ClockThứ Ba, 05/11/2024 16:18

Loại bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn hóa mới

TTH - Vượt qua nhiều thách thức, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở huyện A Lưới đang dần loại bỏ những hủ tục lạc hậu, hướng đến xây dựng cuộc sống văn minh và hiện đại hơn.

Tập huấn công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc

 Việc loại bỏ các hủ tục lạc hậu góp phần cải thiện đời sống của người dân

Xóa bỏ những hủ tục lạc hậu

Nhiều người Pa Cô trước đây đã quen với tập tục thách cưới, hôn nhân cận huyết thống và kết hôn khi còn quá trẻ. Theo ông Lê Văn Lịch, một người Pa Cô sống tại thôn Ra Loóc - A Sốc, xã Hồng Bắc, việc thách cưới là một trong những truyền thống xưa của đồng bào Pa Cô. Nhiều gia đình giàu có tổ chức đám cưới trong nhiều ngày, với các nghi thức cầu kỳ và tốn kém. Tuy nhiên, ông cũng chia sẻ: “Đảng và Nhà nước đã quan tâm và vận động người dân từ bỏ những phong tục, tập quán lạc hậu. Đám cưới con gái tôi giờ đây diễn ra đơn giản nhưng ấm áp, kế thừa truyền thống văn hóa tốt đẹp mà vẫn phù hợp với hoàn cảnh gia đình”.

Tại xã Hồng Bắc, nơi có đến 95% dân số là người Pa Cô, trước kia có những cặp đôi phải chia xa vì gia đình không đáp ứng được yêu cầu thách cưới từ phía nhà gái. Theo ông Trần Văn Đôn, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Bắc, gần đây, thông qua nỗ lực tuyên truyền của chính quyền địa phương, phần lớn người dân đã không còn thách cưới. “Những phong tục rườm rà đã được bỏ đi, thanh niên nam nữ giờ đây được tự do yêu đương, kết hôn khi đủ tuổi. Điều này góp phần quan trọng giúp bà con bớt đi gánh nặng và xây dựng một gia đình bền vững hơn”, ông Đôn cho hay.

Huyện A Lưới còn thực hiện hiệu quả các câu lạc bộ (CLB) “Phòng, chống tệ nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”, từng bước thay đổi nhận thức của cộng đồng về hôn nhân và gia đình. Trong các buổi sinh hoạt cộng đồng, chính quyền cũng khéo léo lồng ghép giới thiệu những nội dung gần gũi của Luật Hôn nhân và Gia đình, giúp người dân hiểu rõ và tuân thủ quy định pháp luật về hôn nhân, đồng thời xóa bỏ những thói quen lạc hậu.

Đổi mới nếp sống

UBND huyện A Lưới triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng nếp sống văn minh đô thị và nông thôn” giai đoạn 2021 - 2025, nhằm giúp người dân A Lưới nhận thức được vai trò quan trọng của văn hóa cộng đồng trong phát triển đời sống xã hội.

Một trong những thay đổi lớn nhất là đơn giản hóa các nghi lễ tang và lễ cưới. Theo ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới, trong các đám tang, việc mổ trâu bò hay kéo dài thời gian tổ chức không còn được khuyến khích. Chính quyền vận động bà con chỉ tổ chức tang lễ trong vòng 48 giờ để tránh lãng phí và giảm chi phí không cần thiết. Ông Hải cho biết: “Nhờ sự tác động từ chính sách và vận động từ các cấp chính quyền, nhiều gia đình đã thay đổi quan niệm, tổ chức các nghi lễ tang và cưới hỏi đơn giản hơn, phù hợp với tình hình kinh tế, đời sống của người dân”.

Quy định về cưới hỏi cũng được điều chỉnh theo hướng tiết kiệm và phù hợp với truyền thống văn hóa. Huyện A Lưới khuyến khích người dân tổ chức cưới hỏi gọn gàng, không xa hoa, tối đa khoảng 700 khách cho hợp hôn, và giới hạn từ 300 - 350 khách cho các nghi lễ vu quy hoặc thành hôn.

Từ khi thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, phong trào xây dựng đời sống văn hóa tại A Lưới không chỉ giúp địa phương giữ gìn bản sắc truyền thống mà còn giúp người dân cải thiện chất lượng sống. Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã quy hoạch và triển khai xây dựng hai làng văn hóa dành cho các DTTS tại A Lưới và Nam Đông, nhằm nâng cao ý thức về đời sống văn minh cho cộng đồng người DTTS.

Phát huy bản sắc hướng đến phát triển bền vững

Huyện A Lưới cũng nỗ lực bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Pa Cô, Tà Ôi và các dân tộc khác. Theo bà Lê Thị Thêm, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện A Lưới, các CLB gia đình hạnh phúc, CLB bình đẳng giới được hình thành để giúp cộng đồng hiểu rõ quyền lợi và trách nhiệm trong gia đình, từ đó xây dựng một cộng đồng đoàn kết, phát triển.

Đặc biệt, chính quyền còn phối hợp chặt chẽ với các già làng, trưởng bản và những người có uy tín trong cộng đồng để tuyên truyền, vận động Nhân dân giữ gìn bản sắc dân tộc. Hiện nay, 100% đại diện hộ gia đình người DTTS đã được cấp phát tài liệu tuyên truyền, giúp mọi người hiểu và tuân thủ các quy định về pháp luật. Nhờ đó, không chỉ các hủ tục bị đẩy lùi mà cả những định kiến về giới, vai trò của phụ nữ cũng dần được thay đổi.

Ông Nguyễn Văn Hải nhận định: Trong 10 năm qua, tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết tại A Lưới đã giảm mạnh. Đây là kết quả của quá trình tuyên truyền lâu dài và sự hưởng ứng tích cực từ cộng đồng. Chính sự vào cuộc của các cấp chính quyền và nỗ lực của người dân đã làm nên sự chuyển mình của A Lưới, giúp người dân nơi đây từng bước xây dựng nếp sống văn minh, tiến bộ hơn.

Bài, ảnh: Bạch Châu
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hỗ trợ, xây dựng nền tảng để người nghèo vươn lên

Tháng cao điểm “Vì người nghèo” (17/10 - 18/11/2024) là hoạt động có ý nghĩa quan trọng, nhân văn sâu sắc. Đây là dịp để mỗi cơ quan, đơn vị, các tổ chức, doanh nghiệp và Nhân dân thể hiện tinh thần “tương thân, tương ái”, chia sẻ, giúp đỡ đối với người nghèo, người gặp hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh, bà Nguyễn Thị Ái Vân chia sẻ:

Hỗ trợ, xây dựng nền tảng để người nghèo vươn lên

TIN MỚI

Return to top