ClockThứ Năm, 10/12/2020 06:45

Chống xuống cấp cho di tích sau mùa mưa bão

TTH - Dù chưa có thiệt hại nào đáng kể sau các đợt bão lũ lớn năm nay, nhưng thiên tai và thời tiết khắc nghiệt là một thách thức lớn đối với di tích và những người làm công tác bảo tồn, quản lý di sản.

Gia cố, chống đỡ cho di tích Khâm Thiên Giám

Đại Nội bị ngập nước trong các đợt lũ lớn vừa qua. Ảnh: TTBTDT

Đối mặt với rủi ro từ thiên tai

Ông Võ Lê Nhật, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, nhờ chủ động ứng phó từ trước nên các di tích thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế không bị ảnh hưởng nào đáng kể do các đợt bão lũ nặng nề vừa qua. Tuy vậy, Quần thể Di tích Cố đô Huế với khối lượng các công trình kiến trúc đồ sộ, nằm rải rác trên địa bàn rộng lớn với nhiều địa hình, địa thế khác nhau vẫn luôn đối mặt với nhiều rủi ro vào mùa mưa bão.

Ông Lê Công Sơn, Chánh Văn phòng Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho hay, trong các đợt bão lũ đầu tháng 10 và tháng 11 vừa qua, mưa lớn kéo dài quá nhiều ngày, ngập lụt diễn ra trên diện rộng khiến nhiều điểm di tích nằm ở vị trí thấp trũng, khu vực ven sông bị nước lũ tràn vào và ngập sâu, như: Nghinh Lương Đình, Cung An Định, Lầu Tàng Thơ… Các cổng vào khu Hoàng Cung nước ngập cả mét. Nhiều di tích dọc sông Hương cũng bị ngập nặng, như lăng Gia Long, lăng Thiệu Trị... Dù đã được bảo vệ chu đáo nhưng với sức tàn phá nặng nề của thiên tai, nhiều điểm di tích thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế không tránh khỏi bị ảnh hưởng.

Các di tích chủ yếu nằm dọc theo triền sông Hương nên chịu sự chi phối mạnh mẽ của mực nước sông trong các mùa lũ, lụt. Về mặt khoa học, việc bị ngâm nước lâu ít nhiều tác động đến tuổi thọ của công trình. Năm nay, lượng mưa lớn và kéo dài làm tăng tải trọng mái, dẫn đến tình trạng thấm dột ở nhiều di tích, tạo môi trường thuận lợi cho các loại nấm mốc phát triển, đồng thời cũng là tác nhân gây mối mọt, tiêu tâm các cột gỗ hoặc cản trở việc bảo tồn di sản, bảo quản hiện vật, ảnh hưởng tới các di tích khảo cổ trong khu di sản.

Gia cố cấu kiện gỗ phòng chống mưa bão. Ảnh: TTBTDT

Theo ông Võ Lê Nhật, Quần thể Di tích Huế với phần lớn công trình được xây dựng bằng gỗ lợp ngói chính là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Vào mùa mưa, tải trọng mái trên di tích ở Huế có thể tăng thêm 15-20%, các cấu kiện gỗ trong kiến trúc truyền thống cung đình Huế cũng bị tác động của môi trường có độ ẩm cao, gây ra hiện tượng nứt gãy, tụt ngói, dịch chuyển vị trí, long mộng, tăng khả năng bị nấm mốc, mối mọt, tiêu tâm…

Cũng do đặc điểm của vật liệu gỗ dễ bị suy thoái dưới các tác động của thời tiết, khí hậu gây ra hiện tượng bào mòn từ ngoài vào trong tâm cấu kiện hoặc gỗ bị mục từ bên trong, tích ẩm và lan truyền vùng chết từ trong ra ngoài, hoặc bị ăn mòn sinh học dưới các tác động của mối, nấm, mọt, cây ký sinh trên gỗ… Hầu hết các công trình nằm trong Quần thể Di tích Cố đô Huế đều làm bằng gỗ và có tuổi đời khá lâu. Vì vậy, việc đối diện với bão lũ là một thách thức đối với các công trình.

Chủ động phương án bảo vệ di tích

Để các di tích chống chọi trong mưa bão, lũ lụt, trước mỗi mùa mưa bão, Trung Tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế luôn chủ động triển khai các giải pháp nhằm bảo vệ các công trình, kiến trúc. Ông Lê Công Sơn cho hay, đơn vị luôn chủ động rà soát toàn bộ các công trình kiến trúc, kiểm tra, nắm tình hình công trình nào xuống cấp, có nguy cơ hư hỏng để tiến hành các phương án bảo vệ cần thiết.

Đối với các công trình, di tích có hiện tượng xuống cấp, kết cấu yếu, trung tâm tiến hành gia cố, che chắn, chống đỡ, néo giữ. Bằng nhiều cách: sử dụng vốn ngân sách, kêu gọi xã hội hóa, hợp tác với các đối tác quốc tế, trung tâm đầu tư tu bổ các công trình bị xuống cấp, có nguy cơ cao.

Sau các cơn bão lớn vừa qua, điện Thái Hòa bị sạt một góc mái, phải lợp tạm bằng tôn. Trong thời gian đến, Trung Tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cần nguồn lực để tu bổ, tôn tạo cấp thiết các công trình di tích đã xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến bộ mặt di sản cũng như cảnh quan đô thị, như: điện Thái Hòa, Thái Miếu, Văn Miếu - Võ Miếu...

Ông Nhật cho hay, năm nay, trung tâm cũng đã nghiên cứu các giải pháp chống ẩm, mốc do thời tiết và sinh vật gây hại trên cấu kiện gỗ, cây cỏ xâm thực công trình, có thể gây thiệt hại nghiêm trọng đến các công trình di tích, hiện vật và hồ sơ lưu trữ; đồng thời, thường xuyên tiến hành các biện pháp xử lý mối mọt cho các công trình.

 “Mùa mưa bão năm nay cho thấy tính chất phức tạp và nguy hiểm đối với sự an toàn của di tích so với những năm trước. Trong kế hoạch sắp tới, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ tăng cường các giải pháp phòng ngừa, như tổ chức tập huấn, nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng ứng phó với thảm họa thiên nhiên cho lực lượng phòng, chống lụt, bão thuộc trung tâm; kịp thời ngăn chặn ảnh hưởng từ thiên tai có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng đến di sản để làm cho di tích Huế có thể đứng vững hơn trước sự khắc nghiệt của thiên nhiên”, ông Nhật nhấn mạnh.

Minh Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trùng tu di tích đình làng

Là địa phương có khá nhiều đình làng và di tích văn hóa lịch sử, thời gian qua TP. Huế ưu tiên nguồn lực bố trí vốn đầu tư nâng cấp, trùng tu các công trình đình làng nhằm góp phần bảo tồn và phục hồi, hướng đến tổ chức các hoạt động văn hóa, du lịch tại các di tích.

Trùng tu di tích đình làng
Dạy học nội khóa tại di tích lịch sử

Thực hiện Nghị quyết số 29 – NQ/TW “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”, phát triển phẩm chất, năng lực của người học, Trường THPT Hai Bà Trưng đã xây dựng mô hình “Trường học gắn với cuộc sống”, với việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tham quan trải nghiệm và dạy học nội khóa tại thực địa.

Dạy học nội khóa tại di tích lịch sử
Lập hồ sơ di tích đặc biệt làng cổ Phước Tích

Làng cổ Phước Tích được bao bọc bởi con sông Ô Lâu, thuộc xã Phong Hòa (huyện Phong Điền), cách TP. Huế 40km về phía bắc. Làng được thành lập từ năm 1470, dưới thời Lê Thánh Tông. Cùng với khung cảnh thơ mộng, kiến trúc những ngôi nhà rường – vườn có giá trị, các thiết chế văn hóa đặc sắc… Ngôi làng này được công nhận di tích Quốc gia vào năm 2009 giờ đang được các cơ quan chức năng tiến hành các bước lập hồ sơ đề nghị công nhận di tích Quốc gia đặc biệt.

Lập hồ sơ di tích đặc biệt làng cổ Phước Tích
Return to top