ClockThứ Hai, 20/06/2016 14:18

“Nhảy” việc ở ngành du lịch

TTH - “Để giữ chân nhân lực, đặc biệt là nhân lực có chất lượng là bài toán làm “đau đầu” các doanh nghiệp hiện nay. Ngoài yếu tố tiền lương, doanh nghiệp cần tạo được môi trường làm việc thân thiện, văn minh thì may ra mới “giữ” được nhân viên”. Đó là nhận định của ông Đinh Mạnh Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh.

Khó giữ chân

Mới đây, chúng tôi đến liên hệ làm việc với một công ty du lịch trên  đường Lê Lợi. Nhiều lần đến, chúng tôi biết gần như hết nhân viên của công ty. Thông thường người chúng tôi gặp đầu tiên là T.T.Đ, vì bàn làm việc của Đ ngay lối đi vào. Lần này, chúng tôi không thấy Đ ở đấy nữa mà thay thế bằng một người mới. Thắc mắc thì được mọi người bảo Đ đã xin nghỉ việc hơn một tháng. Điện thoại hỏi thì chúng tôi được biết Đ chuyển sang làm cho một công ty cũng về lĩnh vực du lịch, có quy mô hơn.

Các công ty du lịch giới thiệu sản phẩm đến với du khách

T.T.Đ chia sẻ: “Thực tình, em không muốn chuyển qua công ty mới, vì công ty cũ là nơi làm việc đầu tiên sau khi em ra trường. Nhưng lương ở công ty cũ không đủ trang trải cuộc sống. Ở công ty mới, em được trả lương cao hơn rất nhiều”. “Em có lấy mối quan hệ, các đối tác cũ để làm cho công ty mới?”, chúng tôi hỏi. “Tất nhiên là có, đó chính là lợi thế của em khi làm ở công ty mới!”, Đ cho biết.

Theo ông Đinh Mạnh Thắng, để có một nhân viên làm được việc thì phải qua đào tạo, tập huấn. Điều này mất không ít thời gian và cả kinh phí cho doanh nghiệp. Không may doanh nghiệp trải qua giai đoạn khó khăn, không thể trả lương cao nhân viên, trong khi đó, nhiều doanh nghiệp mới ra đời, có những chính sách ưu đãi thì rất dễ “kéo” nguồn nhân lực có kinh nghiệm sang làm việc. Một doanh nghiệp bỏ công đào tạo để doanh nghiệp khác nơi khác sử dụng là chuyện không hiếm ở ngành du lịch hiện nay.

Ông Vũ Văn Chương, Giám đốc Công ty Footsteps Travels, chi nhánh Huế, cho hay: “Khi tuyển một nhân viên mới phải qua ít nhất vài tháng mới có thể thạo việc. Đối với nhân viên có năng lực, công ty phải tạo thêm điều kiện, chính sách ưu đãi để gắn bó lâu dài. Tuy nhiên, rất khó để giữ chân họ. Ngoài mức lương cố định, chúng tôi còn cân đối thu chi để cộng thêm lương cho nhân viên, nhưng họ cũng xin nghỉ vì nhiều lý do khác nhau, trong đó, xin nghỉ để làm ở nơi khác có thể lương cao hơn là lý do cao nhất”.

Có một thực tế, nhiều người nghỉ việc sẽ mang kinh nghiệm, các mối quan hệ sẵn có để làm cho công ty mới. Lấy sản phẩm của công ty cũ rồi “kéo” khách là thiếu sự lành mạnh. Khi đó, dễ gây ra sự mất đoàn kết giữa các doanh nghiệp.

Ông Trịnh Hoài Nguyên, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Lữ hành Saigontourist chi nhánh Huế, phân tích: “Người lao động quên mất rằng với đồng lương cao bất thường mà họ được nhận ở nơi làm mới thì khối lượng công việc sẽ cao hơn rất nhiều. Hoặc để có doanh thu trả lương cho nhân viên, nhiều công ty bắt buộc phải tung ra nhiều hình thức kinh doanh, trong đó, có cả hình thức thiếu lành mạnh. Mà thiếu lành mạnh thì không thể tồn tại lâu. Nên không ít nhân viên ngậm ngùi “nếm đắng”, thu nhập cao một thời gian thì mức lương thấp xuống, thậm chí có khả năng mất việc. Ngoài ra, có nhiều lao động “nhảy” quá nhiều nơi nên doanh nghiệp ngại không muốn tuyển. Doanh nghiệp sợ rằng vào làm một thời gian, nơi khác trả lương cao hơn rồi họ cũng đi”.

Giữ bằng môi trường làm việc tốt

Ông Trần Quang Hào, Giám đốc Huetourist nhận định: “Chuyện làm ở đâu là quyền của mỗi người, không thể ép buộc họ được. Để có thể giữ chân họ lâu nhất có thể, chúng tôi luôn cố gắng xây dựng môi trường làm việc thân thiện. Quan trọng mức lương phải tương xứng với năng lực thì mới giữ họ cống hiến cho công ty”.

Du khách trao đổi với hướng dẫn viên trước khi vào tham quan Đại Nội

Theo ông Đinh Mạnh Thắng, một nhân viên vào làm ở doanh nghiệp, được đào tạo thành nhân viên giỏi mà vẫn gắn bó lâu dài với doanh nghiệp là điều quá tốt. Còn sau khi đào tạo, bị các doanh nghiệp khác “lôi kéo”, hoặc tự nghỉ để chuyển nơi khác là thiếu sự chuyên nghiệp, ảnh hưởng sự lành mạnh trong môi trường du lịch. “Nhảy” việc ở ngành du lịch là vấn đề nan giải. Doanh nghiệp không có quyền bắt buộc nhân viên ở lại. Cũng có cam kết giữa lao động và người sử dụng lao động về thời gian làm việc không vì điều này Luật Lao động không cho phép.

“Quan trọng hơn cả là mỗi doanh nghiệp phải tạo được những chính sách ưu đãi, môi trường làm việc thân thiện, văn minh. Giữ lao động không chỉ có đồng lương mà chính ở sự đoàn kết, tình cảm gắn bó giữa người chủ, nhân viên và giữa các nhân viên với nhau. Khi làm được điều này, dù có nơi khác trả lương cao hơn họ vẫn ở lại vì được làm việc như trong một gia đình thực sự”, ông Đinh Mạnh Thắng chia sẻ thêm.

Đức Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhân lực vừa hồng vừa chuyên

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh ngoài hệ thống các trường thuộc Đại học Huế, có 30 cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang hoạt động đào tạo và cung ứng nguồn lao động đáng tin cậy cho các doanh nghiệp, các đơn vị sản xuất, kinh doanh.

Nhân lực vừa hồng vừa chuyên
Âm nhạc “bắt tay” du lịch

Du lịch âm nhạc đã trở thành loại hình du lịch phổ biến và phát triển ở nhiều quốc gia tại châu Âu và châu Á. Ở Việt Nam, xu hướng thưởng thức âm nhạc kết hợp với du lịch đang dần được công chúng đón nhận và Huế đã có nhiều động thái để phát triển loại hình du lịch này.

Âm nhạc “bắt tay” du lịch
Return to top