ClockThứ Năm, 01/09/2011 13:26

Dấu ấn Huế ở làng hoa Đà Lạt

TTH - Bốn giờ sáng, chuyến xe Huế-Đà Lạt của chúng tôi vượt qua đèo Khánh Vĩnh-con đèo nằm trên tuyến đường mới Nha Trang – Đà Lạt với độ cao 1.500m. Bỗng, phía trước như òa vỡ cả một "thành phố ánh sáng". Tôi dụi mắt, cơn ngái ngủ lập tức tan biến. Liêm, chàng trai gốc Huế ngồi cạnh tôi hào hứng giới thiệu: Thái Phiên, làng em đó. Những cái nhà sáng trưng kia là nhà trồng hoa, người ta để điện sáng cả đêm. Có thời gian, mời anh về chơi…

Từ Trung tâm Đà Lạt, thuê chiếc xe máy hiệu Honda xịn. Tôi lả lướt đánh một vòng quanh thành phố mù sương cho quen với cái lạnh của cao nguyên, rồi hỏi đường, trực chỉ về Thái Phiên. Vừa đi vừa hỏi, đâu chừng hai mươi phút, cổng làng đã hiện ra trước mắt. Nói là làng, chứ thực ra Thái Phiên là đơn vị hành chính với tên gọi phường 12 của thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, nằm cách trung tâm thành phố khoảng 7 km về hướng Đông Bắc. Nghe bảo nơi đây vốn là vùng núi hoang vu, những năm 1945 đến 1954 là nơi cựu hoàng Bảo Đại thường tới lui săn bắn.

Khoảng năm 1954, có 40 hộ người Việt gốc Nghệ An sống ở Lào hồi hương tìm đến lập nghiệp ở Cao nguyên Lâm Viên và được những người gốc Huế đến Đà Lạt trước đó cưu mang, giúp đỡ. Rồi qua những chuyến đi săn, một số người phát hiện vùng đất đồi núi thoai thoải cạnh núi Hòn Bồ, có nguồn nước rất thuận lợi cho việc phát triển nghề nông, và họ đã thảo đơn xin tỉnh trưởng Lâm Viên quy dân, lập ấp-ấy là nơi mà làng Thái Phiên ngày nay đứng chân. Đó là khoảng năm 1956, những cư dân buổi đầu của Thái Phiên là 40 hộ hồi hương từ Lào cùng một số gia đình khác, trong đó có nhiều gia đình người Huế. Ấp được lấy tên Thái Phiên là để tưởng nhớ đến vị chí sĩ đã xả thân vì nước trong cuộc khởi nghĩa Duy Tân nổi tiếng năm 1916. Cùng bị bắt và bị thực dân Pháp sát hại với ông còn có những người đồng chí mà tên tuổi họ đã lưu danh cùng sử sách như Trần Cao Vân, Nguyễn Quang Siêu, Tôn Thất Đề… Cái tên Thái Phiên được dùng để đặt cho tên làng có thể là do những cư dân người Huế đề xuất, như một hành động để nhớ về khí phách của cuộc khởi nghĩa Duy Tân, về những người anh hùng và cũng là để nhớ về Huế quê hương thăm thẳm nơi miền Trung ruột thịt…

Thêm một lứa hoa đến kỳ thu hoạch

Đang suy nghĩ miên man thì Liêm chạy xe máy ra đón. Cả người bịt kín, lấm lem bùn đất, chỉ lộ ra đôi mắt sáng và nụ cười rất hiền: Xin lỗi nghe, em đang lỡ tay bơm cho xong bình thuốc, để anh phải đợi…Vậy là mới xuống xe chưa được mấy tiếng đồng hồ, Liêm đã lao ra với những luống hoa. Theo Liêm đi thăm vùng chuyên canh hoa, đến một khu vực nhà kho, Liêm bảo chúng tôi dừng xe, rồi từng người lần lượt được Liêm đèo vào tận vườn hoa của mình. Đúng ra phải nói là “nhà” hoa mới đúng, bởi tất cả đều được trồng trong nhà plastic, mà nhiều người vẫn quen gọi là “nhà kính”. Đất đai được tận dụng hết mức, nhà này cách nhà kia độ 5-6 tấc, trời lại mới mưa xong. Bùn lép nhép, đường ngoằn ngòeo. Đúng là nếu không có Liêm, những tay lái đồng bằng như tôi đành chịu chết. Vừa chở, Liêm vừa vui vẻ trấn an: Bọn em ở đây quen rồi, thấy rất bình thường. Thế này có ăn thua gì, nhiều khi còn chở thùng hoa to đùng ở phía sau vẫn chạy vô tư…
 
Gia đình Liêm làm cả thảy 5 sào hoa. Sào ở đó tính 1.000m2, 5 sào bằng 1 mẫu (0,5ha) của Huế. Trồng chủ yếu các loại hoa cúc: Cúc lưới, AT, cúc kim cương, mai đỏ, turbin, saphia… Lúc chúng tôi đến, nhiều luống hoa đã hé nụ, khoe sắc, đẹp rực rỡ. Người bố của Liêm, ông Nguyễn Văn Toàn, 61 tuổi, một cán bộ công an hồi hưu, đang tỉ mẩn “mặc” chén (những chiếc phễu bằng nylon) cho những luống cúc Kim cương chuẩn bị nở. Ông ngẩng đầu nở nụ cười thân thiện chào chúng tôi, rồi lại chăm chú với công việc của mình và chậm rãi trả lời những câu hỏi của khách. Việc không nặng nhọc, nhưng theo ông Toàn là cứ bận bịu suốt ngày. Những lúc công việc rộ lên là phải thuê thêm người làm. Dân sở tại không có, phải gọi lao động từ Nghệ An, Hà Tĩnh... Công sá chừng trên trăm ngàn mỗi ngày, cơm ăn hai bữa, công việc làm hoàn toàn trong nhà, không nắng, chẳng mưa, lại không nặng nề gì lắm nên lao động chấp nhận được.

Ông Ngô Văn Toàn cần mẫn bên những luống hoa

 
Liêm cho hay, anh cùng một người em và ông bố suốt ngày bám trụ vườn hoa. Cứ làm theo kiểu cuốn chiếu, luống này thu hoạch thì luống khác cũng bắt đầu trổ bông, đảm bảo “cử” nào cũng có hoa để xuất. Cử ở đây có nghĩa là các đợt thu hoạch. Mỗi tháng thu 2 đợt, dịp mười bốn-rằm và ba mươi-mồng một âm lịch. Công việc cứ vậy quay vòng quanh năm, đất đai không một giờ ngơi nghỉ. Liêm đã có thể chủ động từ khâu giống cho đến các khâu kỹ thuật. Hoa thu hoạch, có người vào mua tận vườn. Hỏi thu nhập, Liêm cười cười: Trừ chi phí, mỗi năm kiếm khoảng vài trăm (triệu)…
 
Quê ở Vân Dương-Thủy Vân (Hương Thủy). Gia đình Liêm vào lập nghiệp ở Cao nguyên Lâm Viên, tính cả con của Liêm đến nay đã là đời thứ 4 rồi. Liêm năm nay ngoài ba mươi, cũng sinh ra và lớn lên tại Đà Lạt. Liêm bảo, ở Thái Phiên này, dân Huế phải chiếm tới 50% và đều là những người trồng hoa cự phách cả. Người Huế có mặt cả trong số những người trồng hoa đầu tiên từ xa xưa của Thái Phiên. Trước, dân Thái Phiên chủ yếu trồng các loại rau màu, nhưng nhiều năm rau màu rớt giá, không đủ cả công thu hái. Sau này, đời sống xã hội phát triển, nhu cầu về hoa ngày mỗi lớn, dân Thái Phiên chuyển dần sang trồng hoa. Không chỉ các loại hoa bản địa truyền thống mà còn nhập về và làm chủ công nghệ với nhiều loại hoa cao cấp khác. Nghề trồng hoa đã cho người dân Thái Phiên cái ăn cái mặc, làm cho bộ mặt của làng quê đổi thay từng ngày. Và trong đó, những người dân xứ Huế góp một phân công sức không nhỏ…
 

Làng hoa Thái Phiên nhìn từ núi Hòn Bồ

 
Theo thống kê, làng hoa Thái Phiên hiện có hơn 250 hộ chuyên canh hoa. Sản lượng hoa hằng năm của làng đạt 300 triệu cành. Không chỉ trồng, làng hoa Thái Phiên còn có 2 cơ sở nuôi cấy mô (invitro) do nông dân đầu tư để bảo tồn và sản xuất giống hoa sạch bệnh, hệ thống kho lạnh để bảo quản giống và cả chục cơ sở ươm giống hoa chủ động cung cấp cho nhu cầu tại chỗ cũng như cho các các tỉnh Tây Nguyên, miền Trung. Cuối năm 2009, làng hoa Thái Phiên được chính thức công nhận là làng nghề truyền thống đầu tiên của tỉnh Lâm Đồng. Và không chỉ trồng hoa, người trồng hoa ở đây còn đang cố gắng xây dựng Thái Phiên thành một địa chỉ thăm thú, tham quan cho du khách mỗi khi họ có dịp đến với cao nguyên mù sương Đà Lạt…
 
Diên Thống
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Ba luôn ở bên con

Một sớm mùa thu, tôi rẽ sương cũng mẹ đi vào lối vắng. Ở nơi đây, cảnh vật thường xuyên thay đổi, dù một năm mẹ con tôi đến những bốn, năm lần. Sự thay đổi ấy ứng với từng mùa, khi những hàng cây thi nhau lột xác, lũ chim chóc thay lời ca tiếng hát, mây trời và làn nước cũng thường biến đổi sắc màu theo từng tháng năm. Ở nơi đó, bên một dòng sông nhỏ có một khoảnh đất là nơi yên nghỉ của ba tôi. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thoáng chốc ngày ba từ giã cõi đời cũng đã ngót nghét gần mười năm. Mười năm đó, từ nỗi đau tận cùng đến đau đáu khôn nguôi, trong mẹ con tôi đã chuyển thành tĩnh lặng thương yêu.

Ba luôn ở bên con
Từ chuyến phượt khám phá làng Vân...

Gần đây, phượt trở thành trào lưu và sở thích của rất đông bạn trẻ. Xu hướng phượt không đơn thuần chỉ là trải nghiệm các cung đường khó hay khám phá văn hóa, vùng đất nơi mình đến mà còn kết hợp Teambuilding (xây dựng đội nhóm), các kỹ năng sinh tồn, đôi khi lồng ghép thêm hoạt động thiện nguyện.

Từ chuyến phượt khám phá làng Vân
Lão ngư kể chuyện đi biển

Những kinh nghiệm đi biển "xương máu" được truyền đời trong các gia đình ngư dân. Khi chưa có máy móc hiện đại, kinh nghiệm sóng nước là cứu cánh sinh kế của họ.

Lão ngư kể chuyện đi biển
Return to top