ClockThứ Hai, 21/03/2016 06:55

Đào tạo nghề cho nông dân ở Hương Trà: Sát với nhu cầu và điều kiện thực tế

TTH - Với mục tiêu “Dạy cái cần học hơn là cái cần dạy” và lý thuyết phải đi đôi với thực hành, các lớp đào tạo nghề do Hội Nông dân (HND) Hương Trà phối hợp tổ chức thực sự mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân (ND).

Kết quả bước đầu

Do có diện tích đất vườn rộng (3 sào) gia đình ông Trịnh Duận ở tổ dân phố 1, phường Tứ Hạ gắn bó với nghề trồng hoa, cây cảnh hơn 20 năm nay. Với mong muốn được mở rộng quy mô và có thêm kiến thức để chăm sóc, phát triển nhiều giống cây, hoa mới, năm 2012, ông tham gia lớp đào tạo trồng hoa- cây cảnh cho HND địa phương tổ chức. “Kinh nghiệm “đầy mình” nhưng tôi vẫn theo học lớp trồng hoa. Cũng nhờ tham gia lớp học, tôi biết thêm về cách bón phân phù hợp, cách chăm sóc khoa học để vừa đỡ tốn chi phí cho phân, thuốc lại giảm được công chăm sóc. Tết vừa rồi, vườn cúc phalê, thược dược, thạch thảo của gia đình bán được gần 300 triệu đồng, chưa kể tiền bán cây giống, cây cảnh (cóc Thái) nhờ ươm trồng”, ông Duận hồ hởi.

Lớp đào tạo nghề trồng hoa - cây cảnh cho nông dân

Gia đình chị Nguyễn Thị Thanh ở phường Hương An ngoài làm ruộng còn kết hợp trồng rau để tăng thu nhập. “Trước đây, trồng rau dền, cải xanh, đậu... theo cách truyền thống, nhưng từ khi được tham gia lớp đào tạo nghề trồng “rau an toàn” với nhiều loại cây trồng khác như dưa leo, mướp đắng, mình làm quen được những khái niệm mới như kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo cân bằng sinh thái, áp dụng các biện pháp phòng trừ sâu bệnh thích hợp...”, chị Gái cho hay. Qua những kiến thức “thu hoạch” được từ các lớp tập huấn, chị vận dụng vào thực tế và đã góp phần tăng năng suất cây trồng từ 1,5 đến 2 lần. Nhờ tham gia lớp chăn nuôi thú y, nhiều “nông dân thứ thiệt” như anh Thọ Toàn (Hương Chữ), anh Phan Lễ (Hương Toàn)... không chỉ trở thành “bác sĩ thú y gia đình” mà còn là cộng tác viên đắc lực trong việc phòng trừ các dịch bệnh xảy ra ở địa phương.

Chủ tịch HND phường Tứ Hạ - Hoàng Tấn Son cho biết: “Phần lớn việc trồng trọt, chăn nuôi của nhiều ND hiện nay vẫn theo kinh nghiệm cá nhân nên kinh phí và công sức đầu tư nhiều nhưng hiệu quả không cao. Qua những lớp đào tạo nghề theo kiểu cầm tay chỉ việc như vậy, bà con có điều kiện tiếp cận, nắm bắt kiến thức khoa học để áp dụng vào công việc của mình, kết quả làm tăng giá trị sản xuất và thu nhập của ND cũng được cải thiện”.

Nỗi lo thiếu nguồn

Công tác đào tạo nghề được HND Hương Trà đa dạng hóa bằng nhiều hình thức khác nhau nhằm đem lại hiệu quả cao nhất. Như liên kết đào tạo giữa HND với các trường dạy nghề, các trung tâm để tổ chức các khóa đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn theo nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp. Các cấp hội còn tổ chức hoạt động dạy nghề theo các chương trình, dự án... Không chỉ lựa chọn thời gian, ngành nghề đào tạo phù hợp mà HND còn chủ trương dạy theo kiểu “cầm tay chỉ việc”, giúp học viên nắm rõ và áp dụng ngay vào việc sản xuất của mình. Chẳng hạn, nông dân các xã, phường Hương Phong, Hương Chữ, Hương Văn... được trang bị kiến thức về sửa chữa máy nổ (trên đò máy, máy cày tay) để phục vụ sản xuất nông nghiệp, bà con các xã vùng gò đồi ở Bình Thành, Bình Điền, Hương Bình... được dạy nghề nuôi ong. Phó Chủ tịch HND Hương Trà Cao Xuân Dũng cho hay, với cách đào tạo theo “đơn đặt hàng” này, ND có cơ hội để phát huy lợi thế của mình. Qua đó, từng bước hình thành nên sản phẩm chủ lực của địa phương.

Tuy nhiên, trên thực tế, công tác đào tạo nghề cho ND trên địa bàn Hương Trà vẫn còn nhiều khó khăn; trong đó khó nhất là thiếu học viên. Theo Phó Chủ tịch HND Hương Trà, lực lượng trong độ tuổi lao động đa phần đều đi làm ăn xa hoặc chính bản thân họ không muốn đăng ký học nghề sơ cấp mà theo đuổi ước mơ vào cao đẳng, đại học hoặc chí ít cũng là trường trung cấp nghề. Với nông dân, họ cho rằng, kinh nghiệm thực tế không thiếu thì cần chi phải học thêm... Và một lý do khác, theo Quyết định 1956 của Chính phủ, đối tượng đã được hỗ trợ đào tạo nghề (nhưng không phù hợp thực tế) nếu muốn học nghề khác phải có xác nhận của chính quyền cấp tỉnh cũng gây khó cho việc tuyển học viên.

Số lượng học viên, lớp học đang ngày càng thu hẹp. Trước, mỗi năm học viên đăng ký trên 20 lớp nhưng hội chỉ mở được 18 lớp do kinh phí không có. Gần đây, các cấp HND chỉ mở được 10 lớp/năm và thậm chí, việc thu hút, vận động học viên được đưa vào chỉ tiêu đánh giá xếp loại khen thưởng của chi bộ cơ sở. “Mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 46 (có hiệu lực từ 1/1/2016) với điều kiện “mở”, học viên muốn học nghề mới chỉ cần xác nhận của chính quyền địa phương. Đây là tín hiệu vui cho công tác đào tạo nghề của các cấp HND chúng tôi, Phó Chủ tịch HND Hương Trà hồ hởi. 

Bài, ảnh: Liên Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hương Trà ưu tiên hình thành các cụm công nghiệp

Sau khi Quy hoạch chung tỉnh Thừa Thiên Huế được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, UBND TX. Hương Trà ưu tiên xúc tiến đầu tư, huy động mọi nguồn lực thực hiện công tác giải phóng mặt bằng cho các công trình trọng điểm, các cụm công nghiệp (CCN); chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với các địa phương khẩn trương hoàn thiện thủ tục để sớm hình thành các CCN trên địa bàn.

Hương Trà ưu tiên hình thành các cụm công nghiệp
Thực hành kỹ năng bán hàng cho hội viên phụ nữ

Ngày 29/3, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh phối hợp với Hội LHPN thị xã Hương Trà tổ chức truyền thông nâng cao kỹ năng thực hành bán hàng thông qua hình thức livestream, quảng cáo sản phẩm nền tảng số. Tham dự có bà Lê Thị Hồng Thanh, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh.

Thực hành kỹ năng bán hàng cho hội viên phụ nữ
Xung kích trên mặt trận kinh tế

Phát huy vai trò xung kích, các cấp bộ Đoàn ở Hương Trà đã có nhiều hoạt động tích cực tham gia xây dựng thị xã, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Nổi bật trong đó là phong trào phát triển các mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ...

Xung kích trên mặt trận kinh tế
TP. Huế đào tạo nghề cho 210 lao động nông thôn

Nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng nghề cho người lao động, đáp ứng yêu cầu về chuyển đổi số, tạo cơ hội tìm kiếm việc làm, UBND TP. Huế vừa ban hành kế hoạch về đào tạo nghề trình độ sơ cấp, dưới 3 tháng cho người lao động năm 2024.

TP Huế đào tạo nghề cho 210 lao động nông thôn
Return to top