An toàn khi chơi trò mạo hiểm
Khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Alba Thanh Tân (KND Thanh Tân) thu hút rất đông người dân và du khách đến nghỉ dưỡng. Ngoài việc thư giãn trong dòng khoáng nóng tự nhiên, hai trò chơi mạo hiểm lớn nhất Việt Nam zipline (đu dây mạo hiểm tự do) và highwire (đi thăng bằng trên dây cáp) luôn hấp dẫn các bạn trẻ, du khách nước ngoài khám phá và thử thách độ dũng cảm của bản thân. Được đưa vào khai thác từ tháng 3/2014, zipline và highwire là hai trò chơi mạo hiểm duy nhất trên địa bàn tỉnh cho đến nay.
Trải nghiệm trò chơi mạo hiểm ở khu nghỉ dưỡng Thanh Tân. Ảnh: Khu nghỉ dưỡng Thanh Tân
Sau 2 vụ việc đáng tiếc xảy ra ở Đà Lạt - Lâm Đồng, ngày 7/3, Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) đã kiểm tra hoạt động của hai trò chơi mạo hiểm này. Sau khi kiểm tra hồ sơ, giấy tờ liên quan về thủ tục, quy trình an toàn, hồ sơ kiểm định, bảo hiểm…, đoàn kiểm tra thực tế ở khu vực diễn ra trò chơi. Tại đây, rất đông các bạn trẻ đang hào hứng với trò đu dây mạo hiểm. Trước khi chơi, họ được nhân viên kỹ thuật hướng dẫn, đồng thời ký cam kết tuân theo quy định an toàn về giới hạn độ tuổi, chiều cao, sức khỏe. Ở đây cũng luôn túc trực các nhân viên kỹ thuật được chuyên gia Altus, tập đoàn của Pháp dẫn đầu thế giới về các trò chơi mạo hiểm trên cao, đào tạo bài bản, chuyên nghiệp.
Ông Vũ Xuân Trúc, Phụ trách Đối ngoại của KND Thanh Tân cho biết: “Zipline và highwire được thiết kế, xây dựng và lắp đặt bởi đội ngũ chuyên gia và kỹ thuật viên của Altus, đạt chứng chỉ chất lượng bởi tổ chức Vertic Alps Expertise (Pháp) và Trung tâm kiểm định chất lượng của Bộ Xây dựng. Chúng tôi luôn đặt mục tiêu an toàn cho khách hàng lên trên hết. Với tính chất là môn thể thao mạo hiểm, người chơi Zipline và Highwire buộc phải tuân thủ chặt chẽ quy định về an toàn và đeo bộ thiết bị bảo vệ cơ thể gồm: dây đai, móc an toàn, ròng rọc và dây thừng được nhập khẩu từ Pháp, đội mũ bảo hiểm và tuân theo các tư thế an toàn được khuyến cáo. Định kỳ hàng năm, hệ thống trò chơi này được Công ty TNHH MTV Kiểm định kỹ thuật, an toàn và tư vấn xây dựng thuộc Tổng Công ty tư vấn xây dựng kiểm định an toàn. Ngoài ra, hàng ngày, nhân viên kỹ thuật luôn kiểm tra các trang thiết bị liên quan, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho khách tham gia”.
Hệ thống trò chơi mạo hiểm ở khu nghỉ dưỡng Thanh Tân luôn được kiểm tra thường xuyên
Ông Nguyễn Xuân Ngọc, Phó Chánh thanh tra Sở VH,TT&DL cho hay: “Qua kiểm tra cho thấy, quy trình hoạt động của hai trò chơi mạo hiểm ở KND Thanh Tân được đảm bảo an toàn với hệ thống thiết bị chất lượng, được kiểm định định kỳ. Đơn vị quản lý cũng đã mua bảo hiểm cho khách du lịch và đào tạo đội ngũ cứu hộ bài bản. Chúng tôi cũng đã lưu ý doanh nghiệp tiếp tục duy trì ứng trực cứu hộ khi có khách tham gia dịch vụ, đồng thời thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống thiết bị an toàn, bảo quản hệ thống cáp đu đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách. Những ngày thời tiết không thuận lợi, đề nghị doanh nghiệp có phương án ngừng hoạt động nhằm hạn chế ảnh hưởng đến sức khỏe của du khách”.
Tăng cường cảnh báo
Ông Nguyễn Văn Hà, Chánh Thanh tra Sở VH,TT&DL cho biết, hàng năm, Thanh tra Sở phối hợp với Phòng Nghiệp vụ Thể dục Thể thao và các phòng chức năng Công an tỉnh tổ chức kiểm tra công tác cứu hộ, cứu đuối tại các bãi biển, sông hồ, suối, thác trên địa bàn. Đoàn đã yêu cầu chính quyền địa phương thành lập ban quản lý tại các khu điểm nêu trên và chỗ nào nguy hiểm đều phải có biển báo chỉ dẫn, cảnh báo khu vực nguy hiểm, có lực lượng cứu hộ, cứu đuối được Sở VH,TT&DL tập huấn. Thời gian qua, mặc dù chưa có trường hợp tai nạn nào đối với du khách nước ngoài, tuy nhiên, cũng có những trường hợp người dân, du khách trong nước phớt lờ khuyến cáo dẫn đến tai nạn đáng tiếc, nhất là đuối nước khi tắm biển.
Trải nghiệm trò chơi Highwire - đi thăng bằng trên dây cáp
Huetourist là đơn vị lữ hành khai thác tour trekking rừng nguyên sinh ở A Lưới và đưa khách về đầm Chuồn khám phá “Chiều trên phá Tam Giang”. Ông Trần Quang Hào, Giám đốc Huetourist chia sẻ, sự việc ở Lâm Đồng là lời nhắc nhở cho những người làm du lịch về tính an toàn. Dù những tour du lịch này không đến mức quá mạo hiểm nhưng chúng tôi cũng phải quan tâm hơn về an toàn. Ở Huetourist, dù là hướng dẫn viên của công ty hay hướng dẫn viên tự do cộng tác, mỗi lần dẫn đoàn đi, công ty đều yêu cầu họ nắm kỹ quy trình tổ chức tour. Huetourist cũng đưa nhân viên điều hành, hướng dẫn tham gia chương trình tập huấn của VTOS (Tiêu chuẩn nghề du lịch Việt Nam) về an toàn tổ chức tour.
Ông Hào cho biết thêm: “Khi xây dựng, tổ chức tour, chúng tôi luôn tâm niệm rằng, bên cạnh chất lượng dịch vụ thì an toàn cho du khách là yêu cầu hàng đầu. Các sản phẩm trải nghiệm ở miền núi hay đầm phá đều có bộ tiêu chí an toàn, quy trình được xây dựng dựa trên các hướng dẫn của VTOS về an toàn tổ chức tour và được khảo sát kỹ lưỡng cùng với địa phương. Trong chương trình đi trekking, chúng tôi có các chỉ dẫn cụ thể, trang bị cho khách các vật dụng để leo trèo và cứ 3 khách thì có 1 người địa phương luôn sát cánh hỗ trợ. Tour về đầm phá cũng được trang bị thuyền, áo phao”.
Ông Hoàng Văn Khánh, Giám đốc Vietravel chi nhánh Huế cho rằng, chuyện xảy ra ở Lâm Đồng cảnh báo tất cả các đơn vị làm du lịch phải cẩn trọng, kể cả với loại hình du lịch không mạo hiểm nhưng có thể gây ra những trường hợp đáng tiếc. Vấn đề then chốt là tuân thủ các quy định và không chiều lòng khách, vì trong phút bốc đồng, khách có thể không tuân theo quy định. Để đảm bảo an toàn cho du khách, các hãng lữ hành nội địa và quốc tế phải mua bảo hiểm cho người tham gia. Về phía doanh nghiệp, khi xây dựng sản phẩm du lịch có tính chất mạo hiểm phải hiểu rõ rủi ro lớn nhất có thể xảy ra để lên phương án đảm bảo an toàn. Đồng thời, phổ biến tất cả những quy định liên quan tới các trò chơi, hình thức du lịch tiềm ẩn rủi ro và yêu cầu khách tuân thủ, kể cả du thuyền trên sông Hương cũng phải yêu cầu mặc áo phao.
Sự việc này cũng đặt ra cho các nhà quản lý yêu cầu phải thường xuyên kiểm tra, giám sát kỹ việc thực hiện những quy định liên quan đến an toàn của du khách, nhất là với những loại hình du lịch có tiềm ẩn nguy cơ cao, từ đó nâng cao ý thức chấp hành của cả cộng đồng. Đồng thời, nâng cao kỹ năng, tập huấn nghiêm túc về an toàn, cứu hộ, cứu nạn cho hướng dẫn viên để họ kịp thời hỗ trợ cho du khách.
Tăng cường công tác quản lý các khu, điểm, hoạt động du lịch mạo hiểm
Nhằm tăng cường công tác quản lý các khu, điểm, hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh vừa có Công văn số 1034/UBND-DL yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp các ngành, địa phương liên quan tập trung thực hiện ngay các nhiệm vụ sau:
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh xây dựng Quy định quản lý hoạt động du lịch mạo hiểm trên địa bàn tỉnh, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 30/3/2016.
Tổ chức kiểm tra cơ sở vật chất kỹ thuật, năng lực tổ chức các hoạt động tại tất cả các khu, điểm du lịch có loại hình du lịch mạo hiểm; yêu cầu bố trí biển báo, cảnh báo, chỉ dẫn rõ ràng cho khách du lịch; bố trí lực lượng cứu hộ trực tại các vị trí nguy hiểm.
Rà soát các tiêu chí, quy trình hoạt động theo giấy phép kinh doanh đối với các doanh nghiệp kinh doanh loại hình du lịch mạo hiểm; yêu cầu có phương án tổ chức chương trình du lịch phù hợp với từng loại hình du lịch mạo hiểm.
Yêu cầu các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh khi tổ chức đưa khách du lịch đến tham quan, sử dụng dịch vụ tại các khu, điểm du lịch mạo hiểm tuân thủ đúng quy định, quy trình, tuyên truyền, hướng dẫn du khách thực hiện đúng các quy định về an toàn khi sử dụng dịch vụ.
|
Bài, Ảnh: Minh Hiền