Sinh viên Khoa Du lịch học nghiệp vụ bàn
Nghịch lý
PGS.TS. Trần Hữu Tuấn, Khoa trưởng Khoa Du lịch, Đại học Huế trăn trở, nhu cầu nhân lực ngành du lịch luôn cần đội ngũ trẻ, giàu kinh nghiệm. Thời gian qua, nhân lực mảng lưu trú chủ yếu thiếu nguồn quản lý cao cấp, CEO của các khách sạn – resort liên doanh hoặc của nước ngoài tại Việt Nam. Việc tuyển dụng nhân sự từ nước ngoài, dù là người trong khu vực ASEAN thì đồng lương chi trả cho họ cũng khá cao. Đây là điều đáng tiếc cho lao động Việt Nam.
Thực tế, không ít doanh nghiệp muốn tuyển dụng nhân sự trong nước. Năm 2018, chia sẻ trên báo VnExpress, ông Steve Wolstenholme, Giám đốc vận hành dự án Hoiana tại Nam Hội An cho biết, công ty muốn tìm nhân sự người Việt nắm giữ vị trí lãnh đạo cấp cao khi dự án đi vào hoạt động. Song, công ty gặp khó trong tuyển dụng, bởi mô hình nghỉ dưỡng phức hợp còn khá mới mẻ nên người lao động tại Việt Nam cần thêm thời gian để tìm hiểu trước khi đầu quân và gắn bó lâu dài.
Nhân sự ngành du lịch trong nước rất lớn. Thống kê của Vụ Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho thấy, cả nước có 192 cơ sở tham gia giảng dạy liên quan đến lĩnh vực này. Trung bình, mỗi năm các cơ sở giáo dục đào tạo ra trường khoảng 20.000 sinh viên ngành du lịch. Tuy nhiên, nguồn nhân lực đó vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, dẫn đến tình trạng thừa lao động nhưng thiếu nhân lực chất lượng. Ngay tại Huế, ít nhất cũng có 2 đơn vị đào tạo về du lịch là Khoa Du lịch – Đại học Huế và Trường cao đẳng Du lịch Huế. Theo ông Trần Thanh Long, phụ trách Trung tâm Thực hành và Liên kết doanh nghiệp Khoa Du lịch, thông thường sinh viên ra trường làm nghiệp vụ, muốn làm quản lý phải mất trung bình 5 - 6 năm, người giỏi cũng khoảng 2 năm. Số lượng sinh viên ra trường làm quản lý tại các doanh nghiệp, khu du lịch lớn khá ít.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho rằng, các thương hiệu khách sạn, khu nghỉ dưỡng lớn của nước ngoài đòi hỏi yêu cầu tuyển dụng rất cao. Điều cần cải thiện của nhân lực du lịch Việt Nam là trình độ ngoại ngữ, chuyên môn thông qua các chương trình đào tạo.
Sinh viên Khoa Du lịch - ĐH Huế học nghiệp vụ buồng
Có thể đào tạo tại Huế
Theo các chuyên gia, sẽ khó ai ra trường làm được ngay công tác quản lý, phải có thời gian trải nghiệm làm nghiệp vụ, tức là sau đào tạo CEO, sinh viên vẫn phải được “thử thách” qua các công việc của người làm nghiệp vụ để tích lũy kinh nghiệm, song mô hình đào tạo cán bộ quản lý sẽ rút ngắn rất nhiều thời gian, mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và sinh viên sau khi tốt nghiệp. PGS.TS. Trần Hữu Tuấn cho rằng, Việt Nam và trong đó các cơ sở giáo dục tại Huế có thể đào tạo cán bộ quản lý ngành du lịch cho các doanh nghiệp, tạm gọi là mô hình đào tạo CEO thế hệ mới hay cán bộ du lịch trình độ cao.
Để triển khai, theo ông Tuấn, có thể chọn 2 – 5% sinh viên xuất sắc nhất (khoảng 20 sinh viên) mỗi khóa, đào tạo chuyên sâu bằng một chương trình riêng. Vấn đề là cần liên kết được các doanh nghiệp lớn, cam kết cho sinh viên thực tập, thực hành quản lý. “Lâu nay việc thực tập, thực hành của sinh viên chủ yếu là thực tập nghề nghiệp, rất khó để các doanh nghiệp cho thực hành quản lý. Nếu có những cơ chế hỗ trợ cho sinh viên vấn đề này thì đào tạo không quá khó”, PGS.TS. Trần Hữu Tuấn thẳng thắn.
Ông Nguyễn Văn Phúc nhận định, ý tưởng mở ngành đào tạo cán bộ quản lý du lịch rất hay, vấn đề là ngoài đầu vào sinh viên chất lượng, giỏi ngoại ngữ và chấp nhận quá trình thải loại (không đáp ứng thì học chương trình thường) cần tìm được đối tác có thương hiệu về du lịch, thường ở nước ngoài, triển khai các chương trình liên kết đào tạo, bằng cấp cao cấp. Chương trình này phải cập nhật kiến thức, kỹ năng mới đáp ứng yêu cầu cao của công việc và phải thực tập nhiều. Giáo trình cũng phải thay đổi theo chuẩn quốc tế. “Khi các công ty du lịch, đơn vị lữ hành tuyển chọn nhân sự rất chú ý đến kinh nghiệm và bằng cấp có thương hiệu cũng là lợi thế. Việc liên kết đào tạo cũng là hướng đi có thể mang lại nhiều hiệu quả”.
PGS.TS. Trần Hữu Tuấn cho rằng, đào tạo theo hướng này sẽ đóng góp lớn cho nguồn nhân lực chất lượng cao về du lịch của tỉnh nói riêng, khu vực miền Trung – Tây Nguyên và cả nước nói chung. Phía đơn vị đào tạo có thể hỗ trợ học bổng cho sinh viên, xây dựng các chương trình đề án, nhưng cũng rất cần doanh nghiệp hỗ trợ chuyên gia, tiếp nhận sinh viên thực tập, các ban ngành, địa phương hỗ trợ các mặt để phục vụ công tác đào tạo hiệu quả.
Bài, ảnh: Hữu Phúc