Du khách tìm hiểu Cửu Đỉnh - Bảo vật quốc gia của Việt Nam
Còn bị động
Du lịch Huế chia thành hai mùa, mùa cao điểm khách nội địa và mùa khách quốc tế. Thời điểm từ tháng 9 hàng năm kéo dài đến tháng 2 - 3 năm sau chính là mùa cao điểm khách quốc tế.
Những năm qua, tốc độ tăng trưởng khách quốc tế của Huế khá ấn tượng bởi có sự bứt phá mạnh mẽ của thị trường khách Hàn Quốc (chiếm đến 30% thị phần khách quốc tế trong năm 2018). Nhưng gần đây, thị trường này có dấu hiệu sụt giảm, không chỉ ở Huế mà cả khu vực miền Trung. Riêng với Huế, trong 8 tháng đầu năm 2019, lượng khách Hàn Quốc giảm 6,5% so với cùng kỳ.
Theo dự báo, khách Hàn Quốc đến Huế sẽ tiếp tục giảm vì đã gần hết chu kỳ phát triển (khoảng 5 năm cho 1 chu kỳ khách). Trong khi đó, những giải pháp để giữ chân nguồn khách này ở lại với Huế gần như không có, hoặc có cũng chỉ mang tính tạm thời.
Khi khách Hàn Quốc có dấu hiệu giảm, Huế đón nhận sự trở lại của dòng khách Thái Lan. Khi phân tích một cách đa chiều, dù khách Thái Lan chiếm đến 13% trong cơ cấu khách quốc tế đến Huế, nhưng sự chủ động thu hút dòng khách này cũng chưa có. Phía Hội Lữ hành tỉnh thẳng thắn nhìn nhận, lượng khách Thái Lan đến miền Trung không phải chọn Huế làm điểm đến đầu tiên, mà chỉ chọn để tăng thêm tính đa dạng cho các tour. Nhận định như thế bởi theo Hội Lưu trú tỉnh, số ngày lưu trú ở Huế của khách quốc tế nói chung và Thái Lan nói riêng vẫn còn rất thấp (khoảng 1,65 ngày). Huế được xem chỉ là điểm dừng chân của nhiều thị trường khách.
Đó là những thị trường mới, còn với những thị trường truyền thống và chủ lực như Tây Âu – Bắc Mỹ, Sở Du lịch cũng nhìn nhận, lâu nay việc thu hút vẫn còn bị động. Nhất là sự tiếp cận đến thị trường khách này của các doanh nghiệp lữ hành ở Huế. Phía Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch cho biết, khoảng 2 năm trở lại, ngành dành khá nhiều kinh phí để đi quảng bá ở các thị trường Tây Âu. Tuy nhiên, vẫn thiếu sự tham gia của các doanh nghiệp. Do đó, khi đến tham gia các hội chợ du lịch, phía cơ quan quản lý Nhà nước chủ yếu quảng bá điểm đến, để đạt hiệu quả và có những cách thức đưa khách về Huế phải có những doanh nghiệp kết nối.
Ông Vũ Văn Chương, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Tự hào Việt Nam - Huế cho rằng, việc bị động này còn có nhiều lý do đã được chỉ ra nhiều năm qua. Đó là hạ tầng giao thông, nhất là sân bay chưa thể giúp Huế có những đường bay trực tiếp đến các thị trường khách. Huế trở nên phụ thuộc và khi đã trở thành đơn vị thứ cấp thì không thể quyết định thời gian khách ở lại Huế. Bên cạnh đó, phải nhìn nhận về sức hút nội tại của Huế đang có nhiều vấn đề. Dù có nhiều sản phẩm mới, nhưng tất cả là sản phẩm nhỏ, đơn lẻ, chưa trở thành “cú hích” thật sự.
Du khách tham quan Đại Nội
Kết nối để thu hút khách tốt hơn
Theo bà Dương Thị Công Lý, Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Hà Nội - Chi nhánh Huế, khách Pháp, Hà Lan hay Nhật Bản… đều có những nhu cầu khác nhau. Điều quan trọng là đánh giá đúng nhu cầu và hình thành những sản phẩm tương ứng. Chẳng hạn như khách Pháp và Hà Lan chủ yếu lựa chọn sản phẩm sinh thái gắn với cộng đồng. Năm 2019, lượng khách Tây Ban Nha đến Huế tăng và nhu cầu lại khác, họ muốn khám phá văn hóa, tham quan di sản và lưu trú ở những khách sạn tốt nhất.
Bà Dương Thị Công Lý cho biết, hàng năm các đơn vị lữ hành quốc tế luôn dành thời gian nhất định để phối hợp với các chủ hãng lữ hành nước ngoài đến Huế khảo sát, tìm hiểu thị trường nhằm đưa khách đến du lịch. Nếu khi phía cơ quan quản lý Nhà nước có những mối liên kết tốt, có thể gắn kết được doanh nghiệp các bên lại với nhau thì việc tăng tính chủ động, giúp doanh nghiệp Huế trực tiếp khai thác các nguồn khách là điều có thể thực hiện được.
Đó là một giải pháp, như đã phân tích ở trên, điều cần làm của Huế là hình thành những sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của khách. Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết, thời gian qua, ở Huế có khá nhiều sản phẩm mới hướng đến thị trường khách quốc tế, có thể kể đến sản phẩm đã và chuẩn bị đưa vào khai thác, như Đông Khuyết Đài, Thái Y Viện, Khu du lịch suối nước nóng Mỹ An…
Cũng theo ông Phúc, Huế đang từng bước hình thành chuỗi lễ hội, được tổ chức quanh năm để phục vụ du khách. Riêng từ đây đến cuối năm 2019, tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với một số đối tác tổ chức Lễ hội Lân Huế 2019, Giải đua xe đạp Quốc tế Coupe de Huế 2019, Giải Bán Marathon Huế 2019, một số hoạt động văn hóa, nghệ thuật gắn với du lịch khác, nhằm tiếp tục thu hút sự quan tâm của cộng đồng du khách.
Sự phát triển của Huế không thể tách rời các địa phương trong khu vực miền Trung, nhất là Đà Nẵng, vì khi du khách đi du lịch là đến cả miền Trung chứ không chỉ một điểm riêng lẻ. Trong khi Huế còn hạn chế về cơ sở vật chất, hạ tầng, năng lực của doanh nghiệp Huế còn thấp… việc hợp tác với các địa phương sẽ giúp tạo thành khối liên kết có khả năng thu hút và phục vụ khách tốt hơn.
Quang Sang