Biển chỉ dẫn vào Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế tại đường Cửa Ngăn
Mỗi nơi một kiểu
TP. Huế, nơi tập trung nhiều điểm tham quan du lịch, vì thế các biển chỉ dẫn cũng nhiều hơn so với các địa bàn khác. Nhiều nhưng lại thiếu đồng nhất về hình dáng, kích thước, tạo ra cảm giác khó chịu. Chỉ riêng đoạn từ ngã ba Lê Duẩn vào đến cầu Cửa Ngăn có 3 biển chỉ dẫn du lịch. Một biển chỉ dẫn lên chùa Thiên Mụ, Văn Thánh; biển chỉ dẫn vào Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế và một biển in bản đồ khu vực nội thành. Ba biển chỉ dẫn là 3 hình dạng, cách đặt các biển cũng khác nhau. Hai biển chỉ dẫn lên chùa Thiên Mụ và vào Bảo tàng Cổ vật Cung đình cùng hướng mặt ra đường. Biển chỉ lên chùa Thiên Mụ có kích thước nhỏ và cao hơn tầm mắt người; trong khi đó, biển chỉ hướng đi vào bảo tàng kích cõ lớn và thấp ngang tầm mắt. Riêng biển in bản đồ còn được đặt vuông góc với mặt đường.
Hầu hết các địa phương khác trong tỉnh có điểm du lịch đều mắc phải tình trạng tương tự. Biển chỉ dẫn vào Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã đặt hoành tráng bên Quốc lộ 1A, được làm từ các tảng đá lớn chồng lên nhau. Khách quan mà đánh giá, biển chỉ dẫn này có tính thẩm mỹ cao và tốn nhiều kinh phí thực hiện. Tại Khu du lịch sinh thái Suối Voi, một tấm biển to, dài khoảng 5m, rộng 3m, ghi hai chữ Suối Voi, kèm theo mũi tên nằm ở bên dưới đặt bên Quốc lộ. Trong khi đó, biển vào thác Bồ Ghè cách đó khoảng vài trăm mét “lép vế” hơn. Hay ngay cả biển chỉ dẫn vào Vườn Quốc gia Bạch Mã cũng chỉ là một tấm biển báo nhỏ gọn của ngành giao thông, được đặt ở ngã ba đường.
Ông Phạm Hữu Chung, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Phú Lộc nhìn nhận, đúng là biển chỉ dẫn tại các điểm du lịch trên địa bàn huyện còn khá lộn xộn, một nơi một kiểu, chưa có sự thống nhất. Vấn đề này khó trách các điểm du lịch, vì lâu nay, các biển chỉ dẫn đều do họ tự làm. Do chưa có quy hoạch và hỗ trợ của Nhà nước nên tùy vào thẩm mỹ, hiệu quả kinh doanh của từng nơi mà có sự đầu tư bảng biển quy mô, thẩm mỹ.
Không riêng gì ở Phú Lộc, các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đa số đều do các doanh nghiệp hay cơ quan được giao trực tiếp quản lý tự làm lấy. Sở Du lịch cho biết, chưa ban hành một quy định và cũng không có một mẫu mã chung thì không thể tìm được sự đồng nhất. Chẳng hạn như tại TP. Huế, các biển chỉ dẫn chủ yếu do hai đơn vị UBND TP. Huế và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế thực hiện. Cả hai đơn vị này có hai mẫu mã khác nhau.
Cần có quy hoạch cụ thể
Đầu tư hệ thống bảng, biển chỉ dẫn đến các điểm du lịch trên địa bàn TP. Huế và vùng phụ cận là một trong những đầu việc trọng tâm của kế hoạch phát triển du lịch trong năm 2017. Dự kiến, tất cả sẽ giao Trung tâm Xúc tiến Du lịch chịu trách nhiệm kết nối và triển khai thực hiện. Ông Nguyễn Bảo Kỳ, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến Du lịch cho biết, khi được giao việc chính thức, trung tâm sẽ lên kế hoạch cụ thể để tham mưu với lãnh đạo ngành. Quan trọng nhất, trong quá trình thực hiện cần có quy hoạch cụ thể. Những vị trí đặt biển chỉ dẫn, kích thước biển cho từng vị trí cần được cụ thể hóa, hướng đến sự lâu dài và hiệu quả về mặt truyền tải thông tin. Sự tham gia phối hợp của Sở Du lịch, UBND TP. Huế, Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng, Trung tâm BTDTCĐ Huế và một cơ quan liên quan cũng không kém phần quan trọng. Nếu không có sự phối hợp dễ dẫn đến sự chồng chéo và khó khăn khi thực hiện. Chẳng hạn như một biển chỉ dẫn được thiết kế xong, Sở Giao thông vận tải đã cấp phép, nhưng vị trí đặt biển lại nằm trong quy hoạch của Sở Xây dựng. Lúc đó, một biển mới dựng lên lại bị hạ xuống.
Mẫu mã của biển chỉ dẫn cần được lựa chọn kỹ lưỡng. Biển chỉ dẫn không chỉ có chức năng hướng dẫn cho du khách mà còn là hình ảnh đại diện cho du lịch Huế nên cần có một biển chỉ dẫn có tính thẩm mỹ và thể hiện được những dấu ấn riêng của Huế. Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế cho rằng, dù chưa có biên bản thống nhất, song trung tâm đang nghiên cứu để thay thế và đồng bộ hóa hệ thống bảng, biển trong các điểm di tích. Trong đó, lưu ý đến đặc thù của từng loại, bảng giới thiệu về di tích, hiện vật, biển chỉ dẫn và cả biển cấm. Tiêu chí là phải đẹp, rõ ràng, dễ nhận diện, dễ đọc, dễ hiểu và tuân thủ thông lệ quốc tế. Sự thay thế đồng bộ hệ thống bảng, biển không chỉ đảm bảo phục vụ tốt cho du khách, cộng đồng mà còn đảm bảo tính văn minh, mỹ quan và tôn vinh giá trị văn hóa, di sản.
Việc đồng bộ hóa và chuẩn mực các biển chỉ dẫn là vô cùng cần thiết, tạo nên sự chuyên nghiệp cho du lịch Huế. Cần có sự vào cuộc tích cực của các bên liên quan để sự thay thế này đạt được hiệu quả tối ưu.
Ông Phạm Hữu Chung cho biết, huyện Phú Lộc vừa thống nhất với một doanh nghiệp viễn thông hỗ trợ kinh phí để xây dựng các bảng, biển chỉ dẫn du lịch. Huyện sẽ đưa ra mẫu cho doanh nghiệp này thi công cho tất cả các điểm du lịch trên địa bàn. Tỉnh cũng đã đưa ra kế hoạch, thống nhất một mẫu chung thì huyện sẽ chờ để xây dựng, hướng đến sự đồng bộ. |
Bài, ảnh: Đức Quang