ClockThứ Tư, 01/06/2011 21:32

Đến với Lăng Cô theo kiểu vua

TTH - Trong số các vua triều Nguyễn, vua Khải Định (1916-1925) là người đi du lịch nhiều nhất. Nhà vua từng có chuyến du hành sang Pháp, dự cuộc “Đấu xảo thuộc địa” tổ chức ở Marseille. Chuyến đi được ghi chép khá đầy đủ trong quyển “Ngự giá như Tây ký”.
Đáng nói ở vị vua ham muốn “xê dịch” này là trong chuyến “tuần tỉnh quan phong” vào mùa hè 1916, vua Khải Định đã phát hiện ra điểm du lịch nghỉ mát Lăng Cô. Khi dừng lại đây, nhà vua nhận ra địa điểm nghỉ mát lý tưởng cũng như cảnh đẹp tự nhiên ở bốn bề xung quanh: Mũi Chân Mây, đèo Hải Vân, núi Phú Gia…Vua Khải Định đã có những ngày nghỉ cực kỳ thú vị. Trở về Hoàng cung, ông đã ban lệnh cho bộ Công đưa vật liệu về Lăng Cô xây dựng một “hành cung” để nhà vua cùng với hoàng gia nghỉ mát vào mùa hè, đặt tên là “Tình Viêm” (làm dịu sự nóng nực). Lại nữa, sau đó 3 năm, cũng trong một dịp dừng lại điểm du lịch và nghỉ mát này, nhà vua xúc động viết nên một bài văn có giá trị, được khắc ghi vào bia đá, nay vẫn còn lưu lại.

Nghệ thuật sắp dặt trên bãi biển Lăng Cô trong Festival biển 2006
Nằm giữa một nhánh rẽ của dãy Trường Sơn vươn ra biển với phía nam là đèo Hải Vân và phía bắc là đèo Phú Gia, vịnh biển Lăng Cô là một biểu tượng văn hoá- du lịch của Thừa Thiên Huế. Ở đây, núi chạy dài ra biển và viền dưới là dải cát dài trắng mịn tuyệt đẹp, gần như còn nguyên sơ. Trong bán kính khoảng 150 km, Lăng Cô là tâm điểm của một vùng tập trung 4 di sản thế giới: Quần thể di tích Cố đô Huế, phố cổ Hội An, khu di tích Mỹ Sơn, di sản thiên nhiên Phong Nha - Kẻ Bàng cùng nhiều danh thắng nổi tiếng của khu vực.Lăng Cô còn thu hút du khách bởi những sản phẩm du lịch ẩm thực tạo nên những món ăn ngon, mang đặc trưng giao hòa của khu vực miền Trung. Đây là vịnh thứ ba của Việt Nam sau vịnh Hạ Long và vịnh Nha Trang gia nhập CLB các vịnh đẹp thế giới.
Không còn nghi ngờ về giá trị và những tôn vinh mà người đời dành cho Lăng Cô. Vậy nhưng, tôi đã như chợt nhớ lại câu chuyện liên quan đến ông vua Khải Định khi nghĩ về vùng biển này trong mùa lễ hội. Nó như một điểm nhấn, một giai điệu đẹp, tôn thêm sự hấp dẫn của Lăng Cô. Lại nghĩ về Tây Thi và Phạm Lãi xưa. Không có con mắt tinh đời của Phạm Lãi thì Tây Thi kia, dù sắc đẹp tuyệt trần, cũng khó lòng để lại những dấu ấn lịch sử lớn lao. Câu chuyện về vua Khải Định và thắng tích Lăng Cô thêm một lần nữa cho thấy hàm lượng văn hoá và những giá trị lịch sử dày dặn, phong phú, nhiều gợi mở trong các địa chỉ du lịch của Thừa Thiên Huế.
Còn tôi, khi mùa lễ hội đang về, bỗng dưng muốn làm lại cuộc hành trình về với Lăng Cô như vua Khải Định cùng đoàn tuỳ tùng từng có 100 năm trước. Một buổi sáng rời khỏi Huế mộng mơ, lênh đênh trên con thuyền rồng, xuôi dòng, qua bao tên đất tên làng ở vùng phía nam Huế, để rồi dừng chân lại Lăng Cô để tận hưởng đặc ân của lộc trời ban phát. Ăn theo kiểu vua, chơi theo kiểu vua… trần mà như thế thì kém gì tiên!
Đan Duy
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top