ClockThứ Hai, 23/01/2012 14:57

Cơm có thịt...

TTH - Năm 2012 trôi qua với biết bao sự kiện đáng nhớ, nhưng có một câu chuyện nhỏ khiến tôi không thể quên được. Đó là câu chuyện “cơm có thịt” của nhà báo Trần Đăng Tuấn (nguyên phó tổng giám đốc VTV, hiện là tổng giám dốc công ty nghe nhìn toàn cầu AVG). Một câu chuyện nhỏ, thậm chí thoạt nghe cứ ngỡ là tầm thường (“miếng ăn là miếng tồi tàn” mà dân gian thường nói), nhưng nó đã trở thành một diễn đàn sôi nổi và lan rộng trên khắp không gian mạng.

Câu chuyện đó là entry “mở hàng” cho blog Trần Đăng Tuấn sau khi chuyển công việc mà như lời tâm sự của ông là “rời chậu cảnh, cây ra ngoài đất bãi”. Ông Tuấn đi chơi Yên Bái để ngắm mấy cây chè cổ thụ Suối Giàng, tình cờ ghé vào khu lán trại được gọi tên là “nội trú dân nuôi” của trường tiểu học xã và ông đã bàng hoàng tê tái khi nhìn thấy bữa cơm trưa của 80 đứa học trò tuổi nhi đồng là một nồi cơm cùng mấy bó rau bé tẹo và vàng úa. Hỏi: có thịt cá ăn bao giờ không? Không có đâu, bao giờ bố mẹ đóng thêm tiền thì mới được ăn một bữa có thịt. Mà bố mẹ chúng thì kiếm cho đủ gạo cũng đã là việc quá khó.         

Ông Tuấn rời Suối Giàng quên mất việc đi xem mấy cây chè cổ thụ, với một nỗi day dứt: “Đó là bữa ăn trưa cho 80 mầm non của đất nước vào ngày 22 tháng 9 năm 2011. Tức là khi đất nước đã bước vào thập kỷ thứ hai của thế kỷ 21”. Ngay sau đó, ông đã cùng với bạn bè lập ra một dự án mà tôi nghĩ chắc không có dự án nào có cái tên đơn giản hơn thế: “Cơm có thịt”. Nội dung của dự án cũng giản đơn: chỉ 300.000đ là 125 đứa học trò (tiểu học và THCS) Suối Giàng có một bữa “cơm có thịt” (3kg thịt); mỗi tháng 18 triệu, mỗi năm 216 triệu. Cứ thế trong mười năm, mất hơn 2 tỷ đồng, nhưng sẽ có 125 đứa trẻ “mầm non đất nước” lớn lên với một thân thể khỏe khoắn và bộ óc bình thường, nhờ có đủ đạm. “Mình biết nước ta nghèo, nhưng có nghèo đến thế không?” Ông Tuấn băn khoăn và bắt tay cùng bạn bè thực hiện ngay bữa cơm có thịt. Chỉ sau bốn tháng mà đã có thêm rất nhiều người hưởng ứng, không chỉ cơm có thịt mà cả áo ấm, bít tất, khăn len..., không chỉ bọn trẻ Suối Giàng mà còn mở ra nhiều nơi khác ở Yên Bái, Lào Cai, Sơn La…
 
Tôi cũng như nhiều người khác đã tê tái lòng khi nhìn hình ảnh những đứa trẻ lớp 1, giống như các con tôi, chỉ khác là chúng đang ngồi bên bữa cơm trưa là thau cơm nguội lạnh và chậu canh rau lõng bõng. Và càng xót xa hơn khi xem tiếp những tấm ảnh sau đó, những đứa trẻ bên những chén cơm đã có thịt với khuôn mặt rạng ngời hạnh phúc. Hạnh phúc đơn sơ vậy thôi mà phải thật lâu lắm, khi bố mẹ có tiền nộp, thì các em mới có được. Đó chính là hạnh phúc của lũ trẻ quê nghèo chúng tôi, nhưng đã từ mấy mươi năm trước. Hồi đó, chúng tôi chỉ nhìn thấy thịt trong những ngày giỗ kỵ (chỉ thấy thôi vì phải dành đãi khách) và thật sự ăn thịt vào ba ngày Tết. Tính theo điểm lao động thì nhà tôi chỉ được hợp tác xã chia cho nửa ký thịt heo. Mẹ tôi phải năn nỉ lắm, ông thủ kho mới cho nhận miếng thịt nhiều mỡ. Mẹ rán lấy hết mỡ dành cho cả tháng giêng, phần còn lại là mấy miếng da và vài miếng nạc để “làm mặt” trên những dĩa su xào, nhưng với chúng tôi đó là miếng ngon nhất trong năm. Sau ba ngày Tết, chúng tôi trở lại khu nội trú học sinh chuyên của tỉnh, và câu chuyện sôi nổi của những cô cậu học trò ưu tú nhất tỉnh lại là “tết ni nhà mi được mấy kg thịt?”. Và đứa nào cũng nói trạng “ngày ba mươi tết thịt treo đầy nhà”, nhưng cuối cùng vẫn không dấu được ước mơ: được ăn một bữa thịt cho thật đã đời !
 
Mấy mươi năm trôi qua, cuộc sống tạm đủ đầy, cái ước mơ ngày nào đó đã đi đâu mất. Cho đến một ngày đọc thấy dự án với cái tên thật lạ: “Cơm có thịt”.
 
Ôi ước mơ giản đơn, thậm chí là rất tầm thường, vậy mà vẫn còn bao người quanh ta chưa dễ dàng có được! Vậy nên có ý kiến băn khoăn: làm sao cho đủ bữa cơm có thịt cho biết bao người nghèo? Ông Tuấn đã giải tỏa điều này bằng một tâm sự thật thấu tình: “Hãy đừng nghĩ nhiều về việc chúng ta có thể làm được bao nhiêu. Hãy hình dung các em học sinh nội trú đang cùng ăn cơm với chúng ta. Và chúng ta gắp vào bát chúng một miếng thịt, miếng cá. Như hàng ngày chúng ta vẫn gắp vào bát cho con, em, cháu của chúng ta, quanh mâm cơm ấm áp của gia đình”.
 
Khi bạn đọc những dòng cuối năm này thì bữa cơm tất niên cũng đã bày ra với đủ món ăn và tất nhiên sẽ không thể thiếu… thịt. Bạn hãy cứ thưởng thức thật ngon lành thành quả lao động quần quật của cả năm mới có được. Nhưng nếu bạn có chút lòng trắc ẩn thì xin hãy lên mạng gõ ba chữ “cơm có thịt”, sẽ có ngay địa chỉ cho bạn chia sẻ, một miếng thịt cho những chén cơm chưa có thịt!

Minh Tự

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Ba luôn ở bên con

Một sớm mùa thu, tôi rẽ sương cũng mẹ đi vào lối vắng. Ở nơi đây, cảnh vật thường xuyên thay đổi, dù một năm mẹ con tôi đến những bốn, năm lần. Sự thay đổi ấy ứng với từng mùa, khi những hàng cây thi nhau lột xác, lũ chim chóc thay lời ca tiếng hát, mây trời và làn nước cũng thường biến đổi sắc màu theo từng tháng năm. Ở nơi đó, bên một dòng sông nhỏ có một khoảnh đất là nơi yên nghỉ của ba tôi. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thoáng chốc ngày ba từ giã cõi đời cũng đã ngót nghét gần mười năm. Mười năm đó, từ nỗi đau tận cùng đến đau đáu khôn nguôi, trong mẹ con tôi đã chuyển thành tĩnh lặng thương yêu.

Ba luôn ở bên con
Từ chuyến phượt khám phá làng Vân...

Gần đây, phượt trở thành trào lưu và sở thích của rất đông bạn trẻ. Xu hướng phượt không đơn thuần chỉ là trải nghiệm các cung đường khó hay khám phá văn hóa, vùng đất nơi mình đến mà còn kết hợp Teambuilding (xây dựng đội nhóm), các kỹ năng sinh tồn, đôi khi lồng ghép thêm hoạt động thiện nguyện.

Từ chuyến phượt khám phá làng Vân
Lão ngư kể chuyện đi biển

Những kinh nghiệm đi biển "xương máu" được truyền đời trong các gia đình ngư dân. Khi chưa có máy móc hiện đại, kinh nghiệm sóng nước là cứu cánh sinh kế của họ.

Lão ngư kể chuyện đi biển
Return to top