ClockThứ Hai, 20/06/2016 14:19
THƯƠNG MẠI HÓA CÁC SẢN PHẨM KHOA HỌC CÔNG NGHỆ Ở ĐẠI HỌC HUẾ:

Chưa tương xứng với tiềm năng

TTH - Đại học (ĐH) Huế có một đội ngũ các nhà khoa học hùng hậu với hàng trăm đề tài nghiên cứu mỗi năm. Tuy nhiên, số lượng sản phẩm khoa học công nghệ được thương mại hóa phục vụ đời sống và sản xuất còn khá khiêm tốn so với tiềm năng và nguồn lực của ĐH Huế.

PGS.TS.Nguyễn Quang Linh, Phó Giám đốc ĐH Huế cho biết, hiện ĐH Huế có 2 sản phẩm được thương mại hóa chính thức là chế phẩm Bokashi trầu phòng trị bệnh cho tôm, cá và sản phẩm sinh học Pseudomonas phòng trừ bệnh chết nhanh trên cây hồ tiêu của Trường ĐH Nông Lâm. Một số sản phẩm có tiềm năng thương mại là que chẩn đoán nhanh bệnh ký sinh trùng Toxoplasma ở người và gia súc, sản phẩm kháng thể phòng trị bệnh do cầu trùng ở gà và kháng thể phòng bệnh do E.coli gây ra ở lợn của Viện Công nghệ sinh học và Viện Tài nguyên và Môi trường. Đang trên đường thử nghiệm để chuẩn bị thương mại, hai sản phẩm này rất ý nghĩa trong giai đoạn hiện nay vì phù hợp với xu hướng nâng cao sức khỏe vật nuôi ở Việt Nam. Một số sản phẩm tiêu biểu khác là băng gạc y tế chứa nano bạc, tảo Spirulina của trung tâm ươm tạo và chuyển giao công nghệ; sản phẩm giá thể trồng rau, hoa hữu cơ; lò đốt than sinh học (biochar) từ rác hữu cơ trong sản xuất nông lâm nghiệp của Trường ĐH Nông lâm; các sản phẩm nano bạc; máy SASD-07 phát hiện hội chứng ngưng thở khi ngủ; bài thuốc tiền liệt thanh giải điều trị phì đại lành tính tuyến tiền liệt của Trường ĐH Y Dược...

Gian hàng trưng bày những sản phẩm nghiên cứu chuyển và giao công nghệ nổi bật năm 2015-2016 của Trường ĐH Nông Lâm Huế

Thực tế cho thấy, kết quả từ các đề tài nghiên cứu các cấp của ĐH Huế phong phú, có giá trị kinh tế-xã hội trên tất cả các lĩnh vực nghiên cứu: khoa học tự nhiên, khoa học xã hội - nhân văn và Nông-Lâm-Sinh-Y Dược. Những kết quả nghiên cứu này đóng góp không nhỏ trong việc phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, đặc biệt là các địa phương thuộc khu vực miền Trung nói chung và Bắc Trung bộ nói riêng. Đó là các giải pháp kinh tế-kỹ thuật để phát triển chăn nuôi bò, lợn, dê; các giải pháp kinh tế - kỹ thuật để phát triển cây hồ tiêu, cam và cao su đáp ứng yêu cầu phát triển nông thôn mới; các giải pháp phát triển nông sản hàng hóa chủ lực vùng gò đồi Bắc Trung Bộ; ứng dụng một số kỹ thuật mới để chăm sóc sức khỏe cộng đồng và nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị các bệnh lý ống tiêu hóa và ung thư cổ từ cung cho các tuyến y tế cơ sở...

Tuy nhiên, nhìn chung kết quả của các hoạt động khoa học và công nghệ mang tính ứng dụng còn thấp. Sản phẩm nghiên cứu của các đề tài phần lớn là những báo cáo trình bày tại các hội nghị khoa học, những công trình công bố trên các tạp chí trong và ngoài nước, là nguồn tài liệu cho giảng dạy bậc ĐH và sau ĐH; đồng thời các kết quả nghiên cứu là cơ sở khoa học đề xuất các giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Số đề tài được đưa vào ứng dụng trong thực tế, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực vẫn còn ít. Số đề tài có khả năng ứng dụng cao và các sản phẩm đang tiến hành thủ tục đăng ký sở hữu trí tuệ vẫn chưa nhiều.

Nói về nguyên nhân ĐH Huế chưa có nhiều sản phẩm khoa học công nghệ được thương mại hóa, PGS.TS.Nguyễn Quang Linh cho rằng, lý do đầu tiên là nghiên cứu của các nhà khoa học chưa thực sự hấp dẫn doanh nghiệp và có thể làm lợi cho họ. Lý do thứ hai là, sau khi nghiên cứu kết thúc ở dạng pilot, phòng thí nghiệm hay mô hình, nhiều nhà khoa học không có kinh phí để tiếp tục ươm tạo, chuyển giao và giới thiệu đến doanh nghiệp, địa phương, người dân vì ngân sách nhà nước chỉ cấp cho phần nghiên cứu. Lý do thứ ba là, một số nhà khoa học chưa chú ý đến việc thương mại hóa sản phẩm của mình và lý do thứ tư là thiếu một cơ chế phối hợp đồng bộ giữa nghiên cứu, ươm tạo và chuyển giao vào thương mại dẫu chủ trương thì đã có. 

Theo PGS.TS.Nguyễn Quang Linh, để thương mại các sản phẩm khoa học công nghệ “quan trọng là phải đặt vấn đề nghiên cứu từ nhu cầu thị trường, thực tế cần và phải đảm bảo tính mới, có ứng dụng khoa học công nghệ. Riêng đối với khoa học xã hội và nhân văn phải có sản phẩm ứng dụng hoặc các chương trình đào tạo phải được ứng dụng. Các nhà nghiên cứu phải chọn nội dung nghiên cứu mà xã hội cần, nghiên cứu phải chuyên sâu một cái mới, nghĩa là các nhà nghiên cứu cần phải thay đổi”.

Ngọc Hà

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giúp sinh viên có kỹ năng viết CV và phỏng vấn hiệu quả

Ngày 24/4, Trung tâm Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo – Đại học Huế phối hợp với Trường Du lịch – Đại học Huế tổ chức TalkShow “Chinh phục nhà tuyển dụng: Viết CV và phỏng vấn tìm việc” cho hơn 200 sinh viên Trường Du lịch.

Giúp sinh viên có kỹ năng viết CV và phỏng vấn hiệu quả
Gần 500 đoàn viên công đoàn được tập huấn nghiệp vụ

Sáng 24/4, Công đoàn Đại học Huế tổ chức hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt, thực hiện Nghị quyết đại hội Công đoàn các cấp nhiệm kỳ nhiệm kỳ 2023- 2028 và tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng hoạt động công đoàn.

Gần 500 đoàn viên công đoàn được tập huấn nghiệp vụ
Return to top