấp chính quyền cùng người dân đang chung sức, đồng lòng đẩy mạnh Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Ông Nguyễn Ngọc Khoa, nguyên Ủy viên Thường vụ Huyện ủy Phong Điền (giai đoạn 2003-2005) nhớ lại: Những năm chiến tranh, Phong Điền là vùng đất bị tàn phá ác liệt. Sau ngày giải phóng quê hương, huyện từng bước khôi phục trên tất cả các mặt, lĩnh vực. Từ chỗ nhà cửa xơ xác, cánh đồng hoang hóa, giao thông, thủy lợi manh mún..., đến nay, nhà cửa đã được kiên cố hóa, tầng hóa. Đường làng, ngõ xóm được đầu tư khang trang. Các hồ, đập được xây dựng như: đập Quao, đập Hòa Bình Chương... giải quyết được khâu tưới tiêu trong sản xuất nông nghiệp, không còn sợ hạn, mặn như ngày xưa. Đặc biệt, khu công nghiệp Phong Điền mở ra và phát triển rất tốt, cơ bản giải quyết việc làm cho người dân Phong Điền và các vùng lân cận. Đời sống người dân ngày càng được nâng lên...
Đến nay, Phong Điền đã hoàn thành điều chỉnh quy hoạch nông thôn mới các xã, quy hoạch chung đô thị mới Phong An, thị trấn Phong Điền và đô thị Điền Lộc. Đã hình thành các khu đô thị, khu dân cư mới như: khu dân cư Xạ Biêu - Tân Lập, khu dân cư Trạch Thượng II, khu dân cư phía bắc Tỉnh lộ 9, khu tái định cư giải phóng mặt bằng mở rộng Quốc lộ 1A, các khu dân cư dọc đường tránh chợ An Lỗ, khu dân cư dịch vụ Thượng An, khu dân cư trung tâm xã Điền Lộc... với diện tích lên tới gần 30ha.
Chỉ tính riêng giai đoạn 2015-2020, tổng vốn đầu tư trên địa bàn huyện đạt trên 890 tỷ đồng. Kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư, tạo điều kiện khai thác tiềm năng, phát triển kinh tế-xã hội. Từ một huyện nghèo, sản xuất nông nghiệp là chính, đến nay Phong Điền đã có cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp, tạo nên sự phát triển nhanh, mạnh và bền vững. Giá trị sản xuất tăng bình quân 15,3%/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 53 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo đến hết năm 2020 dự ước còn 3,82%; 11/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới...
Tập trung rà soát, bổ sung quy hoạch
Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu huyện Phong Điền nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra nhiệm vụ về phát triển các đô thị. Trong đó, điều chỉnh quy hoạch chung thị trấn Phong Điền theo hướng mở rộng địa giới hành chính, bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên của thị trấn Phong Điền, xã Phong Thu và kết nối với các vùng phụ cận các xã Phong An, Phong Hiền, Phong Hòa để hình thành phường nội thị, làm hạt nhân cho thị xã Phong Điền. Song song, xây dựng các đô thị Phong An, Phong Hiền, Phong Mỹ, Phong Hòa, Điền Lộc - Điền Hòa, Điền Hải - Phong Hải trở thành phường trong tương lai.
Ông Trịnh Đức Hùng, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết: Nhiệm vụ xây dựng thị xã Phong Điền trước năm 2025 được Huyện ủy, UBND huyện đặc biệt quan tâm. Trước mắt, Phong Điền sẽ tổ chức rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch và triển khai thực hiện các quy hoạch đã được phê duyệt. Rà soát lại kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2015-2020 để hoàn thành mục tiêu xây dựng 11/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2020; đồng thời xây dựng kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2026 theo định hướng sắp xếp 16 đơn vị hành chính thành 12 đơn vị hành chính.
Tham gia đóng góp ý kiến cho Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu huyện Phong Điền nhiệm kỳ 2020 - 2025, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Thanh Hà nhấn mạnh: Để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, Phong Điền cần tập trung khai thác tốt tiềm năng và lợi thế, huy động mọi nguồn lực để đầu tư, phát triển đô thị.
Trước mắt, tập trung quy hoạch và phải xây dựng Phong Điền trở thành đô thị loại IV, làm cơ sở, động lực để phát triển lên thị xã. Ngoài ra, Phong Điền phải tập trung đầu tư cho các chương trình trọng điểm như: phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp - làng nghề, chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình phát triển du lịch - dịch vụ...
Phong Điền phấn đấu đến năm 2025 thu nhập bình quân đầu người đạt trên 70 triệu đồng; tổng đầu tư toàn xã hội tăng 10-15%; hộ nghèo giảm 50%, giá trị sản xuất tăng bình quân hàng năm 15-17%...
Bài, ảnh: Thanh Hải