ClockThứ Bảy, 18/02/2017 08:47

Xây dựng phương thức lãnh đạo và phong cách công tác của Đảng

TTH - Hiện thực sinh động và luôn biến đổi đặt ra yêu cầu Đảng phải đổi mới phương thức lãnh đạo và phong cách công tác cho phù hợp với thực tiễn. Đây cũng là giải pháp quan trọng để Đảng giữ vững vai trò lãnh đạo và xây dựng Đảng ngang tầm với nhiệm vụ theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII).

1. Một lĩnh vực quan trọng trong công tác xây dựng Đảng là xây dựng phương thức lãnh đạo và phong cách công tác của Đảng. Đây là vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện các đường lối, chủ trương của Đảng.

Phương thức lãnh đạo của Đảng được xác định là hệ thống những biện pháp, hình thức, là cách Đảng tác động đến đối tượng lãnh đạo của mình là Nhà nước và xã hội nhằm tập hợp, phát huy sức mạnh của mọi lực lượng trong hệ thống chính trị và đông đảo nhân dân để thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ cách mạng mà Đảng đề ra. Phong cách công tác được quy định bởi chức năng, nhiệm vụ của tổ chức nhưng cũng phản ánh rõ phẩm chất, tri thức, kinh nghiệm, điều kiện hoạt động và cả những nét cá tính của người cán bộ.

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) chỉ rõ: “Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu; còn biểu hiện quan liêu, cửa quyền, chưa thực sự sâu sát thực tế, cơ sở...”, “... Việc phân định thẩm quyền, trách nhiệm, mối quan hệ công tác của người đứng đầu với tập thể cấp uỷ, lãnh đạo cơ quan, đơn vị chưa rõ ràng”. Yêu cầu của công tác xây dựng phương thức lãnh đạo và phong cách công tác của Đảng nói chung và từng cán bộ, đảng viên hiện nay là khắc phục cho được những khuyết điểm, bất cập đó, đồng thời phê phán, đấu tranh với những quan điểm, khuynh hướng muốn giảm nhẹ, thậm chí phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng. Bên cạnh đó còn cần “khắc phục tình trạng quan liêu, cửa quyền, sách nhiễu, tiêu cực của cán bộ, công chức...” (trích Nghị quyết).

Phương thức lãnh đạo của Đảng được quyết định bởi sự thích ứng với nhiệm vụ của cơ quan lãnh đạo, phụ thuộc vào sự phát triển của cơ quan lãnh đạo và không tách rời người lãnh đạo cơ quan đó về trình độ nhận thức, năng lực tổ chức, khả năng và điều kiện áp dụng những tri thức tiên tiến, những tiến bộ khoa học - công nghệ vào công tác lãnh đạo. Thực tiễn cũng chứng minh, chất lượng và hiệu quả của tất cả các khâu ra quyết định, triển khai thực hiện, kiểm tra, tổng kết thực tiễn... phụ thuộc rất nhiều ở phong cách công tác của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt ở các cấp, các ngành. Cùng với việc đổi mới, xây dựng phương thức lãnh đạo của Đảng trong giai đoạn mới còn cần chú trọng xây dựng phong cách công tác của Đảng cũng như của mỗi cán bộ, đảng viên.

2. Một trong hệ thống các nhóm nhiệm vụ, giải pháp được Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) nêu: “Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị”. Chúng ta cũng nhớ lại rằng “Phong cách Hồ Chí Minh” đã được nhấn mạnh chính thức trong Văn kiện Đại hội XII (1/2016) của Đảng, đồng thời với những nhiệm vụ xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức.

Trong việc xây dựng phương thức lãnh đạo của Đảng hiện nay cần đi sâu xây dựng phương thức lãnh đạo của Đảng ở từng cấp, từng ngành, từng lĩnh vực đời sống xã hội từ Trung ương đến cấp cơ sở. Điều cần chú ý là hình thức, phương pháp lãnh đạo của Đảng phải “tương thích” và kịp thời với sự phát triển của hệ thống chính trị và trình độ dân trí /dân chủ của xã hội ở mỗi địa chỉ cụ thể. Mọi sự chậm trễ hoặc sai sót trong việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin của Nhân dân về quyết tâm và hiệu quả của những nỗ lực hành động của Đảng.

Nói đến phong cách công tác là nói đến những đặc điểm mang nhiều nét cá tính, đến năng lực, sở trường, sở đoản cụ thể của mỗi người. Từ tầm vĩ mô, khi xây dựng đường lối chính sách, trên cơ sở những yêu cầu chung, cần phải đi sâu xây dựng những tiêu chí về phong cách công tác riêng cho từng loại cán bộ, từng cấp cán bộ - từ bí thư chi bộ cơ sở, các địa phương, các ngành, cho đến cấp Trung ương. Cán bộ ở vị trí lãnh đạo càng cao càng đòi hỏi nhiều hơn về điều này.

Tất cả những điều đã nêu, chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy trong “Phong cách Hồ Chí Minh” với những chỉ dẫn thiết thực và giản dị, dễ nhớ và cũng không khó làm.

3. Đọc lại và học tập phong cách của Người, chúng ta dễ nhận thấy Hồ Chí Minh mang một phong cách khoa học và độc lập, cách mạng và hiện đại, tự chủ và sáng tạo - không tiếp thu một cách thụ động, không dừng lại ở sự vật, hiện tượng bề ngoài - và Người thường khuyến khích, yêu cầu chúng ta làm theo cách đó. Với các công việc thuộc về cá nhân lãnh đạo, Người yêu cầu nắm chắc tình hình, làm việc gì cũng phải điều tra, nghiên cứu, thu thập thông tin, số liệu, phải làm việc với tinh thần khoa học, có kế hoạch và đúng giờ, đổi mới và sáng tạo. Khi lãnh đạo cần tuân thủ nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Người cán bộ lãnh đạo phải biết cách động viên, khuyến khích “khiến cho cán bộ cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến”. Việc kiểm tra, kiểm soát cần được làm tốt và còn “phải đi tận nơi, xem tận chỗ”. Viết cho dân, nói với dân phải theo cách giản dị, cụ thể, thiết thực, làm cho lý luận trở nên gần gũi, dễ hiểu, như cách cảm, cách nghĩ của Nhân dân ...

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay, đồng thời góp phần  xây dựng phương thức lãnh đạo và phong cách công tác của Đảng đáp ứng những yêu cầu mới. Mỗi cán bộ, đảng viên cần nỗ lực rèn luyện, xây dựng cho mình một phong cách làm việc khoa học, tích cực, thiết thực và có hiệu quả cao sẽ góp phần vào việc xây dựng phong cách công tác chung của Đảng, đưa Nghị quyết Trung ương 4 vào thực tiễn.

TS. NGÔ VƯƠNG ANH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hỗ trợ, xây dựng nền tảng để người nghèo vươn lên

Tháng cao điểm “Vì người nghèo” (17/10 - 18/11/2024) là hoạt động có ý nghĩa quan trọng, nhân văn sâu sắc. Đây là dịp để mỗi cơ quan, đơn vị, các tổ chức, doanh nghiệp và Nhân dân thể hiện tinh thần “tương thân, tương ái”, chia sẻ, giúp đỡ đối với người nghèo, người gặp hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh, bà Nguyễn Thị Ái Vân chia sẻ:

Hỗ trợ, xây dựng nền tảng để người nghèo vươn lên
Rủi ro trên công trường xây dựng

Hình ảnh nhiều thợ xây cheo leo trên giàn giáo để làm việc mà không có đồ bảo hộ lao động vẫn diễn ra tại nhiều công trình xây dựng. Điều này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lao động và những hậu quả khó lường.

Rủi ro trên công trường xây dựng

TIN MỚI

Return to top