ClockThứ Tư, 10/08/2022 06:40

Xử lý trách nhiệm trong đề bạt cán bộ trái quy định

TTH - Quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ là khâu quan trọng trong công tác tổ chức của hệ thống chính trị. Làm không đúng hoặc đề bạt cán bộ không đủ tiêu chuẩn, dẫn đến sai phạm sau bổ nhiệm sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và hệ thống chính trị.

Nhận BHXH một lần gia tăng: Chớ “tham bát, bỏ mâm”Sẵn ý thức, thiếu hành động khiến nhựa vẫn tràn lan ở Đông Nam ÁĐối thoại để nắm bắt và thực hiện tốt hơn chính sách cho người lao động

Các đại biểu HĐND TP. Hà Nội bỏ phiếu kín bầu chức danh Chủ tịch UBND TP. Hà Nội. Ảnh: Tuoitre.vn

1. Chúng ta đã đề cập nhiều đến bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn, trái quy định, có dấu hiệu sai phạm dẫn đến bị kỷ luật sau đó. Phần lớn trong số mới đề bạt không được thẩm tra, phát hiện hoặc có dấu hiệu được bao che, cố tình bỏ qua khuyết điểm. Khi cán bộ dính vào tham ô, hối lộ, cố ý làm trái bị thanh tra, điều tra kết luận mới “lòi” ra nhiều vấn đề có liên quan đến tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình bổ nhiệm không đúng. Nhiều cán bộ tìm cách che giấu bằng vỏ bọc bề ngoài, nhưng cũng không ít trường hợp có biểu hiện nghi vấn, dư luận Nhân dân bàn tán xì xào nhưng không được kiểm tra, kết luận. Vi phạm của lãnh đạo, nhất là số có chức vụ cao trong bổ nhiệm đã gây ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức Đảng, chính quyền, gây hoài nghi về chất lượng đội ngũ cán bộ trong các tầng lớp nhân dân. Chỉ mới trong 2 nhiệm kỳ gần đây đã có 113 cán bộ cấp cao (khóa 12) và 50 cán bộ (khóa 13) bị kỷ luật và xử lý hình sự, chưa kể hàng ngàn cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các ngành, địa phương. Trong số đó có nhiều cán bộ mới được bổ nhiệm lần đầu, từ cán bộ cấp dưới được quy hoạch, bổ nhiệm đi lên, dù đã trải qua thời gian dài nhưng không được đánh giá đúng thực chất.

Thực tế đáng buồn, hầu hết trước khi được bổ nhiệm đều được nhận xét là “cán bộ tốt”, “có đủ phẩm chất, năng lực”, “đạo đức”, “uy tín”... Nhìn vào hồ sơ giới thiệu với những lời nhận xét “có cánh” không thể tốt hơn, mới nghe tưởng chừng như là hình mẫu tiêu biểu, nhân vật “hiếm có, khó tìm”. Hầu hết khi chuẩn bị bầu hoặc bổ nhiệm lãnh đạo đều có chung một điệp khúc như vậy dễ gây nên hoài nghi khi một cán bộ nào đó được bổ nhiệm. Ví dụ như Trịnh Xuân Thanh, Tổng giám đốc PNC là một “điển hình” như thế. Từ một lãnh đạo thuộc Tập đoàn Dầu khí đã bị thanh tra, phát hiện có dấu hiệu vi phạm lại được điều về làm quản lý một đơn vị quan trọng của Bộ Công thương. Từ đây được “luân chuyển” về làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, quy hoạnh lãnh đạo, được giới thiệu và bầu trúng cử vào Quốc hội khóa 14. Sau đó không lâu Trịnh Xuân Thanh bị khởi tố, truy nã về tội cố ý làm trái gây thiệt hại hơn 2.300 tỷ đồng và bị xử phạt tù chung thân...

2. Câu hỏi đặt ra là tại sao tỷ lệ sai phạm của cán bộ mới bổ nhiệm ngày càng nhiều hơn? Trước hết phải khẳng định nguyên nhân chủ quan từ suy thoái, biến chất của chính những con người đó. Tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng là do đề bạt không đủ tiêu chuẩn, chọn người và đánh giá chưa đúng bản chất thực sự. Những người có “vấn đề” về phẩm chất đạo đức chưa được làm rõ, đánh giá hời hợt, cảm tính hoặc bị tác động bởi tiêu cực, “tế nhị” phía sau. Đã có dấu hiệu bao che, cục bộ, lợi ích nhóm với mục đích “không trong sáng” của cấp có thẩm quyền. Ngoài trách nhiệm của người đứng đầu là trách nhiệm liên đới của tập thể cấp ủy, ban lãnh đạo nơi giới thiệu bổ nhiệm cán bộ. Trong tập thể thiếu tính đấu tranh, nể nang, ngại va chạm, dân chủ một chiều, những lá phiếu, biểu quyết đưa ra “chiều” theo ý của cấp trên. Thủ trưởng chịu trách nhiệm chính nhưng tập thể cấp ủy, ban lãnh đạo cũng phải chịu trách nhiệm liên đới, dù không bị tác động bởi tiêu cực. Một thực tế là lâu nay hầu như không có trường hợp nào bị kỷ luật vì tiến cử người không đúng, nếu có chỉ ở mức độ khiển trách, nhắc nhở, cho rút kinh nghiệm… Mặt khác, tham nhũng trong công tác cán bộ chỉ mới có kỷ luật trong Đảng, chính quyền mà chưa được quy định trong luật hình sự, dù đều là hành vi nguy hiểm. Tồn tại này vô tình làm “nhờn” hành vi cố ý của người có trách nhiệm, bổ nhiệm trái quy định mà không sợ bị chế tài xử lý cao hơn.

Đảng ta rất quan tâm đến công tác cán bộ và xác định “nguyên nhân của mọi nguyên nhân, là nguồn gốc của mọi công việc, then chốt của then chốt” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh. Chính vì thế nên đã đề ra quy trình, tiêu chuẩn hết sức chặt chẽ trong các khâu công tác, nhất là bổ nhiệm, giới thiệu lãnh đạo, quản lý. Từ quy trình 3 bước đến quy trình 5 bước như hiện nay là những bước cải tiến mới chặt chẽ, bài bản; quy định khung tiêu chuẩn từ đánh giá đến bổ nhiệm làm cơ sở cho các cấp thực hiện. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa 11) đề ra yêu cầu “thí điểm giao quyền cho bí thư cấp ủy lựa chọn, giới thiệu để bầu ủy viên thường vụ cấp ủy; cấp trưởng có trách nhiệm giới thiệu để bầu cử, bổ nhiệm cấp phó; thí điểm chế độ tiến cử, chế độ tập sự lãnh đạo, quản lý”... Đáng chú ý nhất là Quy định 205-NQ/TW “Về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền” và Quy định 69-NQ/TW ngày 6/7/2022 “Về kỷ luật tổ chức Đảng và đảng viên vi phạm”. Những quy định này có nhiều điểm mới so với trước và nhằm kiểm soát quyền lực, “nhốt quyền lực trong lồng cơ chế”. Trong Quy định 69 đã nêu rõ những vi phạm trong công tác bổ nhiệm và các hình thức xử lý thể hiện trong các điều 29, 30. Những quy định đó vừa có tác dụng giáo dục, răn đe vừa là cơ sở để xử lý nghiêm vi phạm trong bổ nhiệm trái quy định.

Thẩm quyền và trách nhiệm đi đôi với nhau trong chức năng của lãnh đạo. Điều đó đòi hỏi lãnh đạo các cấp, phải thực sự công tâm, khách quan trong bổ nhiệm không chỉ cho yêu cầu trước mắt mà còn là vì chất lượng đội ngũ cán bộ về lâu dài.

NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăng cường cán bộ nữ tham gia cấp ủy

Ngày 21/11, Đoàn công tác của Học viện Chính trị quốc gia (CTQG) Hồ Chí Minh do PGS.TS Lê Văn Chiến - Viện trưởng Viện Lãnh đạo học và Chính sách công, Học viện CTQG Hồ Chí Minh làm trưởng đoàn có buổi làm việc với Thị ủy Hương Thủy về công tác cán bộ nữ.

Tăng cường cán bộ nữ tham gia cấp ủy
Tạo nguồn cán bộ cho giai đoạn phát triển mới

Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19/5/2018, khóa XII “về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” xác định mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ đủ về số lượng, có chất lượng và cơ cấu phù hợp chiến lược phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Thực hiện mục tiêu của Nghị quyết, các cấp ủy đảng, địa phương, đơn vị, đã tập trung triển khai nhiều giải pháp, cách làm phù hợp góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ trẻ, nữ, người dân tộc thiểu số, bảo đảm phục vụ công tác nhân sự đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng.

Tạo nguồn cán bộ cho giai đoạn phát triển mới
Bế mạc lớp tập huấn nghiệp vụ biên phòng cho cán bộ quân đội Lào

Chiều 28/10, tại Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động (xã Hương Thọ), Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh tổ chức bế mạc lớp tập huấn nghiệp vụ biên phòng cho cán bộ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Salavan - Lào. Trung tá Trần Minh Toàn, Ủy viên Ban Thường vụ - Phó Chỉ huy trưởng, Kiêm Tham mưu trưởng BĐBP tỉnh dự và chỉ đạo buổi lễ.

Bế mạc lớp tập huấn nghiệp vụ biên phòng cho cán bộ quân đội Lào
Return to top